Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật doanh nghiệp năm 1999, trên cơ sở hợp nhất Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân thành một luật chung, Luật doanh nghiệp 1999 đã được mở rộng theo hướng bám sát vào thực tiễn kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
2.3.1. Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nghiệp
Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định về thủ tục thành lập doanh nghiệp theo hướng tiệm cận với các quan điểm làm luật tiên tiến trên thế giới.
Đối tượng được quyền góp vốn, thành lập, thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 1999 được mở rộng hơn so với Luật công ty 1990. Việc mở rộng này tạo ra sự thống nhất với các luật liên quan đến vấn đề này như Bộ Luật dân sự, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời cũng góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực hiện có trong xã hội vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó, vấn đề người được quyền góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp cũng được quy định một cách khoa học hơn. Luật Doanh nghiệp quy định
vấn đề này theo phương pháp loại trừ, theo đó mọi tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập, quản lý và góp vốn vào công ty, trừ các trường hợp bị cấm được liệt kê trong luật.
Theo quy định của luật doanh nghiệp năm 1999 “mọi tổ chức cá nhân không thuộc đối tượng bị cấm thành lập công ty đều có quyền thành lập công ty tại Việt Nam”.
Các chế định về thủ tục thành lập công ty quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 1999 được đơn giản hóa đi rất nhiều so với các quy định của Luật công ty 1990 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật doanh nghiệp năm 1999 đó bỏ đi giai đoạn xin phép thành lập doanh nghiệp, chỉ còn giai đoạn đăng ký kinh doanh với hồ sơ gọn nhẹ và thủ tục đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư muốn thành lập mới doanh nghiệp.
Việc đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp 1999 đã thể hiện một buớc tiến đáng kể trong quá trình cải cách thủ tục hành chính so với Luật công ty1990. Những quy định mới này đã hạn chế tối đa được sự can thiệp không cần thiết của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời vẫn đảm bảo đuợc tính chặt chẽ, giám sát đuợc hoạt động của công ty sau khi đăng kí kinh doanh.
2.3.2. Quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp
- Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và dân cư bỏ vốn đầu tư để kinh doanh hoặc mở rộng quy mô, ngành nghề kinh doanh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện và lợi ích của họ, Luật Doanh nghiệp bổ sung hai loại hình doanh nghiệp mới là loại hình công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, như vậy Luật doanh nghiệp 1999 điều chỉnh đối với 4 loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.
Luật Doanh nghiệp 1999 không quy định phải có Hội đồng quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn như trong Luật công ty 1990, tức loại hình công ty này chỉ có Hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Điều này xuất phát từ việc công ty trách nhiệm hữu hạn là công ty nhỏ, không nhất thiết phải có bộ máy quản lý điều hành độc lập, có tính tập trung cao.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Có thể lựa chọn một trong hai mô hình Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc) cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Cũng xuất phát từ nguyên tắc coi việc tổ chức quản lý, phương thức điều hành quản lý trước hết và chủ yếu là công việc nội bộ của công ty, Luật doanh nghiệp chỉ đưa ra các khung cơ bản, các giới hạn bắt buộc cần thiết và trên cơ sở đó các thành viên công ty sẽ tự xác định các mức độ, tỷ lệ cụ thể ghi trong điều lệ công ty.
Công ty cổ phần
Về cơ bản cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc). Công ty cổ phần có 12 cổ đông trở lên bắt buộc phải có Ban kiểm soát. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 1999 quy định đầy đủ và rõ ràng hơn thẩm quyền cơ chế hoạt động của mỗi cơ quan trong cơ cấu quản lý của công ty cổ phần.
Về Ban kiểm soát, đối với công ty cổ phần có 12 thành viên trở lên bắt buộc phải có Ban kiểm soát. Ban kiểm soát có từ ba đến năm thành viên gọi là kiểm soát viên trong đó ít nhất một thành viên có chuyên môn về kế toán. Ban kiểm soát bầu một thành viên làm trưởng ban và Trưởng ban kiểm soát phải là cổ đông.
Công ty hợp danh
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty hợp danh do các thành viên hợp danh thỏa thuận trong Điều lệ công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.
Điều 101, Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định: Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đó nộp thuế và thực hiện cỏc nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2.3.3. Quy định về các loại vốn và cơ cấu về vốn của doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 1999 đã bỏ yêu cầu về vốn pháp định trong thủ tục thành lập công ty đối với mọi ngành nghề nói chung. Điều này không có nghĩa là không có vốn vẫn được thành lập công ty. Việc quản lý của Nhà nước về vấn đề vốn công ty được thực hiện theo một phương thức khác. Cụ thể là các doanh nghiệp phải đăng ký số vốn đã có khi thành lập và định kỳ báo cáo, cập nhật thông tin về số vốn đó với cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này cung cấp cho các cơ quan quản lí Nhà nước có thẩm quyền và những người khác có nhu cầu.
2.3.4. Quy định chế độ pháp lý về thành viên của doanh nghiệp
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn: Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm mươi.
Đối với Công ty cổ phần: Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa. Gồm có cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2.3.5. Quy định về điều kiện và thủ tục giải thể doanh nghiệp
- Theo Điều 111 Luật doanh nghiệp năm 1999 bổ sung thêm các trường hợp giải thể doanh nghiệp: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục; Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Luật dooanh nghiệp 1999 cũng quy định trình tự, thủ tục tiến hành giải thể rõ ràng, cụ thể hơn. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ về giải thể doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh phải xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.
2.3.6. Quy định về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh là một chủ thể kinh doanh
- Luật doanh nghiệp năm 1999 chưa công nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh.
- Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định cụ thể và đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của người đầu tư. Luật Doanh nghiệp đưa ra các quy định giúp các nhà đầu tư thiết lập cơ chế vốn linh hoạt đa dạng, qua đó các nhà đầu tư có thể cùng nhau thoả thuận và lựa chọn cách thức góp vốn phù hợp với điều kiện và lợi ích của họ. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp cụ thể cơ chế và cách thức để người góp vốn có thể tham gia vào việc quyết định các vấn đề quản lí doanh nghiệp, giám sát việc quản lý doanh nghiệp. Do vậy, quyền tham gia quyết định và giám sát của nhà đầu tư với việc quản lý, kinh doanh ở doanh nghiệp, được đảm bảo, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư ở doanh nghiệp được bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ.
Luật Doanh nghiệp 1999 được xây dựng trên nguyên tắc người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; cải cách thủ tục hành chính đã tạo ra những kết quả rất tích cực, là công cụ quan trọng để đảm bảo quyền
tự do kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiến bộ, Luật doanh nghiệp cũng đang đặt ra những vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện.