Kinh nghiệm sản xuất thực phẩm hữu cơ tại Úc
Úc là một quốc gia đất rộng người thưa, đất đai có thể canh tác chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa; tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên do ít mưa, thiếu nguồn nước. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp khởi đầu ở quốc gia này không phải là thế mạnh, và thực tế tất cả giống cây, con, công nghệ sản xuất đều có nguồn gốc nhập khẩu hoặc ứng dụng các thành tựu mới nhất của thế giới để phát triển. Để “đi tắt đón đầu” và hóa giải các khiếm khuyết của mình, Chính phủ Úc đã thành lập 11 trung tâm nghiên cứu trên cả nước nhằm chọn lọc giống và công nghệ, ứng dụng thực tế để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia và chuyển giao kiến thức, công nghệ cho nông dân với định hướng thực hiện chương trình “Xây dựng nền nông nghiệp tiến tiến” và hướng đến xuất khẩu với mục đích nâng cao thu nhập nông dân, sản xuất sạch để đủ sức cạnh tranh quốc tế. Theo phòng Nghiên cứu & Phát triển Nông nghiệp Úc, chính sách phát triển nông nghiệp của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng năng suất nông nghiệp ở quốc đảo này. Hàng năm, chính phủ Úc chi rất nhiều ngân sách để đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng năng suất 2,8%/năm trong 30 năm qua và giúp nông dân Úc có cơ hội áp dụng công nghệ hàng đầu thế giới vào thực tiễn.
Đến nay, Úc đang trở thành nước có diện tích hữu cơ lớn nhất thế giới. Hơn một nửa đất nông nghiệp hữu cơ thế giới là đồng cỏ với 22 triệu ha, thì Úc đã chiếm hơn 30%. Theo báo cáo mới nhất về thị trường hữu cơ tại Úc (2018) cho thấy ngành nông nghiệp hữu cơ của quốc gia này trị giá 2,39 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017; tăng từ 1,27 tỷ đô vào năm 2012 và có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13%. Các mặt hàng nông sản hữu cơ mà Úc sản xuất có quy mô lớn nhỏ khác nhau, gồm thịt bò, trái cây, rau & rau gia vị, sữa và sản phẩm sữa, thị cừu, thịt gia cầm, các loại hạt ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, mật, trứng gà, dầu (canola, hướng dương), lợn/heo. Thị trường hữu cơ tại Úc có tổng giá trị khoảng $1,27 tỷ AUD (2012), tăng trưởng 10–15% tính từ năm 2007. Sản phẩm hữu cơ nay đã trở thành một trong những ngành thuộc nhóm chủ đạo của thị trường Úc, không còn là thị trường ngách nữa. Trong năm 2012, đã có 92% doanh thu sản phẩm hữu cơ là từ các cửa hàng bán lẻ/siêu thị. Ba trong bốn mặt hàng hữu cơ có thể mua ở các siêu thị lớn. Thế giới đang hướng tới các sản phẩm nông nghiệp Úc vì các thị trường nước ngoài đều ưa thích các loại nông phẩm sạch được nuôi trồng hữu cơ ở nước này. Năm 2017, mức kỷ lục về sản xuất đã bị phá vỡ do phần lớn sản phẩm được bao tiêu xuất khẩu, như lúa mì (22,8 triệu tấn), lúa mạch (7,4 triệu tấn), đậu chickpea (1,4 triệu tấn), …
Về việc người dân Úc tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông dân chuyển từ thâm canh có sử dụng hoá chất sang hữu cơ, là vì hiểu được tác động của thuốc trừ sâu và hoá chất trong việc canh tác, đến sức khoẻ gia đình và cộng đồng, suy thoái môi trường đất, nước, đa dạng sinh học. Hàng năm tỷ lệ nông dân chuyển đổi sang hữu cơ tăng và yếu tố kinh tế phải đứng sau yếu tố sức khoẻ và tính ổn định, bền vững của sản xuất và họ đều được chứng nhận hữu cơ nhằm tạo thước đo để tăng lòng tin và giá bán cao hơn hàng không chứng nhận. Các tiêu chuẩn hữu cơ tại Úc được chia thành ít nhất 3 cấp độ để tăng tính cạnh tranh cho các loại nông phẩm, ví dụ như tiêu chuẩn hữu cơ cấp chính phủ là ACO – Australian certified organic, tiêu chuẩn cấp Bộ là AUS-QUAL (Bộ Nông nghiệp) và tiêu chuẩn cấp Viện là chứng nhận BDRI của Viện Nghiên cứu sinh học sạch. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng được đến thăm các trang trại của nông dân làm hữu cơ; các siêu thị trưng bày riêng một góc hàng hữu cơ và các cửa hàng bán lẻ, các quán cà phê, nhà hàng bán sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ.
Sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ là một thị trường vô cùng tiềm năng tại Úc nên các doanh nghiệp khới nghiệp cũng bị thu hút bởi ngành này. Trong khi đó, chính phủ Úc đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh. Nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi và sự sụt giảm trong ngành sản xuất truyền thống, thách thức lớn của nước Úc không phải là đưa ra ý tưởng mà phải xây dựng được hệ sinh thái trong đó cho phép người Úc thực hiện các ý tưởng này. Mục đích là tạo ra một quốc gia có tinh thần kinh doanh ngày càng tăng, toàn dân sẵn sàng theo đuổi các ý tưởng của mình, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng làm lại khi thất bại. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã tiến hành nghiên cứu động lực đằng sau khiến Úc trở thành quốc gia bùng nổ về khởi nghiệp. Họ phát hiện ra rằng: 86% các doanh nhân ở Sydney đều ít muốn làm giàu, 37% trong số họ muốn sáng tạo ra một sản phẩm tuyệt vời. Điều này cho thấy tư duy chạy theo lợi nhuận đã bị mờ nhạt, thay vào đó họ muốn đạt được những thành công vang dội trên danh nghĩa cá nhân cũng như muốn thay đổi được thế giới nhiều nhất có thể. Đó cũng là lý do vì sao người Úc đầu tư vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy giá thành đắt hơn, chi phí sản xuất cao hơn và cần dựa vào công nghệ cao nhưng mang lại lợi ích lớn, giúp duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và con người.
Kinh nghiệm sản xuất thực phẩm hữu cơ tại Ấn Độ
Là quốc gia đứng thứ hai thế giới về dân số, trong đó, nông dân chiếm tỷ lệ lớn, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đặt ra hết sức gay gắt đối với Ấn Độ. Hiện nay, dù phương pháp nuôi trồng bằng công nghệ hữu cơ hiện đại đang được ứng dụng tại rất nhiều nước nhưng Ấn Độ là một trong những điển hình tiêu biểu cho xu hướng nông nghiệp có lợi cho sức khỏe con người và hệ sinh thái này. Sự chuyển đổi tiến bộ từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì để ngăn chặn nạn đói và giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Ấn Độ phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhằm tăng sản lượng lương thực, điều này gây ra tỷ lệ ung thư đến mức báo động tại các khu vực canh tác nông nghiệp, kéo theo sông ngòi bị ô nhiễm và đất đai trở nên cằn cỗi. Lợi ích to lớn và thân thiện với môi trường là những lý do khiến nông nghiệp hữu cơ đang thu hút ngày càng nhiều nông dân Ấn Độ. Những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ luôn có giá
trị cao hơn 10-20% các sản phẩm thông thường cũng như nguồn cầu ổn định từ thị trường nước ngoài hay từ các đô thị lớn, nơi an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm luôn đặt lên hàng đầu. Nhờ sự định hướng nông nghiệp đúng đắn, Ấn Độ trở thành quốc gia hàng đầu trong số 172 quốc gia thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 650.000 trang trại canh tác trên diện tích 720.000 ha, 699 nhà máy chế biến, 669 doanh nghiệp xuất khẩu. Với nhận thức ngày càng tăng về sức khỏe, thay đổi lối sống tiêu dùng và tăng khả năng chi tiêu ở Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng thị trường thực phẩm hữu cơ của Ấn Độ sẽ có một tương lai tươi sáng và chính phủ kỳ vọng ngành này sẽ đạt doanh thu khoảng 1,36 tỷ USD vào năm 2020.
Nói về nông nghiệp hữu cơ Ấn Độ, để đến được những thành tựu ngày hôm nay phải kể đến bang Sikkim – một điển hình tiêu biểu, nơi không tìm thấy dấu vết của phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thực phẩm biến đổi gen (GMO). Nằm trên khu vực miền núi phía đông Ấn Độ, bang Sikkim đã trở thành nơi đầu tiên chuyển sang phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ (organic) 100% tại đây và sự chuyển đổi nhỏ này đã đặt nền tảng mạnh mẽ cho sự chuyển đổi có quy mô lớn hơn tại các vùng còn lại của đất nước và cho cả thế giới. Từ năm 2003, chính quyền ở bang này đã quyết định xóa sổ thuốc trừ sâu trên toàn bộ nông trại địa phương - một bước đi táo bạo chấn động cả Ấn Độ, một đất nước có nền nông nghiệp lớn mạnh nhờ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để xóa đói giảm nghèo và giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Để chiến dịch thành công, chính phủ Ấn Độ đã có những sự hỗ trợ đầy đủ và các phương án thực hiện đúng đắn. Chính quyền Sikkim đã cắt giảm và cấm hẳn nguồn cung cấp thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đưa ra các chương trình giáo dục và lắp đặt hàng ngàn hố ủ phân. Nhiều công nghệ như bẫy pheromone để kiểm soát ruồi giấm, thuốc trừ sâu sinh học và phân bón sinh học đã được sử dụng. Các loại hộp nhựa đựng nông sản cũng được thay bằng lá gói. Điều tốt nhất trong phương án của chính quyền bang Sikkim là truyền bá chiến dịch một cách rõ ràng để mọi người hiểu rõ và chung tay thực hiện. Vào cuối năm 2015, tất cả các trang trại ở bang Sikkim đã được chứng nhận 100% hữu cơ. Thông tin này được công bố chính thức bởi Thủ tướng Ấn Độ vào ngày 18/01/2016, đánh dấu bước ngoặt lớn trong nền nông nghiệp hữu cơ của quốc gia này. Từ sau khi chuyển
sang hữu cơ 100%, sức khỏe của cư dân địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Thương hiệu Sikkim Organic ngày càng phổ biến với các sản phẩm như gạo, đậu, gừng, cam, bạch đậu khấu và nghệ. Nhờ sự gia tăng nhu cầu về sản phẩm hữu cơ, thu nhập của nông dân ở Sikkim đã tăng lên 20% so với trước đây. Sikkim đã vượt qua những thách thức đáng kể để truyền cảm hứng cho các khu vực khác đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ, hoặc ít nhất là thử phương pháp canh tác sử dụng ít chất độc hại đến môi trường hơn.
Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hữu cơ hóa, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm Ấn Độ trên các phương diện như tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ kết hợp việc phát huy ngành nghề sản xuất truyền thống với việc áp dụng công nghệ thông tin, Ấn Độ được mệnh danh là cường quốc về công nghệ thông tin, vì thế họ đã tận dụng ngành khoa học này một cách triệt để vào việc phát triển nông nghiệp. Thí dụ trang web của Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) là một bách khoa toàn thư trực tuyến đồ sộ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, dự báo thời tiết nông vụ chính xác, thị trường tiêu dùng nông sản toàn thế giới. Bên cạnh đó, phải ý thức được rằng bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp với việc giữ gìn tài nguyên, bảo vệ nguồn sống của nông dân. Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tổn thất nhiều nhất khi biến đổi khí hậu. Khi xảy ra thảm họa hay thiên tai thì những người nghèo, những nông dân cần đến môi trường tự nhiên để sản xuất lại là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Vì vậy, phát triển bền vững là cái đích phải hướng tới và mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Ấn Độ rất đáng để chúng ta học tập, phổ biến kinh nghiệm cho nông dân để họ thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.