Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡngcông chức tại cơ quan Bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức tại cơ quan bộ tài chính (Trang 86 - 91)

quan Bộ Tài chính

Như trình bày ở chương 1, nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức tại cơ quan Bộ Tài chính tập trung vào các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

3.2.1. Giải pháp xây dựng nội dung chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định của Bộ Nội vụ

Thứ nhất là, đổi mới cơ chế phân công phối hợp trong việc xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức như sau:

Thành lập Hội đồng xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu ĐTBD công chức, thành viên Hội đồng gồm: mời chuyên gia đến từ Vụ ĐTBD công chức, Bộ Nội vụ; Đại diện Trường BDBC tài chính; một số chuyên gia là giảng viên cao cấp có thâm niên trong lĩnh vực ĐTBD công chức; một số chuyên gia là nhà quản lý đại diện cho đơn vị có nhu cầu sử dụng công chức.

Hội đồng tiến hành xây dựng nội dung chương trình tài liệu ĐTBD công chức theo hướng đổi mới kết cấu, xây dựng nội dung từng chương trình ĐTBD cho từng đối tượng cụ thể. Yêu cầu đối với chương trình ĐTBD công chức cần chọn lọc, thiết thực, phù hợp với đối tượng học và mục tiêu ĐTBD công chức của cơ quan Bộ Tài chính; giảm thiểu những kiến thức lý thuyết, tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm và thực hành. Chương trình ĐTBD công chức cần thiết kế mang tính liên thông giữa các chương trình bồi dưỡng công chức. Đổi mới nội dung chương trình ĐTBD công chức phải đảm bảo tính liên thông, tránh trùng lắp giữa các chương trình và trong từng chương trình.

Chương trình tài liệu ĐTBD công chức sau khi xây dựng sẽ được trình Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt và ban hành. Hội đồng thẩm định phê duyệt, thành viên Hội đồng gồm đầy đủ đại diện giống như Hội đồng xây dựng chương trình tài liệu nhưng phải độc lập với Hội đồng xây dựng nội dung chương trình, biên soạn tài liệu ĐTBD công chức nhằm phản biện độc lập và hoàn thiện chương trình một cách tối ưu.

Sau khi được ban hành chương trình và đưa vào giảng dạy ĐTBD, cần phải lấy ý kiến từ những học viên tham gia khóa học để từ đó có được những thông tin phản hồi từ phía người học, giúp hoàn thiện và cập nhật chương trình cho các khóa ĐTBD tiếp theo.

Thứ hai là, đổi mới quy trình xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu ĐTBD công chức như sau:

Bước 1: Khảo sát, xác định nhu cầu người học theo loại hình ĐTBD công chức hoặc theo vị trí việc làm của công chức; khảo sát nhu cầu của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị sử dụng công chức về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực người học đạt được sau khóa học.

Bước 2: Xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Bước 3: Xác định nội dung, kết cấu và khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết của chương trình ĐTBD nhằm đảm bảo mục tiêu bồi dưỡng và chuẩn đầu ra.

Bước 4: Xây dựng chương trình chi tiết các chuyên đề cần đào tạo, bồi dưỡng.

Bước 5: Tổ chức hội thảo lấy ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý trong và ngoài cơ sở đào tạo bồi dưỡng, các nhà khoa học, đại diện đơn vị sử dụng công chức và những học viên đã học (nếu có) về chương trình ĐTBD.

Bước 6: Hoàn thiện dự thảo chương trình ĐTBD trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản hồi của các bên liên quan và trình cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục thẩm định và phê duyệt.

Bước 7: Đánh giá và cập nhật thường xuyên nội dung chương trình ĐTBD và phương pháp giảng dạy dựa trên các tiến bộ mới của lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu của các tổ chức đơn vị trong việc sử dụng công chức.

Cơ quan có thẩm quyền quy định quy trình trong Quy chế ĐTBD công chức của đơn vị.

Đối với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, cần thực hiện yêu cầu về công tác tự đánh giá chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá ngoài theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý làm công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu với cơ cấu hợp lý có đủ trình độ kiến thức, có phương pháp giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn. Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có cơ cấu hợp lý, trước mắt hình thành cơ cấu tỷ lệ đội ngũ giảng viên cơ hữu chiếm khoảng 20-30% đội ngũ giảng viên, trong đó giảng viên cơ hữu chủ yếu giảng giảng kiến thức cơ bản, có tính lý thuyết và kỹ năng. Tăng cường bồi dưỡng cho giảng viên cơ hữu nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng và phương phương pháp giảng dạy; Tổ chức hội thi giảng dạy để tạo ra phong trào thi đua, học hỏi để nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy tích cực. Xây dựng quy chế cho phép để giảng viên cơ sở ĐTBD được làm việc, khảo sát thực tế có thời hạn tại một số đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính.

Thứ hai, tăng cường đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đang làm việc tại các đơn vị trong ngành Tài chính. Xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể để cán bộ quản lý lãnh đạo trong ngành tài chính tham gia giảng dạy; hình thành tỷ lệ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng chiếm 60-70% tổng số giảng viên của cơ sở ĐTBD. Quy định chế độ làm việc, quyền lợi và trách nhiệm đối với giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý trong ngành Tài chính khi tham gia giảng dạy. Tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên về kỹ năng và phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng ĐTBD.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ĐTBD chuyên nghiệp có năng lực và kỹ năng làm việc hiệu quả. Tổ chức ĐTBD thường xuyên đối với cán bộ làm công tác quản lý ĐTBD về kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc, văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Định kỳ luân chuyển cán bộ quản lý giữa các cơ sở ĐTBD và các bộ phận trong cơ sở ĐTBD để học tập trau dồi phương pháp, kinh nghiệm công tác trong các môi trường khác nhau.

3.2.3. Giải pháp về công tác kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng công chức và đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả ĐTBD của học viên theo hướng sau: mục đích đánh giá là để giảng viên có kế hoạch và biện pháp đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp các đối tượng học viên, nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD. Do đó, việc đánh giá kết quả học tập phải được coi một cấu phần quan trọng trong chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD. Vì vậy, cần thể chế hóa cụ thể việc đánh giá kết quả học tập trong quy chế ĐTBD và yêu cầu cơ sở ĐTBD phải nghiêm túc thực hiện. Nội dung kiểm tra phải đạt mục tiêu đánh giá được năng lực của học viên sau khi học đáp ứng được yêu cầu của khung năng lực; học viên vận dụng được kiến thức kỹ năng để giải quyết những công việc, hoặc tình huống cụ thể trong thực tiễn công tác. Phương thức đánh giá có thể do giảng viên đánh giá hoặc chấm điểm bằng máy hoặc do cán bộ lãnh đạo quản lý ở các tổ chức, đơn vị thực tế sử dụng công chức đánh giá. Trước mắt hình thức đánh giá nên được thực hiện thông qua máy tính là hiệu quả nhất. Hình thức đánh giá: bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc xử lý tình huống trong quá trình học, xử lý tình huống trong thực tiễn sau khóa học. Trước mắt áp dụng đánh giá bằng các bài kiểm tra trắc nghiệm thông qua việc xây dựng các ngân hàng câu hỏi theo hướng buộc học viên phải tư duy và tự thực hiện theo trình độ và năng lực của học viên. Yêu cầu đánh giá phải thực chất và hiệu quả, tránh hình thức. Vì vậy, sau đánh giá, giảng viên phải tổng hợp được các vấn đề: số lượng

học viên chưa nâng cao được năng lực, kiến thức và kỹ năng; các lỗi sai mà học viên thường mắc phải; tìm nguyên nhân của những lỗi sai đó để giảng viên có giải pháp nâng cao kiến và kỹ năng, hoặc lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hoặc tăng cường hoạt động thực tế cho học viên.

Đổi mới công tác đánh giá chất lượng và hiệu quả ĐTBD đối với từng loại hình, từng khóa ĐTBD thông qua điều tra, phỏng vấn học viên và cơ quan quản lý sử dụng học viên theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiến tới xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng ĐTBD theo tiêu chuẩn quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức tại cơ quan bộ tài chính (Trang 86 - 91)