Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã thực sự trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước đổi mới chúng ta chỉ thừa nhận nền kinh tế có 03 thành phần (quốc doanh, tập thể và cá thể), 03 hình thức sở hữu (toàn dân, hợp tác xã và tư nhân). Sau đổi mới, chúng ta đã khẳng định, nền kinh tế nước ta bao gồm, nhiều hình thức sở
hữu, thành phần kinh tế và tổ chức kinh doanh. Trong đó, công ty cổ phần với sở hữu hỗn hợp ngày càng phát triển. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và chế độ phân phối đã phát triển đa dạng, từng bước tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện của đất nước. Các chủ thể kinh tế được tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật, ngày càng phát huy vai trò tích cực trong nền kinh tế quốc dân.
Qua 30 năm đổi mới, đất nước cũng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Hiến pháp 2013 và hàng loạt bộ luật để thể chế hóa Hiến pháp 2013 cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2.6.3 Trình độ, kỹ thuật lập pháp
Lập pháp là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội nước ta. Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Hoạt động lập pháp của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hướng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Về kỹ thuật lập pháp, Quốc hội đã áp dụng hình thức ban hành một luật để sửa đổi, bổ sung nội dung của một số luật nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống, tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục mà vẫn bảo đảm chất lượng của dự án luật.
Các văn bản luật về doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển đất nước, yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua đối với hệ thống pháp luật về doanh nghiệp cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế nhất định. Từ năm 1990 đến nay nước ta đã 5 lần ban hành các Luật liên quan đến doanh nghiệp, gây tốn kém kinh phí, nguồn lực cho việc sửa đổi, bổ sung. Có thời điểm nước ta có ba văn bản pháp luật điều chỉnh về các loại hình doanh nghiệp khác nhau, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
2.6.4. Quan điểm lập pháp
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013) đã bổ sung một nguyên tắc mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Đó là “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Theo điều 70 Hiến pháp năm 2013, Nhân dân chỉ trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: quyền hạn và nhiệm vụ về lập hiến, lập pháp; quyền hạn và nhiệm vụ về giám sát tối cao và quyền hạn và nhiệm vụ về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đối với quyền lập pháp là quyền đại diện cho Nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được Nhân dân trao cho quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho Nhân dân, bảo đảm cho ý
chí chung của Nhân dân được thể hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được Nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật. Quyền biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp, chứ không phải là quyền đưa ra các mô hình xử sự cho xã hội. Vì vây, quyền lập pháp không đồng nghĩa với quyền làm ra luật. Quyền hạn và nhiệm vụ của Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp được quy định ở Điều 70 và Điều 120 của Hiến pháp năm 2013.