Pháp luật quốc tế và một số quốc gia về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở việt nam hiện nay (Trang 39 - 46)

trên báo chí của công dân

2.3.1. Pháp luật quốc tế về quyền tự do ngôn trên báo chí của công dân

Quyền tự do ngôn luận là quyền con người và là một trong những quyền cơ bản của công dân. Về nguồn gốc của quyền này, có nghiên cứu cho rằng, nó đã xuất hiện từ thời cổ đại ở phương Tây, gắn với nền dân chủ Athen của người La Mã vào khoảng cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ thứ V trước công nguyên. Đến cuối thế kỷ XVIII, trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Tuyên ngôn về các quyền của con người và của công dân. Tuy nhiên, trong pháp luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận với tư cách là một quyền cấu thành của quyền tự do biểu đạt (freedom of expression) mới chính thức được ghi nhận tại Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Tiếp theo, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966 (Việt Nam gia nhập tháng 9/1982), quyền tự do ngôn luận được quy định cụ thể hơn tại khoản 2 Điều 19 mà về nội dung không khác nhiều so với quy định trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948.

Tuy nhiên, trong Điều 19 của văn kiện pháp lý này vó quy định về một số trường hợp hạn chế hợc kèm theo điều kiện khi thực thi quyền tự do ngôn luận. Cho đến nay trong pháp luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận có nội dung khá rộng, được thể hiện dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, quyền này có thể bị những hạn chế nếu liên quan đến các hành động phỉ báng, vu khống, khiêu

dâm, xúi giục, kích động, vi phạm bản quyền hoặc bí mật thương mại, bảo mật thông tin, quyền riêng tư, an ninh công cộng… Thực tế cho thấy, hầu hết các quốc gia ký kết hoặc gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đều không bảo lưu quy định về những trường hợp hạn chế quyền tự do ngôn luận.

2.3.2. Pháp luật của Cộng hoà Pháp về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

Là một nước có nền báo chí phát triển độc lập và tự do hàng đầu trên thế giới, quyền tự do ngôn luận trên báo chí đã được ghi nhận từ rất sớm. Ngay từ bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789, Điều 11 của tuyên ngôn nói rằng: Tự do truyền đạt tư tưởng, ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người: Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và xuất bản một cách tự do, ngoại trừ những trường hợp bị lạm dụng quyền tự do này, mà đã được quy định trong pháp luật. Như vậy, Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Pháp được ghi nhận như là một trong những quyền cơ bản, và những quyền này cũng có thể bị giới hạn theo quy định của pháp luật.

Tự do ngôn luận được bảo vệ trong tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Mặc dù vậy, pháp luật của nước Pháp cũng đưa ra các giới hạn, các chế tài nghiêm khắc để trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Những quy định này được nêu tại Bộ luật 1881 về quyền tự do báo chí và Bộ luật dân sự Napoleong. Các quy định có liên quan bao gồm: Bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ (Điều 29 Luật 1881), bảo vệ, chống lại việc xâm phạm đời tư (Điều 9 BLDS), chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo (Điều 32 Luật 1881), kích động bạo lực, gây hận thù (Điều 24 Luật 1881).

2.3.3. Pháp luật của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

Ở Hoa kỳ không có Đạo luật nào riêng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Tuy nhiên, các quyền tự do này được coi là quyền Hiến định, được nêu rõ trong Hiến pháp, có hiệu lực áp dụng trực tiếp. Trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ nêu rõ: “Quốc hội không được ban hành Đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí, hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”.

Như vậy, có thể thấy điều khoản này đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận trên báo chí thông qua việc ngăn chặn nhà nước đề ra các Đạo luật làm hạn chế quyền này. Đối với các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ thì đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai có quyền và tư cách ban phát, Hiến pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy mà thôi. Có thể thấy, Tu chính án thứ nhất được ban hành để “răn đe” chính quyền.

Kể từ khi báo chí, mạng xã hội xuất hiện thì vấn đề về quyền tự do ngôn luận trên báo chí trên các diễn đàn xã hội mặc nhiên được chấp nhận ở Hoa Kỳ như là một hình thức của quyền tự do ngôn luận nói chung.

Như vậy, không giống các quốc gia khác, báo chí Hoa Kỳ với sự hậu thuẫn của bản Tu chính án thứ Nhất và hệ thống án lệ, được mệnh danh là nhấnh quyền lực thứ tư trong thể chế tam quyền phân lập. Đây chính là điều khiến cho hình mẫu pháp lý về quyền tự do báo chí tại Hoa Kỳ trở thành một hình mẫu đáng tham khảo nhất trên thế giới. Tuy nhiên có một nền báo chí tự do cũng có thể có những khuyết điểm nhất định như con người có thể bị quấy rầy, can thiệp hay bôi nhọ hàng ngày. Điều này đòi hỏi các nhà báo tại Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do đã được Hiến pháp trao cho một cách thông minh và hợp lý để làm đúng vai trò và chức trách cho quyền lợi công dân và xã hội.

2.3.4. Giới hạn quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo luật quốc tế

Có thể nói không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền cơ bản và phổ quát về quyền tự do ngôn luận là tuyệt đối. Quyền này có thể bị hạn chế và bị điều chỉnh khi xâm phạm tới các quyền và lợi ích khác của công dân. Các quốc gia như Pháp, Trung Quốc quy định chi tiết, cự thể những giới hạn vào trong luật. Trong khi đó Hoa Kỳ lại kết hợp cả việc quy định trong pháp luật cũng như áp dụng các án lệ để tạo ra bộ nguyên tắc pháp lý chung về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trong khi đó pháp luật các quốc gia cũng có những quy định khác nhau liên qua đến các lý do, mục đích giới hạn.

Các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do Internet luôn được Đảng, nhà nước Việt Nam coi trọng, bảo đảm thực thi một cách xuyên suốt, nhất quán. Việc bảo đảm các quyền tự do cơ bản của con người ở Việt Nam dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn chính là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước. Sự tự do trong sử dụng Internet ở Việt Nam đã có tác động tích cực, đóng góp lớn vào quá trình phát triển của đất nước.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một quốc gia nào trên thế giới lại cho phép các thế lực thù địch, phản động, chống phá tự tung tự tác, tác oai tác quái, xấc xược, đặt điều vu khống nói xấu đất nước, chế độ, lãnh tụ. Không một quốc gia nào tự do để các phần tử xấu vi phạm pháp luật, ngăn cản, chống phá sự phát triển đất nước cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của người dân, đi ngược lại sự phát triển của thế giới. Thực tế, quyền tự do Internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Đơn cử như Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Trong khi đó, Trung Quốc chặn tất cả các mạng xã

hội, trong đó có Facebook, Google nhằm ngăn chặn người dùng truy cập các trang web đồi trụy hoặc có nội dung nhằm mục đích chính trị. Hàn Quốc, Thái Lan yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội. Chính Quốc hội Mỹ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay là vi phạm sở hữu trí tuệ...

Rõ ràng, không chỉ Việt Nam, quốc gia nào trên thế giới cũng có những biện pháp quyết liệt để đấu tranh chống lại các mặt trái trên không gian mạng, cụ thể là trên Internet. Không có một quốc gia nào cho phép các hành vi tội phạm công nghệ cao được tồn tại trên Internet để phá hoại kinh tế, cản trở các hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, của những người dân vô tội. Thế nên, việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân là việc làm hiển nhiên. Điều đó rõ ràng phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của các quốc gia khác... Việc không có tự do trên không gian mạng đã được khu biệt, giới hạn rõ là nghiêm cấm các mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Các Mác và Ph.Ăng-ghen cũng khẵng định: “Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá do chế đọ kinh tế đó quyết định”, tương ứng với những thời đại khác nhau và những cơ sở kinh tế - xã hội khác nhau thì quyền cũng khác nhau. Theo đó, quan niệm về tự do ngôn luận không bất biến, mà biến đổi trong lịch sử. Và trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, những quyền tự do cơ bản của con người, như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet vẫn luôn phải bảo đảm dựa trên cơ sở

luật pháp quốc tế và đặc thù mỗi quốc gia, chứ không thể có thứ nhân danh để tự do vô lối, chống đối, phá hoại.

Tự do là quyền của con người, nhưng đó không phải là sự tự do vô lối, tùy tiện, vô Chính phủ, mà nó chỉ được bảo đảm khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và hành động phù hợp luật pháp. Rõ ràng, không thể có một thứ tự do là muốn làm gì thì làm. Tự do buộc phải hình thành, tồn tại trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, cá nhân và nhà nước. Tự do Internet cũng không là ngoại lệ.

Tiểu kết chương 2

Qua phân tích và lập luận tại chương này, chúng ta đã có được những hình dung nhất định về pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân.

Đồng thời, những tích cực và hạn chế trong pháp luật Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin của công dân cũng làm cho chúng ta đặt ra những suy nghĩ rằng: Chúng ta đang ở đâu trong thế giới ngày nay? Chúng ta cần làm gì để phát triển những quy định pháp lý về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin? Từ đó có thể đưa ra những cơ chế đảm bảo cao nhất về quyền tự do của công dân nói chung và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mỗi công dân nói riêng trong thời đại ngày nay.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở việt nam hiện nay (Trang 39 - 46)