7. Kết cấu luận văn
1.3.1. Hình phạt cảnh cáo
Trong hệ thống hình phạt của nhà nước ta thì cảnh cáo là hình phạt chính nhẹ nhất. Trong BLHS hiện hành chưa đưa ra khái niệm về hình phạt cảnh cáo. Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, thì cảnh cáo được hiểu là “nghiêm khắc phê bình trước tập thể”[51, tr.256].
Hiện nay, trong khoa học luật hình sự nước ta, khái niệm hình phạt cảnh cáo còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
“Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội về tội phạm họ đã thực hiện”[31, tr.295].
“Cảnh cáo là hình phạt công khai lên án, phê phán của Tòa án đối với người phạm tội”[16, tr.32].
“Cảnh cáo là hình phạt khiển trách công khai của Nhà nước do Tòa án tuyên đối với người bị kết án”[19, tr.30].
Các quan niệm trên tuy khác nhau về cách diễn đạt nhưng tất cả đều khẳng định được nội dung và bản chất pháp lý của hình phạt cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của họ. Cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong hệ thống các hình phạt chính đối với cá nhân phạm tội vì nó không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền lợi nào của người bị kết án như quyền tự do, quyền sống, quyền sở hữu tài sản mà chỉ gây tổn thất về tinh thần đối với họ. Như vậy, có thể hiểu: “Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội về tội phạm mà họ đã thực hiện, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội, trong những trường hợp do BLHS quy định.”
Mặc dù, hình phạt cảnh cáo chỉ gây ra tổn thất về tinh thần cho người phạm tội nhưng nó vẫn nặng hơn các chế tài hành chính vì nó là hình phạt, nó để hậu quả pháp lý cho người phạm tội là án tích.
Điều 34 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến
mức miễn hình phạt”. Theo quy định tại Điều 34 BLHS 2015 thì hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất: Tội phạm thực hiện phải là tội ít nghiêm trọng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 thì: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”. Việc xác định là tội phạm ít nghiêm trọng cần căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, tuy nhiên, đây là một khái niệm khó đánh giá. Trong thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt để xác định, cần chú ý việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng không phải căn cứ vào hình phạt cao nhất của điều luật quy định đối với tội đó mà phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt.
Cảnh cáo là hình phạt có tính cưỡng chế thấp nhất trong các hình phạt chính nên đối tượng bị áp dụng hình phạt này trước hết phải là những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, đó là những tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, hậu quả của hành vi gây lên chưa ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội, nền kinh tế và chế độ chính trị của đất nước. Việc quy định như vậy cũng đảm bảo hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Thứ hai: Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ tức là phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015. Từ quy định này, về lý thuyết, người phạm tội có thể được áp dụng hình phạt chính là cảnh cáo nếu có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ, dù các tình tiết này có thể là tình tiết giảm nhẹ được quy định ở khoản 1 hay khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, nếu là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 thì Toà án phải ghi rõ trong bản án.
Điều 59 BLHS năm 2015 có quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”, như vậy, người phạm tội được miễn hình phạt khi họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và họ “đáng được khoan hồng đặc biệt”, còn người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo thì không được khoan hồng đặc biệt, vì vậy họ không được miễn hình phạt. Như vậy, ranh giới giữa miễn hình phạt và áp dụng hình phạt cảnh cáo là rất nhỏ, đòi hỏi Tòa án phải rất thận trọng khi quyết định hình phạt.
Nhận xét: Điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo trong BLHS năm 2015 về cơ bản giữ nguyên quy định trong BLHS năm 1999. Việc áp dụng hình phạt cảnh cáo có xu hướng thu hẹp phạm vi từ BLHS năm 1985 (37 tội danh) đến BLHS năm 2015 (25 tội danh).