Từ những phân tích trên có thể rút ra một số bài học cho việc hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam như sau:
- Tiếp tục đề cao quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập, gia nhập thị trường và hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; giảm chi phí quản trị, chi phí tuân thủ, chi phí giao dịch của doanh nghiệp; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
- Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công tư phù hợp thông lệ quốc tế.
- Nghiên cứu bỏ quy định về số cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần. Điều đó có nghĩa là sự thay đổi cổ đông không ảnh hưởng đến sự tiếp tục tồn tại của công ty cổ phần. Nếu công ty bắt buộc phải có ba cổ đông thì khi số lượng cổ đông không đạt được mức tối thiểu, công ty cổ phần có thể có nguy cơ phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và chấm dứt tồn tại với tư cách là công ty cổ phần. Ngoài ra không nên khống chế số lượng thành viên Hội đồng quản trị mà nên để các công ty tự quyết định số lượng thành viên Hội đồng quản trị.
- Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần để các quy định này trở thành các công cụ hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích của công ty và cổ đông công ty. Đặc biệt trong các quy định về quản trị doanh nghiệp có nhiều học thuyết pháp lý và các quy định pháp luật về nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty. Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý công ty. Nhưng các quy định này vẫn chỉ là các nguyên tắc, các quy định khung mà chưa phải là các quy định chi tiết, cụ thể nên khó có khả năng thi hành.
CHƯƠNG 2: QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM