với nền quản trị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh.
1.4.3. Tác động của “nền kinh tế số” đến hoạt động của các startup hữu cơ tạiViệt Nam Việt Nam
Kỳ Duyên – Theo Báo Vnexpress, Việt Nam thuộc nhóm Quốc gia đột phá về kinh tế số 2015, khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ), các quốc gia trên thế giới được phân thành 4 nhóm về sự phát triển kinh tế số. Nhóm "Nổi bật" là các nhóm duy trì được tốc độ phát triển ở trình độ cao, "Chững lại" là những trường hợp từng phát triển, song đã mất đà và có nguy cơ tụt hậu. "Đột phá" là nhóm có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, có thể trở nên nổi bật trong tương lai dù hiện tại còn ở mức thấp. Nhóm cuối - "Dè chừng" chỉ những nước có nhiều cơ hội và thách thức song song, tốc độ tăng trưởng hiện tại không cao. Các chuyên gia đánh giá, nhóm quốc gia thuộc nhóm “Đột phá” bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và Phillipines đang cải thiện mức độ sẵn sàng số của mình nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn cần một quá trình để những nước này bước sang giai đoạn phát triển cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng phải đối mặt với những thách thức như cải thiện cơ sở vật chất nguồn cung và hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước phát triển nhận thức cao hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí Kết quả Chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017, khoảng 98% các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp
vừa và nhỏ (SMB) và khối doanh nghiệp này mang đến 51% tổng số việc làm và đóng góp 45% vào GDP. Internet đang mở ra cơ hội lớn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đến năm 2017, 84% dân số Việt Nam đã sử dụng điện thoại thông minh (Nielsen Vietnam Smartphone Insight Report 2017), thiết bị cho phép họ tiếp cận Internet một cách vô cùng dễ dàng. “Nền kinh tế số”, từ khi khái niệm này được hình thành cho đến nay, nó đã có rất nhiều tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, cụ thể hơn ở đây nghiên cứu đến các doanh nghiệp thực phẩm hữu cơ mới đi vào hoạt động.
Startup thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam ban đầu đều là các cá nhân hoặc nhóm có nguồn vốn nhỏ, khó kêu gọi nhà đầu tư mà chủ yếu là dựa vào tài chính cá nhân nên lợi ích từ nền kinh tế ứng dụng mạng Internet giúp cho họ tiết kiệm được những khoản như quảng cáo, thuê địa điểm, tìm nhà cung cấp, tiếp cận khách hàng…Với sự phát triển của mạng Internet cùng các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, những doanh nghiệp mới bắt tay vào kinh doanh thực phẩm hữu cơ dễ dàng tiếp cận nguồn khách hàng và nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng hơn thông qua cơ sở dữ liệu có thể thu thập qua bên thứ 3 hoặc mạng Internet, các công cụ xã hội như quảng cáo Google, Facebook, Instagram, Twitter, Zalo…khiến chi phí quảng cáo và marketing của doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể. Bên cạnh đó, áp lực về kênh phân phối như tìm kiếm các địa điểm siêu thị, mở cửa hàng bán lẻ rau quả, thức ăn sẽ được giảm đi nhờ giải pháp bán hàng trực tuyến, qua mạng Internet. Nền kinh tế số tạo điều kiện ra đời cho các phần mềm, ứng dụng quản lý bán hàng và theo dõi việc chăn nuôi, sản xuất hay xuất – nhập tại các trang trại của doanh nghiệp cũng trở nên tiện lợi hơn. Từ đó, thế mạnh công nghệ phần nào tác động đến doanh thu của các startup do khả năng tiêu thụ cao hơn so với việc chỉ bán hàng một cách truyền thống.
Tóm lại, chương 1 đã cung cấp nội dung cần thiết nhất để người đọc có thể hiểu một cách cơ bản nhưng cũng rất rõ ràng về sự hình thành cũng như phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung; có sự nhìn nhận đúng và đủ về các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ và việc bùng nổ của nền kinh tế số hiện nay đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực này.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC STARTUP THỰC PHẨM HỮU CƠ TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH NỀN KINH TẾ SỐ 2.1. Sự ra đời và phát triển của ngành thực phẩm hữu cơ và các startup thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam
2.1.1. Tình hình phát triển của ngành thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam
Nền nông nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử, trước tiên là các phương thức canh tác truyền thống, người nông dân đã sử dụng các giống cây trồng tại địa phương như lúa (tám xoan, dự, di hương, nếp cái hoa vàng, ...), cây ăn quả (nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, …). Các giống cây địa phương này cho năng suất không cao, đòi hòi điều kiện chăm sóc thấp, có khả năng chống chịu sâu bệnh thấp và thường chỉ thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương. Trước khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng ở Việt Nam thì việc cung cấp dinh dưỡng cho các cây trồng tại địa phương dựa vào các nguồn: phân chuồng (đã ủ), nước tiểu, bùn ao và các loại phân xanh như cốt khí, điền thanh, bèo dâu và các cây họ đậu. Ngoài ra, người ta còn dùng nước phù sa để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Từ những năm 1960, đặc biệt sau ngày giải phóng miền Nam, với nhiều giống cây trồng mới được áp dụng trong sản xuất, hệ thống tưới tiêu được cải tạo và mở rộng, diện tích tưới tiêu được tăng lên, phân hóa học và thuốc trừ sâu được dùng với số lượng lớn. Việc áp dụng các cây trồng mới vào sản xuất cũng là nguyên nhân làm mất dần đi một số các giống cây truyền thống, làm giảm sự đa dạng sinh học và làm gia tăng thiệt hại gây ra bởi dịch hại cây trồng.
Theo Trần Thị Nhung, Võ Dao Chi, Phát triển bền vững – Lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm ở Nam Bộ và Việt Nam 2013, năm 2006, dự án Phát triển Khuôn khổ cho sản xuất và Marketing nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam (2006- 2009) được thành lập nhờ có sự tài trợ của Tổ chức phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch (ADDA). Tại Trung ương hội Nông dân Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm hỗ trợ Nông Thôn, nông dân đã thực hiện thành lập các tổ nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm thúc đẩy việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dự án thu được nhiều kết quả tích cực nhưng người
nông dân vẫn chưa mặn mà lắm với nông nghiệp hữu cơ vì làm nông nghiệp hữu cơ cần cải tạo đất trồng, nguồn nước theo chuẩn nông nghiệp an toàn, chuẩn bị phân chuồng, phân xanh, giống cây/con đảm bảo trước khi tiến hành trồng trọt, chăn nuôi nên giá thành sản phẩm luôn cao hơn, thậm chí có sản phẩm cao gấp rưỡi hay gấp đôi, gấp ba so với sản phẩm thông thường. Dù vậy, nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi những đòi hỏi của thị trường khiến nông dân cùng các nhà khoa học phải tính đến việc làm ra những sản phẩm có chất lượng và năng suất cao hơn.
Theo đó, tính đến thời điểm 2010, Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai thử nghiệm phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ trên rau (tại Sóc Sơn, Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai), cam (tại Hàm Yên, Tuyên Quang), vải (tại Bắc Giang) và cá nước ngọt (Hải Phòng).
Về nguồn gốc sản xuất, hiện nay, dự án ADDA và Trung ương hội Nông dân Việt Nam đã đào tạo, kiểm định và cấp chứng nhận tiêu chuẩn PGS cho các liên nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ tại một số tỉnh lân cận Hà Nội. Hoạt động do một Ban điều phối, một hệ thống tự nguyện với sự tham gia và giám sát của các bên liên quan trong chuỗi giá trị hữu cơ.
Cho đến những năm đầu thế kỉ XXI, mặc dù nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam thế nhưng đây là lĩnh vực ứng dụng công nghệ thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên với sự hình thành của xu hướng công nghệ 4.0, nông nghiệp hữu cơ sẽ là cánh đồng màu mỡ để khởi nghiệp, sáng tạo, thử nghiệm và đầu tư, ứng dụng những phương pháp mới của thời đại. Dựa trên sự phát triển của cách mạng công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, có thể nhận định rằng cuộc cách mạng 4.0 trong nông nghiệp là cuộc cách mạng số hoá toàn bộ chu trình và các yếu tố liên quan trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn hệ thống mà trọng tâm là trên chính trang trại của các doanh nghiệp startup (mỗi trang trại là một khu thí nghiệm, mỗi startup là một nhà khoa học). Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên với sự xuất hiện của cách mạng 4.0 trong nông nghiệp, thị trường khởi nghiệp đã thay đổi. Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp đã tạo ra cơ hội đa dạng cho doanh
nghiệp và các nhà khởi nghiệp. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh công nghệ 4.0 bao gồm: các lĩnh vực dịch vụ web, thông tin truyền thông, công nghệ di động… Điều này đã làm nên một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và nhiều tiềm năng không thua kém trong lĩnh vực giao thông và y tế. Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp đang mang lại một thông điệp rõ ràng là trong tương lai gần như cầu về lao động nông nghiệp thô sơ, lao động phổ thông sẽ sụt giảm (đây là thách thức vô cùng to lớn cho các nước đang phát triển – nơi mà nguồn cung về nhân lực lớn) nhưng lại mở ra cơ hội rất lớn cho các nước năng động và mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp.
2.1.2. Sự ra đời và phát triển của các startup thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam
Thực tế trên cho thấy sức nóng của thị trường thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng mạnh. Theo tính toán của các doanh nghiệp, thực phẩm hữu cơ là phân khúc "ngách" nhưng chỉ cần chiếm được thị phần nhỏ trong thị trường này thì doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được là không hề nhỏ. Trong giai đoạn tiêu dùng sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng của người dân, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để có thể mua được những sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khó có thể thống kê được chính xác số lượng startup kinh doanh thực phẩm hữu cơ trên thị trường Việt Nam hiện nay do quy mô doanh nghiệp từ nhỏ đến rất nhỏ và sự thành lập lẻ tẻ, manh mún, không có một cơ quan hay tổ chức quản lý tập trung các startup trong lĩnh vực này. Tuy nhiên phải kể đến sự hình thành và hoạt động của một số startup nổi bật đã có được những thành tựu nhất định cũng như mang đến bài học kinh nghiệm cho những doanh nghiệp đi sau, cụ thể là Biophap do Tyna Giang đồng sáng lập đã có 5 trang trại với diện tích 50 ha tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, chuyên cung cấp trái cây tươi; Hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica, chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ với cửa hàng đầu tiên tại quận 3 rộng 20 m2 và đến nay đã có 5 cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng và 10 trạng trại tự phát triển và liên kết với nông dân tại Đăk Nông, Bình Dương, Bình Phước; Nông trại hữu cơ Viễn Phú sở hữu trang trại hữu cơ có quy mô thuộc hàng lớn nhất
Việt Nam, cung cấp chuỗi thực phẩm hữu cơ HOASUAFOODS.
Kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người, mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học, gắn với thị trường, điều tiết được cung – cầu mới giúp khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, nông dân mới sớm thoát khỏi cảnh điêu đứng do rau củ dư thừa phải nhổ bỏ trắng đồng như hiện nay ở ngoại thành Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh...mà chưa “giải cứu” được.
Theo Hà Phương (VOV1) – Báo mới, 33/63 Tỉnh, Thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ 2018, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển nhanh với 51 triệu ha và tiềm năng thị trường tới gần 82 tỷ USD. Với tiềm năng lớn như vậy, nước ta hiện có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình sản xuất thực phẩm hữu cơ, nhưng quy mô còn nhỏ với diện tích chỉ khoảng 76.000 ha. Tín hiệu đáng mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này, trong đó có các thương hiệu lớn như Tập đoàn TH, Vingroups... và bước đầu đã thành công. Việc tạo cơ chế thuận lợi, thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là “chìa khóa” quan trọng, là “đầu tàu” để thu hút các hợp tác xã, tổ hợp hợp tác xã và người nông dân tham gia.
Theo Ngọc Hùng, Việt Nam có 50 công ty được chứng nhận hữu cơ 2017, công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến tháng 02/2017, khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cũng có một số doanh nghiệp lấy chứng nhận hữu cơ từ châu Âu, Nhật Bản hoặc tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Chỉ vài doanh nghiệp trong số đó bán sản phẩm ra thị trường nội địa, còn lại làm hàng xuất khẩu nên chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Trong nước, vài năm trở lại đây, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Bên cạnh những cửa hàng mua bán thực phẩm hữu cơ thật, có chứng nhận chất lượng rõ ràng cũng có không ít nơi vì ham lợi nhuận cao mà ăn theo phong trào, pha trộn hoặc dán nhãn hữu cơ cho những sản phẩm không phải hữu cơ hoặc sử dụng một thuật ngữ mà người tiêu dùng khó phân biệt là “Thực phẩm sạch” để gây ra sự xáo trộn trên thị trường nông
phẩm hữu cơ chân chính.
Theo Nghị định Nông nghiệp hữu cơ 2018, để kiểm soát hoạt động sản xuất - kinh doanh thực phẩm hữu cơ và hướng tới bảo vệ chính đáng quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo số 109/2018/NĐ-CP tháng 8/2018, Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo có quy định rõ tiêu chuẩn cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Theo đó, cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ phải đáp ứng một số tiêu chí về tiêu chuẩn cấp phép (phân phối sản phẩm cho bao nhiêu nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc…). Nếu quy định này được áp dụng sẽ góp phần sàng lọc các cửa hàng và cung cấp các địa chỉ uy tín, tin cậy cho người tiêu dùng.
2.2. Thực trạng hoạt động của các Startup thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số
2.2.1. Thực trạng của hoạt động xác định chiến lược kinh doanh của các Startup thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số
Các startup thực phẩm hữu cơ bắt đầu chuỗi hoạt động từ những công việc đơn giản nhất đó là xây dựng mô hình kinh doanh. Đối với mỗi doanh nghiệp, mô hình kinh doanh chính là cốt lõi, là cách thức doanh nghiệp đạt doanh thu. Có 4 vấn đề được đặt ra khi xây dựng mô hình kinh doanh đó là: