Tiếp nhận văn học

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 27 - 31)

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.3.2.4: Tiếp nhận văn học

* Khái niệm: Tiếp nhận văn học là sống với tác phẩm, rung động với nó, vừa đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm, vừa tỉnh táo lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp và tài nghệ của tác phẩm và tác giả. Tiếp nhận văn học còn là dùng tưởng tượng, kinh nghiệm sống và tâm hồn mình để hình dung hình tượng tác phẩm một cách sinh động.

- Hai tính chất cơ bản:

+ Tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. Các yếu tố thuộc về cá nhân có vai vai trò quan trọng: năng lực, thị hiếu, sở thích, lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống, ... Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ làm cho sự tiếp nhận mang đậm nét cá nhân. Chính sự chủ động, tích cực của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống cho tác phẩm.

+ Tính đa dạng, không thống nhất: cảm thụ, đánh giá của công chúng về một tác phẩm rất khác nhau, thậm chí cùng một người ở nhiều thời điểm có nhiều khác nhau trong cảm thụ đánh giá. Nguyên nhân ở cả tác phẩm (nội dung phong phú, hình tượng phức tạp, ngôn ngữ đa nghĩa, ...) và người tiếp nhận (tuổi tác, kinh nghiệm, học vấn, tâm trạng, ...).

* Các cấp độ tiếp nhận văn học

- Cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể muốn tìm xem toàn bộ câu chuyện tác giả muốn nói gì.

- Cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm.

- Cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức nghệ thuật, thấy được cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Đây là cách đọc sâu sắc nhất đòi hỏi người đọc không chỉ hiểu mà còn phải có năng lực cảm thụ văn chương.

5.3.2.3.1. Tiếp nhận trong đời sống văn học:

Bên cạnh hoạt động sản xuất ra của cải vật chất để tồn tại và phát triển, loài người còn có hoạt động sản xuất rất quan trọng đó là sản xuất ra của cải tinh thần. Văn chương nghệ thuật là một trong những dạng sản xuất của cải tinh thần

của con người. Quá trình sản xuất ra của cải tình thần – tác phẩm nghệ thuật diễn ra như thế nào? Phải chăng khi nhà văn nung nấu ý đồ rồi lập sơ đồ, viết, sửa chữa và hoàn thành tác phẩm là quá trình sản xuất tinh thần đã hoàn tất? Không phải như vậy. Hiểu một cách đúng đắn và nghiêm ngặt thì xong khâu sửa chữa, việc sáng tạo nghệ thuật mới chỉ hoàn thành được một công đoạn trong cả quá trình sản xuất. Đó là công đoạn hoàn thành văn bản tác phẩm. Nếu ví tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của nhà văn, nhà văn thai nghén, mang nặng đẻ đau thì hoàn thành văn bản tác phẩm chỉ ứng với lúc đứa con sinh ra, đứa con chào đời. Còn sự sống, cuộc đời, số phận của nó thế nào thì chưa được nói đến. Số phận của đứa con sẽ được định đoạt như thế nào là tùy thuộc vào nó và xã hội xung quanh. Số phận của tác phẩm nghệ thuật như thế nào là tùy thuộc vào nó và những người tiếp nhận nó. Chỉ đến khi được người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật mới hoàn tất. Hoạt động sản xuất tinh thần này cũng giống như hoạt động sản xuất vật chất. Chỉ có sử dụng mới hoàn tất hành động sản xuất. Một vật phẩm làm ra nhưng không được đưa vào sử dụng thì nó chẳng có ích lợi gì cho sự sống, nó chẳng có giá trị gì cả. Một tác phẩm nghệ thuật được viết xong nằm im trong ngăn kéo của nhà văn hoặc không được ai đoái hoài tới thì chưa phải là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vì nó chưa được sử dụng. Nghệ thuật có chức năng giao tiếp, khi chưa được giao tiếp với người đọc thì nghệ thuật chưa sống đúng với vai trò của nó. Quá trình giao tiếp của nghệ thuật là quá trình sử dụng sản phẩm của nghệ thuật, là quá trình phát huy tác dụng chức năng của nghệ thuật. Quá trình đó xác định con đường sống, số phận lịch sử của tác phẩm nghệ thuật.

Sơ đồ của quá trình sáng tác – giao tiếp của văn chương như sau: Nhà văn – Tác phẩm – Bạn đọc

Như vậy, có 3 giai đoạn của quá trình sinh tồn tác phẩm văn chương: Giai đoạn 1 là giai đoạn hình thành ý đồ sáng tác, giai đoạn 2 là giai đoạn sáng tác. Đây là giai đoạn ý đồ sáng tác cộng với tài năng sáng tạo được vật chất hóa trong chất liệu ngôn ngữ, thành tác phẩm. Giai đoạn 3 là giai đoạn tiếp nhận của bạn đọc. Đây là giai đoạn văn bản tác phẩm thoát li khỏi nhà văn để tồn tại một cách độc lập trong xã hội, trong từng người đọc.

5.3.2.3.2. Bàn về sự đồng cảm giữa nhà văn và bạn đọc.

M.Gor-ki từng khẳng định: “Người tạo ra tác phẩm là tác giả nhưng người quyết định số phận tác phẩm là độc giả”. Tác phẩm văn chương chỉ sống

được trong lòng độc giả. Thế nhưng không phải bạn đọc nào cũng hiểu được tác phẩm, hiểu được thông điệp thẩm mĩ của tác giả. Thực tế văn học đã có biết bao chuyện đáng buồn: Người đọc hiểu hoàn toàn sai lệch giá trị của tác phẩm và tư tưởng của nhà văn. Cho nên ở bất cứ thời đại nào, bất cứ nền văn học của dân tộc nào cũng đều rất cần tiếng nói tri âm của bạn đọc dành cho tác giả. Tiếp nhận văn học thực chất là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói với người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người sẻ chia cảm thông. Bao giờ người viết cũng mong người đọc hiểu mình, cảm nhận được những điều mình muốn gửi gắm, kí thác. “ Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà ta bỏ xuống được. Ta sẽ dùng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc”.

Thế nhưng cơ sở nào đem lại sự cảm thông, chia sẻ giữa người đọc và người viết? Trước hết cần được bắt đầu bằng qui luật sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ cầm bút trước tiên là để giải bày lòng mình. Khi những trăn trở, suy nghĩ, day dứt, dằn vặt, vui hay buồn không thể nói với ai thì người nghệ sĩ tìm đến văn học, bởi “thơ là tiếng lòng”, là tiếng nói hồn nhiên nhất của trái tim. Người nghệ sĩ sáng tác trước hết là cho chính mình và cho những người thực sự hiểu mình mà thôi. Phải chăng vì vậy mà khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã đắn đo: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa”. Thế nhưng thơ là “tiếng nói đồng điệu đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Nhà thơ đồng thời là bạn đọc thơ, như Tế Hanh nói: Đọc thơ đồng chí ngỡ thơ mình. Nhà văn viết tác phẩm như rải phấn thông vàng đi khắp nơi, mong có người theo phấn mà tìm về. Cho nên, bạn đọc là một mắt xích quan trọng trong chu trình sáng tác – tiếp nhận tác phẩm. Bạn đọc cũng là người có suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, có niềm vui và nỗi buồn, có cảnh ngộ và tâm trạng, nhiều khi bắt gặp sự đồng điệu với nhà văn, nhà thơ. Khi hai luồng sóng tâm tình ấy giao thoa thì tác phẩm sẽ rực sáng lên, trở thành nhịp cầu nối liền tâm hồn với tâm hồn, trái tim với trái tim. Muốn vậy, người nghệ sĩ ngôn từ phải là người vừa hiểu mình, vừa hiểu người. Hiểu khát khao mà mình muốn hướng tới và hiểu người đọc mong muốn điều gì, nói cách khác là phải thấu hiểu mong muốn, khát vọng, của con người, phải xem những nhu cầu của người đọc là mục đích sáng tạo của thơ ca.

Những câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? luôn là những câu hỏi mà mỗi người nghệ sĩ ngôn từ cần đặc biệt quan tâm mỗi khi cầm bút.

Như vậy, tiếng nói tri âm giữa người đọc và người viết là điều văn học dân tộc nào, thời đại nào cũng hướng tới. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với nghệ sĩ phải sáng tác những tác phẩm bằng những cảm xúc chân thành nhất, da diết nhất, hướng tới và ngợi ca những giá trị Chân - Thiện - Mĩ muôn đời. Và người đọc, hãy sống hết mình với tác phẩm để hiểu được thông điệp thẩm mĩ của tác giả, để chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu nỗi lòng, những khát vọng tác giả gửi gắm.

Một phần của tài liệu (SKKN CHẤT 2020) hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học (Trang 27 - 31)