Hiện nay tại ngân hàng, nhận diện rủi ro tín dụng chủ yếu được thực hiện thông qua:
- Tiếp xúc khách hàng:
Công tác này được ngân hàng tiến hành khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, Ngân hàng có thêm những thông tin cần thiết làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá tính xác thực về năng lực pháp lý, năng lực tài chính, mục đích vay vốn, hiệu quả...của khách hàng, từ đó giúp cán bộ tín dụng có thể phát hiện những rủi ro có thể xảy ra.
- Phân tích các báo cáo tài chính của khách hàng:
Cán bộ tín dụng phân tích sâu tình hình tài chính của khách hàng thông qua các nhóm thông số, chỉ tiêu liên quan quy mô và tính chắc chắn của các nguồn tài chính mà khách hàng tạo ra để trả nợ vay. Tuy nhiên số liệu trong các báo cáo tài chính mà khách hàng gửi cho Ngân hàng thường không đủ độ chính xác, dẫn đến kết quả thẩm định, phân tích cũng không đảm bảo tính chính xác.
- Phân tích hồ sơ đề nghị vay vốn:
Phân tích hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng được xem là phương pháp hữu hiệu để nhận diện rủi ro tín dụng. Việc phân tích bộ hồ sơ vay vốn đã giúp cho Ngân hàng biết được mục đích vay vốn, có đúng đối tượng không, hiệu quả của phương án vay vốn thế nào, thuận lợi hay khó khăn khi quyết định cho vay... Điều này giúp cho Ngân hàng nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra khi chấp nhận giải ngân.
- Thông qua việc kiểm tra thực tế:
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của từng khoản vay mà định kỳ hàng tháng hoặc 6 tháng cán bộ tín dụng sẽ trực tiếp đến cơ sở sản xuất, kinh doanh của khách hàng để kiểm tra tình hình sử dụng vốn, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, về tài sản đảm bảo, tiến độ thực hiện dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng...trên cơ sở đó tiến hành phân tích đánh giá nhằm phát hiện kịp thời những nguy cơ tiểm ẩn có thể dẫn đến rủi ro cho Ngân hàng.
Trong những năm qua, nhận diện rủi ro tại Co-opbank diễn ra thường xuyên, liên tục đối với toàn bộ hoạt động tín dụng và đối với từng khoản tín dụng cụ thể; được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của quá trình cho vay, các dấu hiệu nhận diện rủi ro thường được chú ý:
- Các dấu hiệu từ phía khách hàng:
+ Khách hàng cung cấp thông tin, hồ sơ đề nghị vay vốn sai sự thật, độ tin cậy thấp, tìm mọi cách được vay vốn ngân hàng.
+ Một số trường hợp có mục đích vay vốn không rõ ràng, thiếu cơ sở chứng minh mục đích vay vốn. Nhu cầu vay vốn tăng đột biến so với nhu cầu dự kiến, tìm kiếm nguồn xử lý từ nhiều ngân hàng.
+ Một số trường hợp vay vốn ngắn hạn nhưng sử dụng cho mục đích trung, dài hạn; chấp nhận sử dụng các nguồn vốn vay với giá cao.
+ Khách hàng tìm cách trì hoãn, né tránh, gây khó khăn với cán bộ ngân hàng, không hợp tác trong các buổi làm việc, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng.
+ Chính sách của nhà nước, đặc biệt là tác động của các chính sách thuế, xuất nhập khẩu thay đổi; thêm đối thủ cạnh tranh tác động bất lợi đến chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng.
+ Né tránh việc chuyển nguồn thu về tài khoản tại Co-opbank nhằm che giấu nguồn thu.
+ Chậm thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ các khoản lãi đến hạn, nợ gốc đến hạn; khách hàng mong chờ từ nguồn tiền khác để trả nợ ngân hàng .
+ Trình độ, năng lực quản lý, điều hành yếu kém của khách hàng; hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, khó khăn trong kinh doanh.
- Các dấu hiệu từ phía ngân hàng:
+ Có những lúc vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hoặc giữ chân khách hàng nên cho vay dưới chuẩn, xem nhẹ mục tiêu an toàn vốn mặc dù biết các khoản tín dụng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
+ Không tuân thủ đầy đủ quy trình cho vay theo quy trình cho vay, kiểm tra giám sát khách hàng trước và sau cho vay không đầy đủ.
+ Xuất hiện tình trạng cán bộ ngân hàng bị mất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với công việc chưa cao, tinh thần làm việc chưa nghiêm túc..