Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 31 - 33)

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.3.2.5. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm văn học

Nội dung và hình thức tác phẩm văn học là hai phương diện cơ bản thống nhất không thể tách rời của các tác phẩm văn học.

Nội dung tác phẩm là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn. Đó là một hệ thống gồm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan xuyên thấm vào nhau. Trước hết, tác phẩm văn học cung cấp cho người đọc những biểu hiện phong phú, nhiều vẻ và độc đáo của đời sống mà tính loại hình của chúng tạo thành đề tài của tác phẩm. Vấn đề quan trọng nhất nổi lên từ đề tài, buộc tác giả phải bày tỏ thái độ, có ý kiến đánh giá là chủ đề. Ý kiến của tác giả trước vấn đề được nêu ra trong tác phẩm là tư tưởng. Thái độ đánh giá, nhiệt tình bảo vệ tư tưởng tạo nên cảm hứng chủ đạo hay cảm hứng tư tưởng. Quan niệm về thế giới và con người được dùng làm hệ quy chiếu để tác giả xác định đề tài, chủ đề, lý giải thế giới của tác phẩm có cội nguồn sâu xa trong thế giới quan. Cuối cùng, tương quan giữa sự biểu hiện của đời sống và sự cảm thụ chủ quan tạo nên nội dung thẩm mỹ của hình tượng. Nội dung tác phẩm là kết quả khám phá, phát hiện khái quát của nhà văn. Sự lược quy nội dung này vào các phạm trù xã hội học sẽ làm nghèo nàn nội dung tác phẩm.

Nội dung tác phẩm văn học chỉ tồn tại bằng hình thức và qua hình thức tác phẩm. Đó là cấu tạo gồm nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và phụ thuộc vào nội dung tác phẩm. Văn bản ngôn từ là yếu tố thứ nhất của hình thức tác phẩm có hai chức năng: vẽ ra bức tranh đời sống và biểu hiện thái độ, cái nhìn của chủ thể lời nói bằng phương tiện ngôn ngữ. Đến lượt mình, “bức tranh đời sống” của tác phẩm lại trở thành văn bản hình tượng mà ý nghĩa của các thành tố của nó như chi tiết, tình tiết, nhân vật, cốt truyện, nhịp điệu trong toàn bộ thể hiện các

yến tố nội dung kể trên. Kết cấu có thể ví như ngữ pháp, có vai trò tổ chức các đơn vị có ý nghĩa của văn bản hình tượng thành những lời phát biểu. Thể loại văn học là những quy tắc tổ chức hình thức tác phẩm ứng với những loại hình nội dung nghệ thuật của nó. Hình thức nghệ thuật của tác phẩm là hiện tượng độc đáo, ứng với nội dung độc đáo, hoàn toàn không phải là số cộng giản đơn của các thủ pháp và phương tiện nghệ thuật. Trong tính chỉnh thể, hình thức nghệ thuật có nghĩa là hình thức cảm nhận đời sống, là cách tự bộc lộ của nội dung tác phẩm.

Trong tác phẩm văn học hình thức nghệ thuật là kênh duy nhất truyền đạt nội dung của nó, là phương tiện cấu tạo nội dung và làm cho nó có bộ mặt độc đáo. Do đó, tìm hiểu hình thức là điều kiện không thể thiếu để hiểu đúng nội dung. Bỏ qua hình thức hoặc bỏ qua tính chỉnh thể của nó sẽ có nguy cơ hiểu lệch nội dung tác phẩm, biến nó thành những cái “tương đương xã hội học”. Về mặt triết học, nội dung luôn luôn quyết định hình thức, hình thức phù hợp nội dung.

Trong văn học, hình thức văn bản và hình tượng là một tổ chức mang tính ký hiệu, là cái biểu đạt, còn nội dung là cái được biểu đạt, tức là ý nghĩa. Do đó các yếu tố nội dung của tác phẩm, như đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng, tính cách,… về thực chất đều là các lớp ý nghĩa của cái biểu đạt, do người đọc cảm nhận và khái quát nên. Do vậy nội dung của tác phẩm không đứng yên, bất biến, mà được mở rộng, đào sâu trong quá trình tiếp nhận, làm cho tác phẩm văn học tồn tại như một quá trình.

Chỉ những ai sống sâu sắc với cuộc đời, có ý thức trách nhiệm với nhân sinh, thời cuộc mới phát hiện được nội dung nghệ thuật có tầm cỡ. Và đồng thời phải có tài năng nghệ thuật, tu dưỡng văn hóa, mới sáng tạo ra được những tác phẩm có nội dung và hình thức nghệ thuật hoàn mỹ.

5.3.2.5.1.Sự hài hòa máu thịt giữa nội dung phản ánh và hình thức nghệ thuật.

Nội dung và hình thức vốn là một phạm trù triết học liên quan đến mọi hiện tượng trong đời sống. Hình thức tất yếu phải là hình thức của một nội dung nhất định và nội dung bao giờ cũng là nội dung được biểu hiện qua một hình thức. Không thể có cái này mà không có cái kia và ngược lại. Tác phẩm nghệ thuật là một hiện tượng xã hội, cho nên trong những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nội dung và hình thức luôn luôn thống nhất khăng khít với nhau. Có lẽ không

ai diễn đạt sự thống nhất chặt chẽ này ấn tượng hơn nhà phê bình văn học Nga Biêlinxki: “Trong tác phẩm nghệ thuật, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như là tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức cũng có nghĩa là hủy diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy”. Ông cho rằng: “Khi hình thức là biểu hiện của nội dung thì nó gắn chặt với nội dung tới mức nếu nó tách khỏi nội dung có nghĩa là hủy diệt bản thân nội dung; và ngược lại, nội dung tách khỏi hình thức, có nghĩa là tiêu diệt hình thức”

Trong tác phẩm văn học, hình thức là cái để biểu hiện nội dung, hình thức phải phù hợp với nội dung. Mối quan hệ này bắt nguồn từ chỗ nhà văn có nhu cầu phát biểu quan điểm, sự đánh giá một nội dung nào đó của hiện thực dưới hình thức nghệ thuật. Trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, nội dung đóng vai trò quyết định còn hình thức góp phần làm định hình và biểu hiện nội dung đó. Trong một tác phẩm cụ thể, nội dung quyết định việc lựa chọn hình thức thể loại, ngôn ngữ, nhân vật, kết cấu…Ví dụ: Để diễn tả những cảm xúc của con người đối với thế giới, nghệ sĩ thường tìm đến thể loại trữ tình. Với mục đích răn dạy, giáo huấn về những chân lí đời sống phổ biến, giản dị, thể loại ngụ ngôn là hình thức phù hợp. Nội dung muốn được thể hiện tốt nhất cần phải tìm được một hình thức phù hợp. Do đó, hình thức phù hợp với nội dung trở thành tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Hê-ghen khẳng định: “Chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà nội dung và hình thức đồng nhất với nhau mới là những tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Ông cũng nói: “Nội dung chẳng phải cái gì khác, mà chính là sự chuyển hóa của hình thức vào nội dung, và hình thức cũng chẳng có gì khác hơn là sự chuyển hóa của nội dung vào hình thức”.

Nếu một tác phẩm nghệ thuật không đạt được sự thống nhất chặt chẽ ấy thì sẽ như thế nào? Biê-lin-xki cho rằng: Dù một bài thơ dù có chất chứa những tư tưởng đẹp đến mấy đi nữa… nhưng nếu trong nó không có tính thơ thì nó cũng chỉ là một dụng ý đẹp được thực hiện tồi. Rêpin cũng nói: Ý tưởng anh đẹp đẽ như vậy nhưng anh vẽ tồi thì anh chỉ làm cho người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng của anh mà thôi. Còn nếu một tác phẩm chỉ coi trọng hình thức mà xem nhẹ nội dung thì dễ rơi vào nông cạn, hời hợt và tất nhiên không thể là một tác phẩm nghệ thuật giá trị.

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 31 - 33)