Các nghiên cứu liên quan đến đề tài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện võ nhai, tỉnhthái nguyên (Trang 45 - 49)

Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Nhiều công trình khoa học, sách chuyên khảo và các Hội thảo được tổ chức để nghiên cứu về vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Có thể liệt kê một số công trình có liên quan như sau:

Nghiên cứu “Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (2001) của tác giả Nguyễn Phú Trọng, Trần Xuân Sầm là công trình nghiên cứu lớn, xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là những yêu cầu, đòi hỏi cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Theo các tác giả, việc xác định cơ cấu và tiêu chuẩn cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và thế giới; phải căn cứ vào đường lối cán bộ của Đảng đã được kiểm nghiệm từ cuộc sống; khai thác những nhân tố hợp lý về tiêu chuẩn quan chức trong các vương triều phong kiến và chú ý đến đặc trưng của cơn người Việt Nam truyền thống, đồng thời tham khảo kinh nghiệm và thành tựu khoa học quản lý của các nước. Nghiên cứu “Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới” (2004) của tác giảThang Văn Phúc và một số tác giảkhácđã giới thiệu về tổ chức nhà nước, bộ máy hành chính, lịch sử nền công vụ ở tám nước trên thế giới: Trung Quốc,

Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Anh, Mỹ. Đây là một tài liệu quý để nghiên cứu các chế độ, chính sách quản lý công chức ở các nước trên thế giới.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KHXH 05-03 “Luận chứng khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (GS.TS. Nguyễn Phú Trọng làm chủ nhiệm đề tài) đã đúc kết và đưa ra những quan điểm, định hướng trong việc sử dụng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội.

Tác giả Nguyễn Kim Diện với đề tài: “Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương” – luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2012. Luận án đã làm rõ và đưa ra quan điểm, phương pháp tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo và những giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng đội ngũ côn chức hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương.

Tác giả Tạ Quang Ngọc với đề tài: “Đổi mới tổchức và hoạtđộng củacơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân ở Việt Nam hiện nay”- luận án Tiến sĩ, Đại học Luật Hà Nội, năm 2013. Luận án đã nghiên cứu thực trạng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới ở nước ta đến nay, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.

Tác giả Trần Đình Thảo với bài viết: “Xây dựng đội ngũ công chức của huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam: thực trạng và những giải pháp”, tạp chí “Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng”. Tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thực trạng tuyển dụng, quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ công chức, công tác bố trí sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm công chức, thực trạng tình hình đào tạo, bồi dưỡng công chức. Từ việc phân tích thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, tác giả đã đề xuất các giải pháp chủ yếu xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của huyện Đại Lộc.

Bài viết “Xuất phát từ đại cục, hướng tới lâu dài, cố gắng xây dựng một đội ngũ cán bộ dự bị tố chất cao” (Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng

sản Trung Quốc: “Xây dựng đảng cầm quyền – kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc”) của tác giả Chu Phúc Khởi (Trung Quốc) cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc xem đội ngũ dự bị là “nguồn quan trọng của ban lãnh đạo các cấp”, và do đó xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị là nhiệm vụ chiến lược liên quan đến đại cục, đến lâu dài. Đây là công tác tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các địa phương của Trung Quốc, là kinh nghiệm để tiếp tục nghiên cứu cho tạo nguồn cán bộ ở Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học hoặc nhiều công trình, luận án, luận văn khác có đề cập ít nhiều đến vấn đề này.

Có thể khẳng định, những công trình khoa học kể trên đã cung cấp nhiều tư liệu quý báu về cơ sở lý luận, về kiến thức, kinh nghiệm xây dựng

đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng để tác giả tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề tài của mình.

Tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, có một số đề tài nghiên cứu thuộc một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, tài nguyên- môi trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu toàn diện về vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước cấp xã cũng như cấp huyện, tiếp cận từ góc độ khoa học về quản trị nhân lực. Do vậy, cần có một đề tài nghiên cứu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã của huyện Võ Nhai. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, hứa hẹn khả năng áp dụng cụ thể, hiệu quả cho địa phương trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của huyện.

Kết luận chương 1

Tác giả đã tập trung nghiên cứu hệ thống cơ sở lý luận về đội ngũ CBCC cấp xã, trong đó tác giả đã nêu ra các khái niệm, phân loại, những đặc điểm và vai trò của đội ngũ CBCC cấp xã. Trên cơ sở hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã về cơ cấu đội ngũ, về thể lực, tâm lực và trí lực, tác giả đã làm rõ nội dung công tác quản lý chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã.

Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu cơ sở lý luận về các nội dung quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bao gồm các hoạt động chủ yếu như: quy hoạch; tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng, sắp xếp đội ngũ; phân tích công việc. Đây là những nội dung rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Qua tìm hiểu, tác giả đã tham khảo kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn để thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và những kinh nghiệm, những bài học thực tế từ hoạt động của hai địa phương trên. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu cải cách hành chính, đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ, công chức và chính quyền các cấp cần nhận thức vai trò và trách nhiệm của mình nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, hiệu quả làm việc. Đặc biệt đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường là cấp chính quyền tiếp xúc trực tiếp với người dân, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này là yêu cầu và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với việc cải cách hành chính.

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ CỦA HUYỆN VÕ NHAI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện võ nhai, tỉnhthái nguyên (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)