Khái quát địa điểm nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ tại huyện châu đức tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 45 - 46)

Huyện Châu Đức là địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập vào tháng 8/1994 theo Nghị định số 45/1994/NĐ-CP ngày 02/6/1994 của Chính phủ. Châu Đức là một huyện nông nghiệp của tỉnh, đa số các hộ gia đình đều tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đến nay có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn Ngãi Giao. Ví trí địa lý phía bắc giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, phía nam giáp huyện Đất Đỏ và Thành phố Bà Rịa, phía tây giáp huyện Tân Thành, phía đông giáp huyện Xuyên Mộc. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện có khoảng 42.456,61 ha. Dân số trung bình của huyện hiện nay khoảng 157.816 người, trong khi đó số người độ tuổi lao động là 101.791 người.

Châu Đức xuất phát từ một huyện nông nghiệp khi mới thành lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, trình độ dân trí chưa cao, các hộ dân đời sống vật chất tinh thần còn gặp phải nhiều khó khăn; sau 20 năm (1994-2014) xây dựng và phát triển đến nay Châu Đức đã hoàn toàn đổi mới. Đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị ngày càng phát triển huyện đã dần hình thành các khu công nghiệp sản xuất chế biến với quy mô hiện đại thu hút vốn đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, các công trình giao thông thủy lợi đang từng bước hoàn thiện phục vụ đời sống của nhân dân; các hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức ngày một đa dạng phong phú nội dung lẫn hình thức... Trong tương lai Châu Đức tiếp tục phấn đấu trở thành huyện có tiềm lực về kinh tế với các thế mạnh sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn liền với phát triển công nghiệp theo hướng “Công nghiệp hóa – hiện đại hóa”.

Về lĩnh vực nông nghiệp, đa số nguồn đất của huyện là đất đỏ, vàng và đen trên nền đất Bazan (chiếm tỷ lệ 85,8% tổng diện tích đất) thuộc loại đất tốt, có độ phì cao và đó thực sự là một lợi thế so với các huyện khác, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm. Một số cây trồng tuy không chiếm tỷ lệ cao, song có diện tích trồng khá lớn như cây điều, cây ăn trái, khoai mì… Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng từng bước tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, ước đến hết năm 2015, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 34,9%, trồng trọt chiếm 65,1%. Giá trị sản xuất bình quân 01 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng, so với năm 2010 tăng 64 triệu đồng.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn và triển khai quy hoạch chăn nuôi đến năm 2020 đã tạo thuận lợi trong việc định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung phù hợp với lợi thế đối với từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh nông nghiệp của huyện như hồ tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và hạ giá thành sản xuất cho nông dân. Hầu hết cây trồng hàng năm được sử dụng giống mới từ đó cho năng suất cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng lạnh, kết hợp với giống mới, kỹ thuật chăm sóc hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ tại huyện châu đức tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)