7. Kết cấu của luận văn
2.3.3. Tiếng ồn và rung động
Tiếng ồn là những âm thanh gây khó chịu , quấy rối sự làm việc và nghỉ ngơi của con người. Người ta phân ra nhiều loại tiếng ồn: Tiếng ồn thống kê và tiếng ồn có âm sắc; Theo môi trường truyền âm chúng ta có tiếng ồn kết cấu và tiếng ồn lan truyền (tiếng ồn không khí); Theo đặc tính có: tiếng ồn cơ khí, tiếng ồn va chạm, tiếng ồn không khí, tiếng nổ hoặc xung; Theo dải tần số: tiếng ồn tần số cao (f > 1000 Hz), tiếng ồn tần số trung bình (f=300÷1000 Hz), tiếng ồn tần số thấp (f <300 Hz).
Rung động là dao động cơ học của vật thể đàn hồi sinh ra khi trọng tâm hoặc trục đối xứng của chúng xê dịch trong không gian hoặc sự thay đổi có tính chu kỳ hình dạng mà chúng có ở trạng thái tĩnh.
Tại mỏ khai thác đá xây dựng tiếng ồn và rung động chủ yếu phát ra từ các máy móc, thiết bị trong quá trình khai thác và sản xuất đá như: máy nghiền sàng, máy khoan, máy xúc, máy bơm nước, phương tiện vận tải. Những khu vực phát ra nhiều tiếng ồn như khu vực nghiền sàng và khu vực nổ mìn và khoan đá,…
Tiếng ồn tác động lên hệ thần kinh trung ương, sau đó đến hệ thống tim mạch và nhiều cơ quan khác và cuối cùng đến cơ quan thính giác. Khi chịu
tác dụng của tiếng ồn, độ nhạy cảm thính giác giảm xuống, ngưỡng nghe tăng lên. Đối với người lao động làm việc trong điều kiện tiếng ồn thì khó tập trung tư tưởng, lâu dần sẽ đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ăn không ngon, có hiện tượng cảm giác không chính xác có thể dẫn tới bệnh thần kinh. Người lao động lâu năm có thể mắc phải bệnh điếc nghề nghiệp thể nhẹ và thể vừa. Người lao động làm công việc tiếp xúc với nguồn rung nhiều sẽ gây BNN, làm giảm khả năng làm việc, chất lượng công việc cũng giảm xuống đáng kể, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ.
Rung động chung gây ra dao động của cả cơ thể, rung động cục bộ lại làm cho từng bộ phận của cơ thế dao động. Ảnh hưởng của rung động cục bộ không chỉ giới hạn trong phạm vi chịu tác động của nó mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và có thể làm thay đổi chức năng của các cơ quan và bộ phận khác, gây ra các bệnh lý tương ứng và gây nên bệnh nghề nghiệp.
Qua thực tế khảo sát và hồi cứu số liệu, tiếng ồn tại nhiều khu vực vượt quá giới hạn vệ sinh cho phép theo QCVN 24:2016/BYT (giới hạn cho phép mức áp suất âm tương đương là 85dBA đối với thời gian tiếp xúc là 8 tiếng). Một số khu vực có tiếng ồn vượt mức quy định như là: khu vực máy nghiền sàng (phòng điều khiển máy nghiền), khu vực máy khoan tay. Ngoài ra, mức rung tại một số vị trí làm việc vượt giới hạn vệ sinh cho phép theo quy chuẩn QCVN 27– 2016 (Mức gia tốc rung cho phép là 1,4 m/s2 đối với thời gian tiếp xúc là 8 tiếng)