Căn nguyên gây viêm não của các ca nhập viện tại viện Nhi Trung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm dịch tễ học và căn nguyên của bệnh viêm não ở trẻ em điều trị tại bệnh viện nhi trung ương, năm 2014 2018 (Trang 63 - 67)

ƣơng năm 2014-2018

Qua xét nghiệm mẫu dịch não tủy, huyết thanh, ... của 215 trường hợp nhập viện tại viện Nhi Trung ương đã phát hiện ra một số căn nguyên gây viêm não bao gồm các căn nguyên do vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc kí sịnh trùng. Các tác nhân vi khuẩn được chẩn đoán trong nghiên cứu bao gồm: S. pneumoniae; E.Coli; rickettsia typhi; H. influenza; Syphilis... Trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là S. pneumoniae chiếm 6,51% tiếp đến Rickettsia typhi chiếm 1,4%; E. coli, H. influenza, Mycoplasma pneumonia và Syphilis… đều chiếm 0,47%. Từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015 nghiên cứu của tác giả Trần Thị Thu Hương và Phạm Nhật An tại viện Nhi Trung ương đã xác định được 4 loại căn nguyên gây viêm não do vi khuẩn là phế cầu, tụ cầu vàng, Hib, E. coli trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là phế cầu chiếm 78% tiếp đến là Hib, E. coli, tụ cầu vàng với tỷ lệ lần lượt là: 8%, 7%, 7% [46]. Đây là những căn nguyên hàng đầu gây viêm màng não mủ ở trẻ em tuy nhiên tổn thương não ở những bệnh nhân nhi này còn chưa được chú ý.

Theo Granerbod và cộng sự năm 2010 nghiên cứu căn nguyên viêm não thấy các vi khuẩn có thể gặp là Neisseria pneumonia, group A streptococci, Listeria spp [8]. Gần đây người ta nhấn mạnh vai trò của Mycoplasma pneumonia trong viêm não. Theo Koskoniemi nghiên cứu trên 462 bệnh nhân viêm não tại bệnh viện Helsinki cho thấy viêm não do Mycoplasma pneumonia chiếm 13% ở trẻ em và 7% ở người lớn hơn tuy nhiên trong

nghiên cứu của chúng tôi không ghi nhận trường hợp nào viêm não Mycoplasma pneumonia [31].

Tỷ lệ BN khỏi hoàn toàn sau khi ra viện 12 tháng là 38% và tỷ lệ tử vong chiếm 9%. Nghiên cứu trên 653 ca viêm não màng não điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2011 - 2014 cho thấy, nguyên nhân gây bệnh đứng đầu là vi rút VNNB: 33,20%; sau đó là phế cầu: 10,41%; Hib và N. meningitidis: 0,15% và 0,46%. Tỉ lệ điều trị khỏi hoàn toàn là 54,7%; để lại di chứng 19,9% và tỷ lệ tử vong 5,2% [35]. Kết quả này tương đương với kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Từ đó có thể thấy rằng VNNB luôn là nguy cơ số một gây ra các bệnh viêm não trên toàn thế giới.

Các bệnh VNVR do muỗi truyền được phân bố rộng rãi trên thế giới. Mỗi bệnh được định hình theo vùng địa lý đặc trưng, có liên quan đến đặc điểm sinh lý và sinh thái học của muỗi véc tơ truyền bệnh. Bệnh VNVR ngựa miền Đông lưu hành ở phía đông và bắc của Trung Mỹ, vùng giáp ranh Canada, rải rác ở khu vực trung và nam Mỹ và các đảo vùng Caribe. Bệnh VNVR ngựa miền Tây lưu hành tại miền tây, trung Hoa Kỳ, Canada và một phần của Nam Mỹ. Bệnh VNNB lưu hành tại các đảo phía tây Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến Philippine, ở nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Thái Lan và Đông Á từ Triều Tiên đến Indonesia, Ấn Độ. Bệnh viêm não Kunjin, bệnh viêm não Murray Valley lưu hành một phần lãnh thổ Australia và Papua New Guinea. Bệnh viêm não Saint Louis lưu hành ở Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc và Liên bang Nga,… Các trường hợp mắc VNVR thường xảy ra ở các vĩ tuyến ôn hòa trong mùa h , đầu mùa thu, thường được giới hạn ở các vùng và xuất hiện nhiều trong những năm nóng nực với nhiệt độ cao, có muỗi phát triển nhiều [47]. Các trường hợp viêm não do vi rút Dengue

tương đối hiếm gặp và được ghi nhận tại Ấn Độ, Indonesia và một vài quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng ca mắc viêm não do Dengue có dấu hiệu gia tăng [48] [49].

Bệnh viêm não do ve truyền được phân bố lưu hành ở nhiều nơi thuộc Liên Xô cũ, một số vùng thuộc Đông Âu, Trung Âu, Bắc Âu và Anh. Bệnh VNVR Viễn Đông lưu hành chủ yếu ở Viễn Đông thuộc Liên Xô cũ, bệnh VNVR Trung Âu chủ yếu ở Châu Âu, bệnh Louping chủ yếu ở Anh và Ireland, gần đây xuất hiện tại Tây Âu, Tỷ lệ mắc bệnh theo mùa và tùy thuộc vào mật độ ve véc tơ như Ixodes pesulcates ở Đông Á thường hoạt động trong mùa xuân và đầu hạ; Ixodes ricinus ở Châu Âu thường đốt vào đầu hạ và đầu thu; Ixodes cookie ở Hoa Kỳ, Canada thường đốt từ tháng 6 đến tháng 9. Những nơi có tỷ lệ mắc cao phần nhiều ở vùng nông thôn, rừng núi do con người tiếp xúc với ve nhiễm vi rút. Bệnh viêm não do ve truyền là bệnh dịch địa phương, lịch sử đã ghi nhận những vụ dịch VNVR Trung Âu do tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa từ dê, cừu chưa được tiệt khuẩn, do đó bệnh còn được gọi là sốt sữa 2 pha. Lứa tuổi mắc bệnh ở mỗi vùng khác nhau tùy thuộc và tuổi của người phơi nhiễm với ve hoặc tuổi của người tiêu thụ sản phẩm sữa động vật nhiễm vi rút [20].

Qua điều tra, các ca nhập viện có căn nguyên viêm não do vi rút bao gồm: enterovirus, Dengue vi rút, JEV, cytomegalo vi rút, HSV…Trong đó căn nguyên gây viêm não cao nhất là do vi rút VNNB (JEV) chiếm tỷ lệ 24,65% tương ứng 53 ca bệnh; đứng thứ hai là do tác nhân Herpes Simplex Virus (HSV) chiếm tỷ lệ 9,77% tương ướng với 21 ca bệnh. Từ năm 2004 – 2014, trung bình Việt Nam ghi nhận 1362 ca VNVR, riêng miền Bắc trung bình là 795 ca (58,4%). Năm 2014, tỷ lệ mắc và tử vong do VNVR tại Sơn La

và Điện Biên cao nhất trong cả nước, lần lượt là 17,13 ca và 18,74 ca trên 100000 dân, tỷ lệ tử vong lần lượt là 1,79 ca và 0,56 ca trên 100000 dân [39]. Nghiên cứu của trường đại học Oxford tại một số bệnh viện ở Việt Nam cho thấy vi rút Dengue, vi rút đường ruột và vi rút Herpes simplex là các tác nhân phổ biến gây viêm não ở người trưởng thành. Vi rút Dengue được phát hiện ở 39/641 ca nghi viêm não/viêm màng não do vi rút (6.1%), gồm 25 người trưởng thành và 14 trẻ em. Có 56% số ca bệnh không xác định được căn nguyên [37]. Tại Mỹ, viêm não cấp do vi rút Herpes simplex ở người lớn chiếm tỷ lệ khoảng 1 ca/1triệu dân năm, mỗi năm Mỹ ghi nhận khoảng 2.000 ca trong đó 90% do HSV-1, 10% do HSV-2 [50]. VNNB (JEV) là một những nguyên nhân chính gấy ra viêm não, viêm màng não, kết quả nghiên cứu tương đương với nghiên cứu của tác giả trên thế giới. Ở nghiên cứu của chúng tôi, có đến 38,6% số ca bệnh chưa chẩn đoán được nguyên chiếm tỷ lệ khá cao trong nghiên cứu.

Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, bệnh VNNB thường xuất hiện tản phát hàng năm, có tính mùa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, tần số mắc cao nhất vào tháng 6. Năm 1985 ghi nhận vụ dịch VNNB rất lớn ở khu vực miền Bắc [39]. Kết quả điều tra dịch tễ huyết thanh học trên quần thể lợn và người cho thấy vi rút VNNB phân bố rộng rãi ở mọi nơi nhưng bệnh nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng và trung du bắc bộ với tỷ lệ mắc hàng năm dao động từ 5 – 7 ca/100000 dân trong những năm 80 và đầu thập kỷ 90 [37]. Từ năm 1993, Việt Nam đã sản xuất được vắc xin phòng VNNB, đến năm 1997 vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tiêm miễn phí cho trẻ từ 1 – 5 tuổi tại các huyện nguy cơ cao. Đến nay tỷ lệ mắc VNNB đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tại các khu vực miền núi phía Bắc,

số mắc vẫn khá cao. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng tỷ lệ viêm não Nhật Bản đang có xu hướng giảm dần so với các năm trước, sở dĩ như vậy là do chương trình tiêm chủng mở rộng, dự phòng các cấp luôn được quan tâm và theo dõi. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu của đề tài là khác nhau dẫn tới những căn nguyên thu được có sự khác và mới. Nhưng đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, VNVR vẫn là một trong những gánh nặng bệnh tật, đóng góp tỷ lệ lớn trong mô hình bệnh tật chung.

Trong năm 2012, tại viện Nhi Trung ương đã xác định được 6 loại căn nguyên gây viêm não trên tổng số 565 bệnh nhân (chiếm tỷ lệ 26,01%). Số ca mắc VNNB là 60, sau đó là HSV1 với 47 trường hợp và Ev là 21 trường hợp. Các kết quả của nghiên cứu này thì tương đương với nghiên cứu tại Bangkok- Thái Lan năm 1996-1998 và ở Takeo- Cam pu chia [23].

Qua kết quả phân tích các trường hợp nhập viện là do nấm hoặc kí sinh trùng bao gồm: viêm não tự nhiễm, viêm não hậu nhiễm. Trong đó, căn nguyên do viêm não hậu nhiễm chiếm 0,47%. Căn nguyên do viêm não tự nhiễm chiếm 2,33%. Tỷ lệ cao nhất là do những nguyên nhân khác chiếm 4,65% bao gồm: bệnh ADEM, cysticerus cellulosae, mycoplasma pneumonia, u nguyên bào thần kinh, viêm não vi rút đường tiêu hoá. Trong nghiên cứu, có 38,6% là không rõ căn nguyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số đặc điểm dịch tễ học và căn nguyên của bệnh viêm não ở trẻ em điều trị tại bệnh viện nhi trung ương, năm 2014 2018 (Trang 63 - 67)