Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ, nền kinh tế đang số hóa mạnh mẽ, để định hướng thông tin, kiểm soát và đón đầu các xu hướng trên thị trường thì sự can thiệp từ phía Chính phủ để tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong một lĩnh vực vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam sẽ mở đường và trở thành động lực mạnh mẽ cho các startup thu hút nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ và tiếp cận được với người tiêu dùng.
Trước hết, Chính phủ cần áp dụng đa dạng các biện pháp để tuyên truyền, phổ biến về ngành nông nghiệp hữu cơ. Có thể nói, Việt Nam tuy đã có một số lượng nhất định các doanh nghiệp đầu tư vào thực phẩm hữu cơ, xây dựng và phát triển các trang trại, cửa hàng, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn nhưng vấn đề về nhận thức lại nằm ở phía người tiêu dùng. Theo như khảo sát về Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã cung cấp ở trên, 100% người được khảo sát hiểu rằng thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe con người hơn thực phẩm nuôi trồng truyền thống nhưng 20% không hiểu lý do tại sao và 80% còn lại chỉ dừng ở việc ý thức được nguồn gốc những thực phẩm này không sử dụng chất hóa học. Trong khi đó, nếu không thực sự hiểu được bản chất của ngành này thì đa số người tiêu dùng sẽ không sẵn sàng mua sản phẩm do thực phẩm hữu cơ có giá thành khá cao so với thực phẩm thường; do thói quen mua thực phẩm tại chợ, khu vực gần nhà. Do vậy, Chính phủ cần lên lộ trình triển khai các biện pháp tuyên truyền để phổ biến cho người tiêu dùng bản chất của thực phẩm hữu cơ là gì để họ có một cái nhìn chung và thực tế nhất về những lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại cho môi trường và sức khỏe – điều mà con người ngày càng quan tâm khi có một mức sống và nhận
thức cao hơn. Cụ thể, với sự phát triển rộng rãi của các phương tiện truyền thông, Chính phủ nên tạo điều kiện cho sự xuất hiện các tin tức về khởi nghiệp, về nông nghiệp hữu cơ trên báo, tạp chí, ti-vi, tuyên truyền trên loa tại các khu đông dân cư và các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là các kênh dành cho phụ nữ, người nội trợ. Cần có sự kết hợp phong phú nhiều loại hình tuyên truyền như chủ trì tổ chức, cho phép các đơn vị tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và mô hình thực tế giữa các startup nói riêng và các doanh nghiệp, chủ các trang trại về nông nghiệp hữu cơ nói chung; giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp thuộc nhóm các quốc gia khởi nghiệp, các nước đi đầu về nông nghiệp hữu cơ, các startup thành công trên thế giới trong lĩnh vực này và đặc biệt là cách thức họ đã ứng dụng thành tựu của thương mại điện tử, công nghệ thông tin vào sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Chính phủ cũng cần dành ra một nguồn kinh phí nhất định cho các hoạt động định hướng, tuyên truyền, phổ biến này để đảm bảo cho các hoạt động đạt hiệu quả cao; cần tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân quan tâm vì khi nhu cầu người dân tăng cao thì các nhà đầu tư cũng chú ý hơn về lĩnh vực này, giúp quá trình gọi vốn của các startup dễ dàng hơn.
Thứ hai, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, các chính sách và giải pháp gắn liền với bối cảnh nền kinh tế số để tận dụng được thành tựu của nó vào phát triển doanh nghiệp thực phẩm hữu cơ ở nước ta. Đại diện đại sứ quán Israel tại Việt Nam cho hay, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ doanh nghiệp nào, ngay cả đối với một quốc gia có phong trào khởi nghiệp nông nghiệp mạnh mẽ như Israel với tỷ lệ thất bại theo thống kê hiện vào khoảng 90%. Với quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn phải đối phó với nhiều mạo hiểm và rủi ro.
Chính vì vậy, bên cạnh việc phát động phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về vốn, công nghệ, nhân lực để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, Nghị định 109/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018 hỗ trợ 100% kinh phí xác định
các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, gồm điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí, hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tự phát triển nếu thiếu một hệ sinh thái thuận lợi, trong đó có các chính sách tài chính đặc thù nên điều các doanh nghiệp thực sự cần ở đây trước hết phải là sự đơn giản hóa và hỗ trợ thân thiện của hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho các startup hữu cơ ra đời cũng như kêu gọi vốn. Nhìn chung, việc hỗ trợ của Chính phủ cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp có thể được thực hiện thông qua 2 hình thức: trực tiếp (cấp vốn hoặc hỗ trợ kỹ năng miễn phí) và gián tiếp (ưu đãi thuế, cho vay với lãi suất ưu đãi). Chính phủ cần một chính sách thuế và tài chính đặc thù cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi số lượng startup tại Việt Nam đang ngày càng tăng và có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Hiện nay, chính sách thuế chưa có sự phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho các startup, nghĩa là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các startup vẫn áp dụng mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp khác, đồng thời, việc ưu đãi thuế suất 10% hay miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ các hoạt động thuộc một số ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi cũng giống như các doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư mới. Điều này làm giảm đi động lực cũng như điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các startup nói chung và các startup thực phẩm hữu cơ nói riêng. Đối với sản xuất thực phẩm hữu cơ, vốn đầu tư ban đầu cho các trang trại, công nghệ nuôi trồng, phân phối và nguồn giống khiến chi phí sản xuất cao, nếu không có các khoản ưu đãi thì giá thành sản phẩm cao, khó có thể cạnh tranh được với thực phẩm truyền thống mà chỉ phục vụ được cho những nhóm đối tượng có thu nhập khá đến cao. Do trong thời gian đầu hoạt động, các startup khó có thể có thu nhập nên Chính phủ cần xem xét áp dụng mức ưu đãi thuế cao hơn so với các dạng doanh nghiệp khác như cho phép miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu hoạt động của startup và áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian dài hơn so với thời hạn 15 năm hiện đang áp dụng với các doanh nghiệp được ưu đãi nói chung. Bên cạnh các khoản vay ưu đãi, xây dựng các quỹ đầu tư cho dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp có tính khả thi cao.
Không chỉ dừng lại ở những chính sách tạo điều kiện cho startup thực phẩm hữu cơ đi vào hoạt động mà Chính phủ cũng cần đưa ra các bộ tiêu chuẩn hữu cơ gồm những nội dung toàn diện, phân các tiêu chuẩn ban hành theo từng cấp, có sự kiểm định chặt chẽ nhằm tăng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng về nguồn gốc của ngành hàng này. Các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đã được quy định dưới dạng văn bản chính thống bao gồm yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, dán nhãn (TCVN 11041-1:2017); điều kiện về trồng trọt hữu cơ (TCVN 11041-2:2017); điều kiện về chăn nuôi hữu cơ (TCVN 11041-3:2017) nhưng vấn đề đặt ra tại Việt Nam đã việc kiểm định, rà soát chặt chẽ các doanh nghiệp hữu cơ được cấp phép có thật sự đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này không và lượng thực phẩm bị dán nhãn giả vẫn còn tồn tại khiến người tiêu dùng không tin tưởng và các startup chân chính dù mất thời gian, tài chính đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng lại không có được lượng khách hàng như mong đợi. Việc xây dựng các Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn nước của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật và các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc sẽ là cơ sở quan trọng để bà con nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ và căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hữu cơ trong thời gian tới.
Cuối cùng, chính phủ có thể đặt những ưu tiên riêng cho lĩnh vực khởi nghiệp thực phẩm hữu cơ để khuyến khích nhận thức của con người về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe bản thân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các chủ trang trại, startup hữu cơ, đặc biệt về mặt ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong cả nuôi trồng, kinh doanh và thu mua, phân phối. Như đã để cập những phần trên, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tên gọi cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), điện toán đám mây, dữ liệu lớn... để chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, điều này sẽ tạo đà cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp vốn dĩ phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, dễ bị tác động bởi những mối nguy hại từ “mẹ thiên nhiên” nên Chính phủ
phải triển khai tận dụng tối đa các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong các chương trình quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý rủi ro thiên tai quy mô vùng (dự báo, cảnh báo sớm thời tiết; cảnh báo cháy rừng; diễn biến xâm nhập mặn nước ngầm, nước mặt; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; cảnh báo lũ lụt; giám sát an toàn hồ đập và điều hành liên hồ chứa thông minh…). Vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách cụ thể để định hướng, khuyến khích các startup gắn phát triển khởi nghiệp hữu cơ với việc chuyển giao, học tập các mô hình công nghệ cao, mô hình đặt hàng, mua bán và thanh toán trực tuyến giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Về việc này, nếu không có sự tạo điều kiện và mở đường từ các chính sách, kêu gọi của Chính phủ thì các tổ chức, doanh nghiệp khó có thể tự mình triển khai thực hiện.