7. Kết cấu luận văn
1.3.2. Hình phạt tiền
Hình phạt tiền theo quy định của BLHS 2015 vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Trong phạm vi đề tài này, tác giả sẽ phân tích về hình phạt tiền dưới góc độ là hình phạt chính.
Cũng như hình phạt cảnh cáo, trong BLHS năm 2015 không đưa ra khái niệm hình phạt tiền.Trong Từ điển luật hình sự, hình phạt tiền được hiểu là “Buộc người bị kết án phải nộp sung quỹ nhà nước khoản tiền nhất định”[16; Tr.195].
Khái niệm hình phạt tiền cũng được một số nhà nghiên cứu đề cập trong một số giáo trình, sách báo pháp lý chuyên ngành như sau:
“Phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước”[31, tr.296].
“Phạt tiền được hiểu là một trong những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được Tòa án quyết định trong bản án kết tội đối với người bị kết án về những tội phạm do luật hình sự quy định với nội dung là tước một khoản tiền nhất định của họ sung vào công quỹ của Nhà nước, thông qua đó giáo dục, cải tạo họ trở
thành người có ích cho xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời thực hiện phòng ngừa, giáo dục chung”[42, tr.84].
“Phạt tiền là một loại hình phạt được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, khi hình phạt chính là loại hình phạt khác. Phạt tiền do Tòa án quyết định trong những trường hợp do luật định mà theo đó người bị kết án bị tước một số tiền tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời xem xét đến tình hình tài sản của người bị kết án và sự biến động của giá cả”[28, tr.11].
Về cơ bản, các quan điểm nêu trên là thống nhất, nội dung của hình phạt tiền là sự tước bỏ một khoản tiền nhất định của người bị kết án để sung công quỹ Nhà nước, qua đó nhằm đạt được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung và Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội. Với nội dung này thì có thể hiểu “hình phạt tiền là hình phạt có mục đích trừng trị về kinh tế được áp dụng đối với người bị kết án phạm một số tội do Bộ luật hình sự quy định, nhằm tước đoạt các khoản tiền nhất định, qua đó giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời thực hiện giáo dục, phòng ngừa chung”[43, tr.326 – 327].
Theo quy định tại Điều 35 BLHS năm 2015 quy định phạm vi áp dụng hình phạt tiền căn cứ theo nhóm tội nhất định, đó là: Nhóm tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; nhóm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Theo đó, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 95 tội danh. Như vậy, so với quy định về hình phạt tiền tại Điều 30 của BLHS năm 1999, quy định hiện hành đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với cả tội nghiêm trọng và thậm chí là rất nghiêm trọng (bên cạnh quy định BLHS năm 1999 chỉ áp dụng với tội ít nghiêm trọng). Đối với trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng việc quy định và áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính không bị giới hạn về nhóm tội phạm. Đối với trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng thì bị giới hạn về nhóm tội phạm. Tuy nhiên thuật ngữ “và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định” dẫn đến phạm vi áp dụng hình phạt tiền cho các tội phạm rất nghiêm trọng không bị giới hạn một cách rõ ràng về nhóm tội phạm.
Trong phần các tội phạm trong BLHS năm 2015, hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với 112/314 tội phạm cụ thể, chiếm tỉ lệ hơn 35%, tập trung vào các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng và các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Như vậy, có thể thấy hình phạt tiền có xu hướng được mở rộng phạm vi các tội danh được áp dụng từ BLHS năm 1985 với 09 tội danh lên con số 76 tội danh trong BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009), thì đến BLHS năm 2015 là 112 tội danh được áp dụng.
Mặc dù Điều 35 BLHS năm 2015 chỉ quy định phạm vi áp dụng hình phạt tiền căn cứ theo nhóm tội nhất định mà không quy định kèm các điều kiện áp dụng khác. Tuy nhiên, theo tinh thần của Điều 32 BLHS năm 2015, các hình phạt chính được sắp xếp từ điểm a đến điểm g tại khoản 1 Điều 32 BLHS năm 2015 theo thứ tự từ nhẹ tới nặng, thì hình phạt tiền chỉ nặng hơn hình phạt cảnh cáo và nhẹ hơn các hình phạt còn lại. Do vậy, trong thực tiễn áp dụng, để người phạm tội được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền thì người phạm tội phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc chưa có văn bản nào hướng dẫn về điều kiện áp dụng hình phạt tiền dẫn đến việc áp dụng hình phạt tiền chưa được thống nhất và đôi khi chưa đạt được mục đích của hình phạt.
Về mức phạt: Khoản 3 Điều 35 BLHS năm 2015 chỉ quy định mức thấp nhất của hình phạt tiền là một triệu đồng, mức tối đa tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể quy định trong phần các tội phạm của BLHS. Đây là một quy định cần thiết, thể hiện tính nghiêm khắc của chế tài hình sự so với các chế tài khác như chế tài hành chính, chế tài dân sự... Đồng thời quy định về mức tiền phạt phải được căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm thực hiện đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội và sự biến động của giá cả. Quy định này làm cho hình phạt tiền khi áp dụng có khả năng thực hiện được trên thực tế, giúp phát huy được hiệu quả của loại hình phạt này.
còn có các hình phạt khác như: Cải tạo không giam giữ hay tịch thu tài sản. Tuy nhiên, khác với hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tịch thu tài sản, sự tác động về mặt kinh tế của hình phạt tiền là sự tác động chính, trực tiếp chứ không phải là những nội dung hạn chế các quyền và lợi ích áp dụng kèm theo. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, việc tồn tại hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính có ý nghĩa rất quan trọng vì đối với các tội phạm có tính chất kinh tế với mục đích mà người phạm tội hướng tới là lợi nhuận. Biện pháp trừng phạt có tính chất kinh tế đối với hành vi phạm tội của họ sẽ tước bỏ khả năng, cơ hội tái phạm tội của họ; tạo điều kiện để bản thân người phạm tội có khả năng tiếp tục lao động khắc phục hậu quả của tội phạm.
Phạt tiền với tính chất là một hình phạt chính khác với phạt tiền với tính chất là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính ở chỗ: Là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền có thể áp dụng đối với người vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vi phạm các quy định về an toàn lao động, vi phạm các quy định về phòng cháy… Người có thẩm quyền áp dụng phạt tiền hành chính là các Cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Còn với tính chất là một hình phạt (hình phạt chính), phạt tiền không thể do các Cơ quan quản lý hành chính nhà nước áp dụng, mà phải do Tòa án nhân danh Nhà nước tuyên phạt trên cơ sở các quy định của BLHS hiện hành. Ngoài ra, người bị kết án hình phạt tiền còn phải chịu hậu quả pháp lý là án tích, đây cũng là điểm khác nhau quan trọng nhất giữa hình phạt với các chế tài khác.