Sau khi thống nhất đất nước 1975 (rõ nhất là trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1986), trên lãnh thổ nước Việt Nam thống nhất chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh, cơ sở sản xuất sở hữu tập thể và các hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp có nguồn gốc sở hữu ngoài nhà nước và sở hữu tư nhân hầu như không tồn tại.
Pháp luật về doanh nghiệp trước thời kỳ đổi mới chưa hình thành thành một hệ thống mà mới chỉ tồn tại ở một số văn bản đơn lẻ, tách biệt với nhau, thiếu thống nhất, đồng bộ. Số lượng luật, pháp lệnh trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có pháp luật về doanh nghiệp được ban hành rất hạn chế. Điều đáng lưu ý là, các văn bản pháp luật được ban hành trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước là xoá bỏ chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành công hữu hoá về tư liệu sản xuất dưới hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; mối quan hệ kinh tế được pháp luật điều chỉnh tập trung vào quan hệ giữa các tổ chức kinh tế với Nhà nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12- 1986) đã mở ra một thời kỳ mới, đổi mới toàn diện cả kinh tế và xã hội, có ý nghĩa như cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và rất sâu sắc. Đại hội chỉ rõ: "Phương hướng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã được khẳng định là xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế". Với sự thay đổi to lớn trong chính sách kinh tế, các loại hình công ty được hình thành và phát triển, như vậy pháp luật về công ty dần hình thành và phát triển.
Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân chính thức được ban hành, chính thức thừa nhận ở tầm luật định sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân do người Việt Nam làm chủ trong nền kinh tế Việt Nam.