Đặc trưng của thơ

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 36 - 37)

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.3.2.7. Đặc trưng của thơ

Nói đến thơ là nói đến thể loại trữ tình. Yếu tố bộc lộ, lan tỏa tình cảm là yếu tố cơ bản, quan trọng bậc nhất của thơ. Không có tình cảm chân thành rung lên từ những cung bậc cảm xúc thì không phải là thơ. Nói một cách hình ảnh thì tình cảm là yếu tố sinh mệnh của thơ.

Thơ ca khởi phát từ tâm hồn, đó là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc, là khúc hát của tâm hồn. Nếu các tác phẩm tự sự (tiểu thuyết, truyện ngắn, kí…) thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả thông qua việc tái hiện một cách khách quan các hiện tượng của đời sống với những tình huống, sự kiện thì thơ ca – một thể loại tiêu biểu của loại hình trữ tình lại hướng vào thế giới nội tâm, hiện thực bên trong tâm hồn con người với những rung cảm tinh tế, sâu sắc trước cuộc sống muôn màu. Lê Quí Đôn nói: “Thơ ca khởi phát tự lòng lòng”, Tố Hữu thì cho rằng: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Nhưng tình cảm trong thơ không tự nhiên mà có. Nói về điều này, nhà văn M. Gor-ki cũng cho rằng: “Thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm. Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo nhưng không phải là một yếu tố đơn độc, tự nó

nảy sinh và phát triển. Thực ra đó chính là quá trình tích tụ những cảm xúc, những suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên. Không có cuộc sống, không có thơ”.

Ta-go đã từng khẳng định: “Khi tình cảm tự tìm cho nó một hình thức để bộc lộ ra ngoài, chúng ta có thơ”. Ý kiến của Ta-go một lần nữa nhấn mạnh yếu tố tình cảm trong thơ. Qui luật sáng tạo trong thơ ca nghệ thuật là qui luật tình cảm. Sáng tác thơ nói riêng và văn chương nói chung chính là để thể hiện những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ, khát vọng của người cầm bút. Thơ là tiếng nói của tình cảm khi tình cảm ấy ở độ sâu sắc, mãnh liệt nhất. Khi những thôi thúc của trái tim trở nên dồn đập, mạnh mẽ, nó sẽ tự tìm đến một hình thức biểu hiện phù hợp nhất, truyền tải hết những tình cảm ấy. Cảm xúc trong thơ chính là yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên sự đặc sắc và nét riêng độc đáo của mỗi tác phẩm thơ ca. Không có tình cảm của nhà thơ thổi nguồn sống thì những câu chữ hiện lên trên trang giấy sẽ chỉ là những câu chữ “thẳng đơ”, vô nghĩa, vô cảm.

Chính tình cảm, cảm xúc đã làm nên nét đặc trưng của thơ so với các thể loại khác. Nếu trong văn xuôi, trong các thể tự sự, người nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng, tình cảm qua hệ thống nhân vật, cốt truyện, tình huống thì trong thơ, người nghệ sĩ thể hiện trực tiếp những tình cảm này bằng ngôn từ. Thơ trao cho người sáng tác quyền bộc lộ trực tiếp những cảm xúc của mình. Cảm hứng sáng tác chỉ được xây dựng trên hệ thống tình cảm phong phú, sâu sắc của nhà thơ về cuộc sống. Trong thơ không chấp nhận thứ tình cảm hời hợt, nông cạn. Tình cảm trong thơ phải là tình cảm mãnh liệt, sâu sắc và dâng trào trong trái tim nhà thơ. Chính cảm xúc ấy đã truyền tải sức sống cho những hình tượng nghệ thuật trong thơ, làm cho những hình tượng ấy trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc. nếu không có tình cảm, thơ chỉ là những con chữ vô hồn ghép thành vần, thành điệu.

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 36 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(61 trang)
w