Để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng cần tiến hành kiểm soát việc thực hiện dịch vụ, tìm hiểu phản ứng của khách hàng đối với những dịch vụ mà mình cung cấp, có cần cải tiến dịch vụ để nó thích ứng được nhu cầu ngày một cao hơn của khách hàng hay không. Từ đó có thông tin chính xác nhằm đưa ra các chính sách điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng... Tránh để dịch vụ vừa ra đời đã không thể thực hiện do không thích ứng được với thị trường hay không đủ điều kiện để thực hiện. Muốn thực hiện giải pháp này, chi nhánh cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các phòng nghiệp vụ, các phòng giao dịch và chi nhánh trực thuộc trong việc thực hiện triển khai các dịch vụ. Yêu cầu từng bộ phận phải theo dõi tình hình cụ thể việc mở rộng dịch vụ và báo cáo với Giám đốc chi nhánh để kịp thời điều chỉnh, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc mở rộng dịch vụ tại chi nhánh.
Trong hoạt động kinh doanh, ngân hàng luôn luôn phải đối đầu với rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro hối đoái, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất. Rủi r o làm cho ngân hàng rơi vào tình trạng tổn thất về tài chính, uy tín và thậm chí có thể bị phá sản. Ví dụ vào năm 1997, nhiều NHTM Việt Nam do mở rộng cho vay lan tràn đã rơi vào tình trạng nợ quá hạn, nợ khó đòi cao. Hay sự cố xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vào ngày 13/10/2003, một tin
đồn thất thiệt là Tổng giám đốc đã bỏ trốn. Ngày 14 và 15 tháng 10/2003 số lượng lớn khách hàng đã tập trung đến ngân hàng này để rút hàng trăm tỷ đồng tiền gửi trước hạn đã tạo ra khó khăn trong thời gian nhất thời về tính thanh khoản của ngân hàng. Hay gần đây nhất là việc các ngân hàng trong nước đã đua nhau để giành giật khách hàng tiền gửi lẫn khách hàng tiền vay đã tạo nên những ảnh hưởng xấu như lãi suất huy động tăng cao, các điều kiện để xem xét cho vay, hay nói cách khác là cơ chế phòng ngừa rủi ro bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, gây nên tình trạng cho vay dưới chuẩn đã làm cho thị trường tài chính khó kiểm soát, nền kinh tế mang tính “bong bóng” dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng và tác động ngược lại làm cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn như nợ quá hạn tăng cao, tính thanh khoản bị giảm sút nghiêm trọng.
Hiện nay, trên thị trường tài chính quốc tế nghiệp vụ tài chính phái sinh đã phát triển rất mạnh với các nghiệp vụ phái sinh rất đa dạng và thị trường ph ái sinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Sở dĩ nó phát triển thành công như vậy, là do sử dụng nghiệp vụ này đem lại lợi ích cho các thành viên thị trường. Người đầu tư phải đối diện với những rủi ro do biến động giá cả của các sản phẩm chính, họ phải sử dụng nghiệp vụ phái sinh để giảm thiểu hoặc loại bỏ rủi ro.
Dưới đây xin đề cập đến một số nghiệp vụ phái sinh chuẩn và không chuẩn hay còn gọi là công cụ phái sinh độc lập và công cụ phái sinh “được gắn thêm” hiện đang được giao dịch phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế.
* Một số công cụ phái sinh độc lập:
- Hợp đồng mua bán trước (còn gọi là công cụ kỳ hạn): Là một công cụ tài chính phái sinh đơn giản. Đó là một thoả thuận mua hoặc bán một tài sản (hàng
hoá hoặc các tài sản tài chính) tại một thời điểm trong tương lai với một giá đã xác định trước.
Đặc điểm của hợp đồng này là:
Thông thường hợp đồng này được thực hiện giữa các tổ chức tài chính (TCTC)với nhau, hoặc giữa TCTC với các khách hàng là doanh nghiệp phi tài chính (các hợp đồng này thường được ký kết song phương).
Trong hợp đồng này người mua được gọi là người giữ thế trường vị (long position), người bán được gọi là người giữ thế đoản vị (short position).
Hợp đồng này chỉ được thực hiện khi đáo hạn: Đến thời điểm đáo hạn người giữ vị thế đoản vị phải thực hiện bán tài sản cho người giữ vị thề trường vị và nhận một khoản tiền từ người mua với mức giá cả đã định trước trong hợp đồng, cho dù vào thời điểm đó giá thị trường của tài sản đó có cao hơn hoặc thấp hơn giá xác định trong hợp đồng. Nếu giá thị trường cao hơn giá hợp đồng thì người giữ vị thế trường vị sẽ có lãi (có giá trị dương), còn người giữ vị thế đoạn vị bị giá trị âm; và ngược lại.
- Hợp đồng mua bán trong tương lai: là một công cụ tài chính phái sinh, tương tự như hợp đồng mua bán trước, chỉ khác có một số điểm sau:
Hợp đồng mua bán trong tương lai thường được ký kết và thực hiện hợp đồng thông qua một môi giới trên thị trường chứng khoán; và người mua và người bán thường không quen biết nhau, do vậy đơn vị môi giới thường đưa ra một số các tiêu chuẩn cho những hợp đồng này.
Ngày giao hàng không được xác định một cách chính xác như hợp đồng mua - bán trước, mà được qui định theo tháng và khoảng thời gian của tháng phải giao. Văn phòng thị trường chứng khoán (người môi giới) xác định khối lượng, chất
lượng của hàng hoá giao dịch, cách giao hàng, giá hợp đồng, và cũng có thể xác định luôn giá trị hợp đồng mua bàn tương lai có thể thay đổi trong một ngày.
Người mua, bán phải trả phí hoa hồng cho người môi giới, và giá rao bán được xác định trên sàn giao dịch chứng khoán.
Để tránh những rủi ro khi thực hiện hợp đồng mua bán trong tương lai, do người mua, hoặc người bán tháo lui khỏi hợp đồng vì sự biến động giá trên thị trường bất lợi cho mình, hoặc do đến thời điểm thanh toán, người mua không có khả năng tài chính. Văn phòng chứng khoán phải đưa ra những qui định về yêu cầu dự trữ tối thiểu đối với người ký hợp đồng tương lai với nhà môi giới. Khoản tiền dự trữ này được giữ tại một tài khoản của người đầu tư mở tại văn phòng chứng khoán.
Kết thúc một hợp đồng tương lai, hiếm khi được diễn ra như ký kết ban đầu, mà thường xảy ra sự hoàn đổi trong suốt thời gian đáo hạn.
Trong hoạt động ngân hàng, các ngân hàng đã sử dụng nhiều nghiệp vụ này trong kinh doanh chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư để phòng chống rủi ro do biến động lãi suất trong tương lai. Để hạn chế rủi ro biến động lãi suất trong tương lai, nhìn chung đòi hỏi các ngân hàng phải giữ vị thế trên thị trường trong tương lai đối nghịch với vị thế hiện thời trên thị trường giao ngay. Bởi vậy, một ngân hàng có kế hoạch mua trái phiếu “ tạo thế trường” trên thị trường giao ngay có thể bảo vệ được giá trị của những trái phiếu này bằng việc ký hợp đồng bán trái phiếu trên thị trường tương lai tạo vị thế đoản.nếu ngay sau đó, giá trái phiếu giảm trên thị trường giao ngay, thì sẽ có một khoản lợi nhuận được bù đắp xuất hiện từ thị trường tương lai và điều này giúp cho ngân hàng tối thiểu hoá tổn thất gây ra do biến động lãi suất.
- Hợp đồng quyền chọn (quyền chọn mua hoặc bán): Là một sản phẩm tài chính phái sinh rất được ưa chuộng. Hợp đồng quyền chọn được thực hiện với các hoạt động mua, bán: Cổ phiếu, chỉ số thị trường chứng khoán, ngoại tệ, công cụ nợ, các hợp đồng mua bán tương lai và hàng hoá. Có hai loại hợp đồng quyền chọn: Hợp đồng quyền chọn mua (call option) và hợp đồng quyền chọn bán (put option). Hợp đồng quyền chọn mua là thoả thuận cho phép người cầm hợp đồng có quyền mua sản phẩm từ một nhà đầu tư khác với mức giá định sẵn vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Còn hợp đồng quyền bán là thoả thuận cho phép người cầm hợp đồng có quyền bán sản phẩm cho một nhà đầu tư khác với mức giá định sẵn vào ngày đáo hạn của hợp đồng.
Đặc điểm của hợp đồng quyền chọn: Khác với hợp đồng mua bán trước và hợp đồng mua bán tương lai hợp đồng quyền chọn không bắt buộc các bên phải giao sản phẩm. Hợp đồng chỉ quy định quyền giao hay nhận, mà không bắt buộc thực hiện nghĩa vụ của mình. Người mua quyền có thể: Thực hiện quyền, hay bán quyền cho một người mua khác; hay không thực hiện quyền . Để có quyền này, khi ký hợp đồng, người cầm hợp đồng phải trả quyền phí ; giá trong hợp đồng được gọi là giá thực hiện hay là giá nổ (Strike price); ngày định trong hợp đồng gọi là ngày đáo hạn hay ngày thực hiện.
Một điểm đáng chú ý là: trong khi người mua hợp đồng lựa chọn call mong muốn giá của sản phẩm hợp sẽ tăng lên trong ngày đáo hạn thì người mua hợp đồng lựa chọn Put lại hy vọng giá xuống. Nếu cao hơn giá định trước họ sẽ từ chối quyền bán và chịu mất quyền phí. Tất nhiên sự từ chối hay không từ chối quyền khi giá ngày đáo hạn cao (hay thấp) hơn giá nổ sẽ được các nhà đầu tư tính toán trên cơ sở mức độ chênh lệch giữa giá định trước với giá ngày đáo hạn và quyền phí.
- Nghiệp vụ hoán đổi: là một hợp đồng trong đó hai bên thoả thuận trao đổi nghĩa vụ thanh toán. Thông thường giao dịch này bao gồm các thanh toán lãi, và trong một số trường hợp là thanh toán nợ gốc. Giao dịch hoán đổi lãi suất_và hoán đổi ngoại tệ là sản phẩm của thị trường phi tập trung (OTC) được kết hợp trực tiếp giữa hai ngân hàng, hoặc giữa ngân hàng với khách hàng. Theo đó không có mẫu chuẩn của hợp đồng giao dịch hoán đổi và các hợp đồng kiểu này sẽ khác nhau về một số nội dung.
Trước khi các giao dịch hoán đổi xuất hiện, bên vay và bên cho vay thường bị giới hạn ở lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi, cấp vốn hoặc cho vay trên cơ sở tiền mặt. Nhà đầu tư hoặc ngân hàng sẽ gặp phải sự không tương xứng về lãi suất giữa tài sản có và tài sản nợ. Ví dụ công ty vay lãi suát cố định , nhưng lại đầu tư vào thị trường lãi suất thả nổi, chắc chắn sẽ bị lỗ khi lãi suất giảm do không có khoản tăng thu nhập từ tài sản có lãi suất thả nổi.
Giao dịch hoán đổi được tạo ra để xử lý những sự không tương xứng này, tạo cho ngân hàng, doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các dòng lưu chuyển tiền tệ của mình. Các ngân hàng dàn xếp các giao dịch hoán đổi cho các bên cụ thể có nhu cầu cần bổ sung cho nhau. Các ngân hàng thu được phí do làm đại diện trong các giao dịch này. Thị trường càng phát triển, ngân hàng tham gia với vai trò chủ chốt, thực hiện những bù trừ tất cả các trạng thái với các bên ngang nhau và đối nghịch. Thu nhập được tạo ra từ sự chênh lệch giữa lãi suất hoán đổi thanh toán và nhận được, hoặc phí trả trước để giàn xếp.
* Các công cụ phái sinh không chuẩn (được gắn thêm), gồm có: - Hợp đồng quyền chọn lãi suất chặn trên và chặn hai đầu
+ Quyền chọn lãi suất chặn trên tối đa: được áp dụng khi khách hàng vay vốn theo lãi suất thả nổi nhưng không phải trả vượt quá một mức lãi suất được
xác định trước. Đến thời điểm đáo hạn nếu lãi suất thực tế vượt mức lãi suất xác định trước, khách hàng chỉ phải trả lãi suất theo mức đã xác định trước trong hợp đồng. Trường hợp lãi suất hiện thời thấp hơn lãi suất xác định trước khách hàng trả theo lãi suất hiện thời. Để có quyền này, khách hàng phải trả một mức phí nhất định theo thoả thuận.
+ Quyền chọn chặn hai đầu, được áp dụng khi khách hàng vay lãi suất thả nổi với mong muốn phải trả lãi suất trong một khung xác định trước.
- Nghiệp vụ tiền gửi kết hợp quyền chọn tiền tệ - Dual currency Deposit.
Nghiệp vụ này có thể được mô tả như sau:
+ Khách hàng và TCTD thoả thuận với nhau về một giao dịch tiền gửi thông thường kèm theo một hợp đồng quyền chọn, theo đó đến ngày đáo hạn, nếu tỷ giá đồng tiền thấp hơn (hoặc cao hơn) tỷ giá thoả thuận ban đầu thì người gửi tiền sẽ nhận được tiền gốc và tiền lãi bằng đồng tiền đã gửi ban đầu; nếu tỷ giá lớn hơn (hoặc thấp hơn) mức tỷ giá thoả thuận ban đầu thì người gửi tiền sẽ nhận tiền gốc và tiền lãi bằng đồng tiền khác theo tỷ giá và loại đồng tiền do khách hàng và TCTD thoả thuận ban đầu.
+ Có kỳ hạn cố định và thường là ngắn hạn;
+ Lãi suất của loại tiền gửi này có thể cao hơn lãi suất tiền gửi thông thường cùng kỳ hạn và gắn với quyền chọn tiền tệ có thể phát sinh rủi ro.
Qua thống kê cho thấy, thị trường các công cụ tài chính phái sinh đã hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên còn rất nhỏ bé và chưa phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn còn thấp, trên thị trường còn thiếu vắng các nhà đầu tư am hiểu kỹ về lợi ích cũng như kỹ thuật tính toán lợi nhuận từ các loại nghiệp vụ này. bên cạnh đó các nhà môi giới, các nhà cơ lợi còn quá ít trên thị trường tiền tệ, thị trường chứng
khoán để thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ thị trường này. Sự kém phát triển của thị trường phái sinh là một thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường tài chính ở Việt Nam. Khi mà rủi ro luôn là bạn đường của các nhà đầu tư và ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập, thì phát triển thị trường các nghiệp vụ phái sinh được xem như là lá chắn quan trọng để hạn chế rui ro cuả thị trường đối với những nhà đầu tư. Vì vậy phát triển thị trường phái sinh là rất cần thiết hiện nay.
Thực tế tại chi nhánh NHNo&PTNT Chợ Mới chưa có các chính sách quản lý rủi ro riêng và cũng chưa có một bộ phận nào nghiên cứu đưa ra các chính sách quản lý, phòng chống rủi ro. Cách thức quản lý phòng ngừa rủi ro được thực hiện một cách tự phát, nhiều khi dựa vào phán đoán, cảm tính của từng cán bộ nghiệp vụ. Đó là chưa kể đến các cán bộ có trình độ nghiệp vụ yếu kém, chưa lường hết được rủi ro nên thường rơi vào hai thái cực, hoặc là lúng túng, không dám làm hoặc là làm liều và gây ra rủi ro cho ngân hàng.
Về mặt nguyên lý cho thấy không có cách nào để loại trừ rủi ro một cách hoàn toàn bởi lợi nhuận và rủi ro luôn tỷ lệ thuận với nhau. Do vậy, chúng ta phải tìm cách quản lý nhằm khống chế rủi ro một cách tối ưu nhất.
Ngân hàng phải thành lập một bộ phận quản lý rủi ro riêng. Bộ phận này có trách nhiệm nghiên cứu và đề ra chính sách quản lý rủi ro cho từng dịch vụ ngân hàng cụ thể, xây dựng và hoàn thiện hệ thống phòng ngừa rủi ro, kết hợp với bộ phận nghiên cứu chiến lược phát triển để đưa ra một chiến lược phát triển hiệu quả nhất, an toàn nhất.
Ngân hàng cần xây dựng một cẩm nang về rủi ro. Để có một hệ thống phòng ngừa rủi ro tương đối hoàn chỉnh, ngân hàng nhận biết được khả năng xảy
ra rủi ro, tìm ra những nguyên nhân làm phát sinh các rủi ro đó và cuối cùng là xây dựng các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng rủi ro xảy ra đối với từng dịch vụ. Đúc kết lại để tạo ra một cẩm nang về quản lý rủi ro cho tất cả các cán bộ tại chi nhánh.