- Quy mô và chất lượng nhân lực: Bộ phận phòng khách hàng ở Chi nhánh là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, đồng thời trực tiếp quản lý khoản cho vay DAĐT; vì vậy, công tác hạn chế rủi ro tín dụng chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi bộ phận cán bộ tín dụng tại Chi nhánh được bố trí đủ nguồn lực và có chuyên môn, năng lực quản lý khách hàng, năng lực thẩm định cao; được đào tạo và nâng cao trình độ thường xuyên để đảm bảo được yêu cầu của công việc.
- Hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu: Quá trình thẩm định rủi ro DAĐT đòi hỏi cán bộ tín dụng phải thu thập từ nhiều nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau. Vì vậy, Chi nhánh cần trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, cập nhật để phục vụ quá trình tìm kiếm, tổng hợp dữ liệu, thông tin của cán bộ tín dụng được thuận lợi, dễ dàng hơn.
- Năng lực của ban lãnh đạo: Ban Giám đốc Chi nhánh, bộ phận lãnh đạo các phòng ban là bộ phận trực tiếp quản lý và kiểm soát tình hình rủi ro tín dụng của
toàn Chi nhánh. Ban lãnh đạo có chuyên môn, có khả năng đánh giá, nhận định, đề ra các định hướng cấp tín dụng, cũng như định hướng và biện pháp quản trị rủi ro phù hợp, đúng đắn sẽ là kim chỉ nam cho công tác hạn chế rủi ro tín dụng của Chi nhánh, giúp ngăn ngừa, hạn chế các rủi ro phát sinh. Ngược lại, những phán quyết cấp tín dụng sai lầm, chưa phù hợp; hoặc lơ là trong công tác chỉ đạo hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng của ban lãnh đạo Chi nhánh sẽ dẫn đến những hậu quả lớn đối với chất lượng tín dụng và hiệu quả kinh doanh của hoạt động cho vay DAĐT.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Chương 1 đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về những vấn đề cơ bản của tín dụng và rủi ro tín dụng nói chung, và tín dụng cho vay DAĐT và rủi ro cho vay DAĐT trong hoạt động kinh doanh của các NHTM. Ngoài ra, Chương 1 cũng đã đi sâu vào nghiên cứu nội dung công tác hạn chế rủi ro cho vay DAĐT, tiếp cận các bước theo các giai đoạn cấp tín dụng và quy trình quản lý rủi ro tín dụng. Đồng thời, Chương 1 đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của công tác hạn chế rủi ro cho vay DAĐT và các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả này. Những nội dung này là cơ sở lý luận quan trọng để tác giả tiếp tục nghiên cứu Chương 2.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HẠN CHẾ RỦI RO CHO VAY Dự ÁN ĐẦU TƯ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM - CHI NHÁNH BA ĐÌNH
2.1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM - CHI NHÁNH BA ĐÌNH