Kinh nghiệm quốc tế cho thấy giáo dục – nghiên cứu nông nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng để xây dựng các hệ sinh thái: đào tạo - nghiên cứu, doanh nghiệp, người dân hợp tác chặt chẽ tạo ra hệ thống nghiên cứu - đổi mới sáng tạo vận hành liên tục, biến các mảnh ruộng và người nông dân trở thành các cơ sở và nhà nghiên cứu cung cấp số liệu để các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nông nghiệp 4.0. Xây dựng được hệ thống thu thập được số liệu lớn (big data) một cách đồng bộ trên nhiều kênh, phân tích số liệu và tạo ra các gói giải pháp để người dân sử dụng dễ dàng là yếu tố cốt lõi. Để làm được điều này, chính sách giáo dục và đào tạo giữ vai trò quan trọng nhưng các cấp triển khai và thực hiện chính sách này mới nắm yếu tố quyết định đến kết quả đạt được. Chính vì vậy, tại Việt Nam việc xây dựng được hệ thống giáo dục nông nghiệp 4.0 có thể không triển khai ngay lập tức nhưng nhất thiết phải nâng cao trình độ nhận thức, hướng tới một nền giáo dục nông nghiệp đổi mới sáng tạo liên tục.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp - kinh nghiệm quốc tế và bài học thực tiễn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam 2018, đối với các cơ sở đào tạo: Cần đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo định hướng theo chuẩn đầu ra đáp ứng được yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên cả 3
phương diện: kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Các cơ sở đào tạo đại học nông nghiệp mạnh cần được đầu tư xây dựng các mô hình đào tạo – rèn nghề – cung ứng nhân lực chất lượng cao phối hợp được các thành phần của chuỗi sản xuất kinh doanh tham gia như các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo ngành hàng rau hoa quả (Horticulture innovation center), Chế biến thực phẩm (Food Innovation Center) và Trung tâm khai thác dữ liệu lớn (Big data) để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về nông nghiệp thông minh/công nghệ cao, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường), phát triển nông thôn, khởi nghiệp-kinh doanh (Entrepreneurship). Cần đổi mới phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực tự học, sáng tạo, thích ứng với môi trường thay đổi, kỹ năng làm việc với nông dân và đào tạo nông dân biết sản xuất-kinh doanh hiệu quả. Cũng vì mục đích này các trường cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm. Bên cạnh đó, các trường nông nghiệp cần chú trọng việc hun đúc cho người học tình yêu nghề nghiệp, niềm đam mê sáng tạo và cống hiến cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Phát triển các chương trình đào tạo tại các trường đại học nông nghiệp trọng điểm nhằm đạo tạo, tăng cường nhận thức, xây dựng các mô hình thành công cho các đối tượng tiềm năng là sinh viên, thanh niên nông thôn tri thức phục vụ phát triển khởi nghiệp ngành nông nghiệp trong bối cảnh số hóa trên mọi lĩnh vực.
Đối với các địa phương và cơ sở tuyển dụng lao động: Cần chủ động hợp tác với cơ sở đào tạo ngay từ trong quá trình đào tạo để định hướng tốt việc đào tạo, để người tốt nghiệp thích ứng tốt nhất với môi trường sản xuất-kinh doanh của mình và ít phải đào tạo lại. Các địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nên tăng cường đặt hàng đào tạo, tham gia xây dựng chương trình đào tạo và trực tiếp tham gia quá trình đào tạo của nhà trường.
Theo quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ 2016, nhận được tầm quan trọng của Khởi nghiệp đối với sự phát triển của một quốc gia, từ năm 2003, các chương trình, dự án về khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ
đã được tổ chức, thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào các dự án của học sinh, sinh viên Nông nghiệp. Hầu hết các dự án đều có giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiến tiến trong từng khâu hoặc trong cả quy trình sản xuất với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số dự án khởi nghiệp đã được hiện thực hoá trong tổng số 795 dự án/ý tưởng khởi nghiệp trong vòng 5 năm qua. Vì vậy, sự ra đời Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025" và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trong cả nước. Đề án đã có tuy nhiên việc thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế nên Chính phủ, các Bộ, ban ngành có liên quân cần thúc đẩy, phát triển đề án này trên thực tế tại các trường đại học, cao đẳng để tạo tiềm lực phát huy tài năng về công nghệ trong nông nghiệp của các học sinh, sinh viên. Các bộ phận cần nghiêm túc thực hiện chính sách, quy định, luật như Bộ Khoa học và Công nghệ (về công nghệ cao), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục an toàn thực phẩm Bộ Y tế, Hiệp Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và các cơ quan kiểm định.
Đào tạo nhân lực kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp kết hợp yếu tố công nghệ ngay từ thời sinh viên để có tinh thần khởi nghiệp thực tế trong lĩnh vực 4.0 là điều cần thiết phải thực hiện hiện nay vì lượng kỹ sư lĩnh vực này còn hạn chế. Cần phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công để nhân rộng ở các địa phương, các nhà trường nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhóm thanh niên, sinh viên, chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tổ chức đưa sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi làm việc, thực hành, thực tập ở các nước phát triển; đưa cán bộ hợp tác xã và thành viên các tổ hợp hợp tác xã đi tập huấn, đào tạo, lao động, làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút những người kết thúc thực hành, thực tập, lao động ở nước ngoài,
với những kinh nghiệm và kiến thức mới, về để công tác, khởi nghiệp tại các hợp tác xã, các trang trại và doanh nghiệp.