Bài học từ các Quốc gia khởi nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các startup thực phẩm hữu cơ tại việt nam trong bối cảnh “nền kinh tế số” – thực trạng và một số giải pháp (Trang 27 - 32)

Quốc gia khởi nghiệp Israel

Israel luôn đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người và chỉ chịu đứng sau Mỹ về số doanh nghiệp khởi nghiệp. Quốc gia khởi nghiệp là cụm từ chính xác nhất để mô tả câu chuyện kinh tế thần kỳ của Israel - một quốc gia chỉ có hơn 8 triệu dân với khoảng 70 năm thành lập, tài nguyên thiên nhiên gần như bằng không, tài nguyên duy nhất là khối óc của con người Israel mà trong điều kiện địa – chính trị muôn vàn khó khăn lại là nơi sinh ra gần 5.000 startup, có lượng vốn đầu tư mạo hiểm cao nhất thế giới với mức bình quân 170 USD mỗi người, cao hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Từ năm 2015, các nguồn quỹ đầu tư cá nhân và đầu tư mạo hiểm tại đây đã phá vỡ nhiều kỷ lúc, tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp (startup) xuất hiện, có thể kể đến một vài startup nổi tiếng từ Insrael như Waze – công ty bản đồ vừa được Google mua lại, iOnRoad – ứng dụng di động cảnh báo tài xế khi họ đến quá gần chiếc xe khác ở trước mặt, hay Conduit – thanh toolbar cộng đồng được toàn thế giới chú ý. Israel cũng là nơi sản sinh ra những công ty sáng tạo và đổi mới nổi tiếng như Teva – công ty sản xuất thuốc với giá trị thị trường là 43 tỷ USD và

Check Point – công ty công nghệ phần mềm có trị giá 11 tỷ USD. Về mặt nông nghiệp, Israel phát triển các nhà máy điện từ nguồn năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch vĩnh cửu - cho các hộ sản xuất hoặc các khu vực làng xã; sáng tạo nên pin quang điện tập trung (CPV), một giải pháp cho chính nền nông nghiệp Israel và các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nạn phá rừng; áp dụng công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường và tiên tiến nhất.

Tiền đề để có những thành tựu trên đầu tiên phải kể đến và định hướng phát triển công nghệ cao tại đất nước này. Trong thời đại ngày nay, mỗi quốc gia cần phải có tiềm lực thật mạnh về khoa học - công nghệ và phải biết kinh doanh sản phẩm khoa học - công nghệ mới phát triển nhanh được. Điển hình như việc các chuyên gia công nghệ tại Israel đã tạo ra những bước tiến phi thường trong việc quản lý nguồn nước, và đi tiên phong trong các công nghệ mới về tưới tiêu, tái chế và lọc nước cũng như khử muối trong nước. Ngày nay, Israel đã có thể tự chủ về nước và khi cuộc khủng hoảng về nước sạch vẫn tiếp diễn trên thế giới, nhiều nước đã tìm đến Israel để học hỏi công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chính phủ nước này đã tập trung đầu tư vào vai trò của nền giáo dục chất lượng cao, liền mạch từ mẫu giáo lên trung học, chuẩn bị vững chắc cho sinh viên vào đại học hoặc các trường hướng nghiệp để đào tạo những chuyên viên về khoa học – công nghệ trong tương lai, và đặc biệt chú trọng khuyến khích sức sáng tạo của con người. Không chỉ với khởi nghiệp mà bất kì lĩnh vực nào, muốn thành công và đón đầu phát triển đều cần đến sự sáng tạo nhằm tạo sự cạnh tranh bằng nguồn lực chất xám. Các phương tiện cấp vốn và hỗ trợ tài chính khiến cho nỗi lo thiếu vốn không phải là rào cản đáng ngại đối với sự sáng tạo. Hơn 70 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Israel (gần 1/4 trong số đó là các tập đoàn quốc tế hợp tác với các công ty trong nước) đã và đang hỗ trợ rất lớn cho sự tăng trưởng của ngành công nghệ sáng tạo.Tại Israel, các nhà lãnh đạo từ lâu đã triển khai chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo bằng việc thành lập một cơ quan chuyên về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo trong mỗi Bộ. Để thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất, Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel đã thiết kế và vận hành một loạt các chương trình dành riêng cho các công ty tư nhân, không ngừng thúc đẩy nhằm biến các sáng kiến độc đáo thành các

công cụ thiết thực, có hiệu quả cao về mặt kinh tế và xã hội, cung cấp các gói đồng tài trợ, cùng bỏ vốn ra, cùng hưởng lợi nhưng luôn cân nhắc kỹ trước khi duyệt cung cấp vốn cho loại dự án này. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Israel chỉ ra rằng, cứ 1% tăng trưởng GDP được sử dụng cho nghiên cứu và phát triển, sẽ tạo ra 4,1% giá trị khác. Hiện tại, Israel là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đây được coi là yếu tố cốt lõi của một nền kinh tế tri thức.

Một bài học quan trọng rút ra từ sự thành công tại Israel đó là văn hóa khởi nghiệp. Trước hết phải kể đến văn hóa khởi nghiệp từ ngay trên ghế nhà trường, tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng liên quan được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên họ khởi nghiệp rất sớm. Nhiều cuộc thi được mở ra dành cho các học sinh trung học hướng tới tinh thần doanh nhân giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình cũng như cách phát triển các ý tưởng phù hợp trong một bối cảnh thương mại. Các sinh viên từ năm thứ hai trở đi cũng được khuyến khích/ gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp…Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nghiệp sau này. Thứ hai đó là văn hóa “không ngại thất bại” và phản biện, đó là nét văn hóa của người Israel, có sự tương đồng với tư tưởng của người Việt Nam ta “thất bại là mẹ thành công”. Tại Israel, 99% số sinh viên khởi nghiệp thất bại ngay từ trên ghế nhà trường. Người ta không chờ sản phẩm hoàn thiện, như viên ngọc không tì vết rồi mới dám công bố, họ công khai ngay từ khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng, kệ người khác đàm tiếu và chẳng lo thất bại. Người Israel coi thất bại là tài sản, một khoản đầu tư, hay bài học kinh nghiệm để có thể đạt được thành công trong tương lai. Đây mới chính là cốt lõi tạo nên sự độc đáo của hệ sinh thái khởi nghiệp Israel. Các công ty của châu Á có thể học được rất nhiều về cách thức tiếp thị sản phẩm, sự tự hào của họ đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, văn hóa của họ là phản biện, tức là tìm thấy điều hay hơn, phản biện để phát triển. Người Israel không bao giờ chấp nhận chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề bởi vì cuộc sống có thể thay đổi, họ thích trao đổi, tranh luận với nhau. Trong nhà trường luôn duy trì nguyên tắc học sinh có quyền hỏi lại thầy cô giáo vì sao và thầy cô sẽ phải giải thích, thuyết phục học sinh chứ không áp

đặt. Khi học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy cô giáo sẽ hoan nghênh. Sự tranh luận, phản biện đã thấm vào trẻ em từ khi còn học trong nhà trường đến khi lớn lên, ra trường, đi làm.

Tuy nhiên, dù nhiều nước đã tổ chức tham quan Israel để mong học tập kinh nghiệm khởi nghiệp nhưng chưa thành công vì ít chú ý đến chất lượng con người và phương pháp triển khai. Những nền giáo dục khập khiễng, quá yếu từ nhà trẻ, mẫu giáo đến trung học và đại học lại vừa thiếu đầu tư đến nơi đến chốn về trang thiết bị khoa học, thiếu lực lượng giảng dạy và nghiên cứu, trong khi bản thân người học chưa quyết tâm học tập, thì không thể làm theo Israel được. Bên cạnh đó, đến đầu năm 2019, sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty đa quốc gia tại Israel làm dấy lên lo ngại về việc kìm hãm tốc độ tăng trưởng startup tại đất nước này.

Biểu đồ 3.1: Tình hình thành lập, đóng cửa của startup tại Israel qua các năm

Nguồn: Start-Up Nation Central

Tổ chức khởi nghiệp Start-Up Nation Central của Israel đã chỉ ra rằng số startup thành lập tại Israel ngày càng giảm, còn số lượng startup đóng cửa có xu hướng tăng do cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tại quốc gia này vượt xa so với nguồn cung. Thoạt đầu, chúng ta cho rằng càng nhiều công ty đa quốc gia, càng hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội việc làm nhưng diễn biến thực tế là họ đang lấy đi ngày càng nhiều nguồn lực cho các startup.

Quốc gia khởi nghiệp Singapore

Giống như Israel, Singapore rất nhỏ, với những nguồn lực thiên nhiên hạn chế, điều này đồng nghĩa với việc để tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phương pháp tiếp cận vĩ mô và sáng tạo.Cả Israel và Singapore đều có chính sách nhập cư cởi mởi với những nhân công lành nghề. Theo Báo cáo kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới công bố gần đây, Singapore đứng đầu nhóm các nước thân thiện nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) và điều hành doanh nghiệp. Trước năm 2010, nếu ai đó kêu gọi các nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào một dự án khởi nghiệp tại Singapore, hầu hết câu trả lời nhận được sẽ là “điên rồ” hoặc "sẽ không bao giờ có một DN khởi nghiệp giá trị ở quốc gia đó"... Lúc đó, khởi nghiệp với đảo quốc sư tử gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nhưng chỉ vài năm sau đó, tất cả đã thay đổi. Thời điểm năm 2010, chỉ có 26 doanh nghiệp khởi nghiệp ở Singapore xin được đầu tư, nhưng tới năm 2015 đã nhảy vọt lên 220 doanh nghiệp. Tổng số tiền được rót vào cho các dự án startup cũng tăng mạnh từ 80 triệu USD lên 1,16 tỷ USD. Trong đó, nổi bật là các thương vụ đầu tư vào ứng dụng đặt chỗ taxi Grab có trị giá 350 triệu USD và nền tảng thương mại điện tử Lazada với số tiền lên đến 500 triệu USD. Để có được thành tựu như ngày nay, Chính phủ Singapore và các tổ chức liên quan coi phát triển doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động của họ, để từ đó xây dựng môi trường thuận lợi cho những người muốn khởi nghiệp và kinh doanh ở đây. Ngoài chuyện duy trì được một môi trường kinh doanh minh bạch với các thủ tục đăng ký và duy trì kinh doanh đơn giản, thông thoáng và nhanh gọn, Singapore còn có nhiều ưu đãi và hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp Singapore, trong đó có một số ưu đãi dành cho doanh nghiệp của người nước ngoài được thành lập tại Singapore. Một trong những lợi thế để khởi nghiệp ở Singapore là những người khao khát kinh doanh có thể tiếp cận các khoản tài trợ được nhiều cơ quan chính phủ giải ngân để hỗ trợ start-up. Mỗi khoản tiền tài trợ như vậy đều đi kèm với những điều kiện và điều khoản, bao gồm các tiêu chí chất lượng, phương pháp giải ngân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển hoặc phục vụ xã hội. Singapore cũng thành lập các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo ra không gian thực cho doanh nghiệp mới hoạt động và tiếp cận các dịch vụ chia sẻ

nhau với chi phí tiết kiệm, được hướng dẫn hoạt động và hỗ trợ tài chính trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Chính phủ Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình của Singapore để xây dựng có trọng điểm các loại hình và giải pháp hỗ trợ startup tại Việt Nam một cách phù hợp với hoàn cảnh tài chính của mình. Song song đó, cần tạo ra cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng đồng hành với startup (và với Chính phủ) để giảm nhẹ gánh nặng tài chính và rủi ro cho các bên. Đồng thời, hỗ trợ tài chính của Chính phủ cần được gắn với kết quả cụ thể mang lại và có tính duy trì trong tương lai, nghĩa là Chính phủ không chỉ đóng vai trò “bà đỡ” cho startup mà còn có vai trò như một nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn và lợi nhuận, có thể dưới dạng những lợi ích xã hội mà startup tạo ra, tránh việc “ném” tiền vào hư không, theo phong trào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động của các startup thực phẩm hữu cơ tại việt nam trong bối cảnh “nền kinh tế số” – thực trạng và một số giải pháp (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)