Đánh giá chung hoạt động quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về lễ hội từ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ hội AN, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 41 - 59)

bàn Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam

2.3.1. Kết quả đạt được và nguyên nhân

2.3.1.1. Ưu điểm

Thứ nhất, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở Hội An đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng đồng thuận của người dân, cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của của Đảng và Nhà nước. Lễ hội quy mô quốc gia, cấp tỉnh, thành phố đến các lễ hội nhỏ phạm vi làng, xã đều đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều lễ hội có chuyển biến tích cực, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại như mê tín dị đoan, cờ bạc, lưu hành ấn phẩm trái quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc tính vùng miền và điều kiện kinh tế, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút du khách.

Do phát huy vai trò chủ thể của người dân hoạt động lễ hội đã được xã hội hoá rộng rãi, huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, nguồn tài trợ ngày càng

tăng, nguồn thu qua bán vé tham quan, lệ phí, dịch vụ phần lớn đã được sử dụng cho tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống và hoạt động phúc lợi công cộng.

Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của người dân phố Hội. Gắn kết các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mỹ tục truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp, độc đáo của dân tộc ta đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, làm nên vẻ đẹp của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.

Hầu hết lễ hội lớn được tổ chức ở Khu phố cổ Hội An-Di sản văn hóa Thế giới càng làm nổi bật bản sắc văn hóa, kết hợp với kiến trúc văn hóa cổ xưa và đương đại tạo nên không gian thiêng riêng biệt của đất và người Hội An. Nhiều lễ hội đã chinh phục được du khách, tôn vinh di sản, nâng cao uy tín của thương hiệu du lịch hấp dẫn của địa phương. Kinh nghiệm tổ chức một số Lễ hội Văn hóa, thể thao, du lịch đã dần dần mang tính chuyên nghiệp hóa góp phần tạo ra doanh thu và hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế (Festival Quảng Nam-Hành trình Di sản, Lễ hội văn hóa Hội An-Nhật Bản, Hợp xướng quốc tế, Hội thi Ẩm thực quốc tế…)

Thông qua tổ chức lễ hội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân và du khách, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội đều do nhân dân và du khách

đóng góp. Trong nhiều lễ hội, nhân dân đã đóng góp nguồn kinh phí lớn có thể tính được bằng tiền tỷ để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống.

Thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, phục dựng và bảo tồn hoạt động lễ hội ở Hội An được tiến hành liên tục, đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều lễ hội được nghiên cứu theo các chương trình quốc gia và các đề tài, dự án nghiên cứu cấp tỉnh. Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội đã tác động lớn đến nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân về giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Cùng với sự phục hồi và phát triển của các lễ hội cổ truyền do nhân dân, cộng đồng tự tổ chức nhằm mở rộng việc giao lưu văn hóa trong thời kỳ đổi mới cũng như phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và du khách khi đến tham quan khu di sản văn hóa thế giới Hội An, Thành phố Hội An đã nghiên cứu tổ chức thêm một số lễ hội đương đại như: lễ hội đón Tết Dương lịch, lễ hội Hành trình từ quá khứ, lễ hội đón giao thừa thiên niên kỷ, lễ hội Văn hoá - Thể thao miền biển, Tháng Du lịch Hội An - Cảm xúc mùa hè, lễ hội Giao lưu Văn hoá Việt Nam - Nhật Bản, lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản”, Đêm phố cổ... và các sự kiện văn hóa - lịch sử khác vẫn thường xuyên được tổ chức trong các dịp lễ, kỷ niệm rải đều trong năm (đặc biệt là các năm chẵn). Quy mô của lễ hội lớn, phạm vi rộng, trải đều trên địa phận của nhiều xã, phường (chứ không hẳn chỉ diễn ra ở mái đình, sân miếu của một xóm, làng cụ thể nào), thời gian có khi kéo dài cả tuần, có khi cả tháng, có lễ hội cấp Thành phố, cấp Tỉnh và cả cấp Quốc gia.

Trong bối cảnh chung, khi mà lễ hội vừa được khuếch trương, vừa bị lạm dụng đến mức lạm phát và bội thực như hiện nay, những nhà quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội cần thấu hiểu bản chất của lễ hội là nhằm giải

quyết những nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân; đối tượng phục vụ của nó là quần chúng nhân dân. Hoạt động lễ hội trước hết là nhu cầu “tự thân” của văn hóa Hội An, là sự kế thừa và phát huy những di sản văn hóa “tự có” của Hội An. Do vậy toàn bộ nội dung chương trình phải dựa vào cái đặc thù, cái căn nguyên của vùng đất và con người Hội An. Mọi sự pha tạp khiên cưỡng trong hoạt động lễ hội hoặc sẽ bị chối từ, hoặc sẽ phá vỡ cả về diện mạo lẫn cốt cách văn hóa Hội An.

Mục tiêu tổ chức cũng nhằm hướng đến việc phát huy lễ hội ở Hội An trở thành sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác nguy cơ khá phổ biến hiện nay là thương mại hóa các hoạt động lễ hội, xem lễ hội như cái ăn theo, cái nguyên cớ để thu lợi từ dịch vụ du lịch. Nếp sống thuần hậu, hiếu khách, lịch thiệp, hiền hòa... đã trở thành “phẩm hạnh” từ bao đời nay không thể và không được đánh đổi bởi tâm lý ích kỷ, các hành vi chèo kéo, nâng giá khách hàng. Do vậy, cần nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước để giải quyết kịp thời những góc cạnh tiêu cực nảy sinh trong các lễ hội. Đồng thời phải có cơ chế và môi trường để tăng việc làm, nâng cao thu nhập, hưởng lợi chính đáng của người dân từ các hoạt động lễ hội. Điều có ý nghĩa quyết định vẫn là giữ cho được vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động lễ hội.

Phục hồi và chấn hưng các hoạt động lễ hội ở Hội An cần bảo tồn và phát huy các yếu tố đặc thù, độc đáo nhằm tăng sức hấp dẫn. Làm thế nào để các hoạt động lễ hội cùng những giá trị khác của di sản văn hóa Hội An ngày càng lan tỏa, thấm sâu và đọng lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Thành phố và bạn bè gần xa.

Khi phục hồi các lễ hội truyền thống cần đảm bảo các yếu tố nguyên gốc một cách phù hợp, tiến bộ như giữ lại các nghi thức mang tính giáo dục cao, các nghi thức mẫu mực răn dạy về tôn ti trật tự, về thái độ kính ngưỡng

những người đã khuất, các bậc có công với nước, với làng, với xóm. Bên cạnh đó cũng cần gọt bỏ bớt những nghi thức rườm rà, kéo dài thời gian, từng bước loại trừ, đào thải những yếu tố tiêu cực như cuồng tín mù quáng vào các thế lực siêu nhiên trong lễ hội tín ngưỡng. Việc phục hồi và phát triển các hoạt động lễ hội cần phải đặt trong mối quan hệ hữu cơ với quá trình nghiên cứu, chấn hưng các loại hình khác của di sản văn hóa phi vật thể như: nếp sống, phong tục tập quán, ẩm thực, văn nghệ dân gian... để vừa làm cái cốt lõi, vừa là cái bổ trợ không thể thiếu cho lễ hội.

Bên cạnh đó, cần tìm tòi, sáng tạo để bồi bổ thêm yếu tố mới lạ, độc đáo trong sinh hoạt lễ hội. Dựa vào gia tài vô giá của cha ông để lại là khu phố cổ, dựa vào địa hình sông nước “trên bến dưới thuyền”, tài nguyên biển đảo, dựa vào kho tàng di sản giao lưu, giao hòa văn hóa với các nước trên thế giới để sáng tạo nên những lễ hội mới nhân các sự kiện văn hóa, sự kiện du lịch với nhiều hình thức mới lạ như: Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ, Đêm phố cổ không có ánh đèn điện, Dạ hội hóa trang các dân tộc có quan hệ giao thương với Hội An trước đây, Khiêu vũ quốc tế trên đường phố, Tái hiện cảnh nhộn nhịp của cảng cổ Hội An thời phồn thịnh nhất... Chính yếu tố lạ, yếu tố độc đáo sẽ thôi thúc du khách tìm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu làm cho đa dạng hơn, làm phong phú hơn hành trình du lịch của mình.

Đa số nhân dân và du khách muốn tham gia các hoạt động lễ hội với tư cách như một chủ thể sáng tạo và thưởng ngoạn, đặc biệt là ở các nội dung phần hội. Vấn đề ở đây là người tổ chức phải biết “bày trò”, phải biết kích thích tính chủ động, hiếu kỳ của người tham dự. Qua các lễ hội ở Hội An có thể nhận thấy nhiều nội dung hoạt động thu hút đông đảo nhân dân và du khách hăng hái tham gia như: Trò chơi bài chòi, trò chơi đập nồi, cờ tướng, cờ làng, học hát dân ca Quảng Nam, ngâm thơ- bình thơ, rước cộ hoa, dạ hội hóa trang, khiêu vũ trên đường phố; làm cho cả khu phố cổ như một sân khấu sinh

động đủ sắc màu, trong đó lực lượng diễn viên- nghệ nhân nòng cốt là những diễn viên chính, nhân dân và du khách là những diễn viên phụ cùng tham gia hòa nhập vào một cách tự nhiên và đầy hào hứng.

Mỗi lễ hội cổ truyền đều có nguồn gốc hình thành, phát sinh, có tính chất riêng về đối tượng tưởng niệm, nội dung hình thức phần lễ, phần hội, thời gian thiêng và không gian thiêng v.v.. Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện đại, tính chất thiêng của đối tượng thờ cúng, nội dung lễ thức... cũng phai nhạt ít nhiều, đặc biệt ở phần hội do tính chất “tiếp biến”, giao lưu văn hóa mạnh mẽ nên nhiều trò diễn, trò chơi cổ truyền càng khó “hội nhập” với tâm sinh lý của người đương thời. Đây chính là vấn đề nan giải để bảo tồn nguyên vẹn “bản lai diện mục” của lễ hội cổ truyền. Do vậy việc phục hồi, tổ chức, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền cần có tri thức và sự đồng thuận của cả cộng đồng, cần có bước thích nghi với cuộc sống đương đại tạo được sự hài hòa mang tính bản sắc từ tổng thể đến bất cứ một yếu tố nhỏ nhoi nào của kết cấu lễ hội truyền thống.

Qua điều tra lễ hội cổ truyền tại các cộng đồng dân cư ( 360 phiếu/ 13 xã-phường) trên toàn địa bàn Thành phố, đa số những người được hỏi đều mong muốn phục hồi, tổ chức các lễ hội cổ truyền tại địa phương nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng; địa điểm tổ chức nên gắn với nơi hình thành, phát sinh lễ hội; chủ thể tổ chức do cộng đồng dân cư và cần sự hỗ trợ của nhà nước; chọn lựa lễ hội có quy mô và sự hưởng ứng cộng cảm lớn của cộng đồng để đầu tư nâng cấp; những nội dung như: định kỳ bao nhiêu năm thì đầu tư tổ chức quy mô; chú trọng đầu tư cho phần lễ hay phần hội, thời gian diễn ra bao lâu là phù hợp… thì còn nhiều ý kiến khác nhau cần nghiên cứu theo từng lễ hội.

trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quảng bá ngành du lịch của Thành phố. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung, sinh hoạt lễ hội nói riêng đã thực sự trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An, làm cho di sản văn hóa “có hồn” và quyến rũ hơn, con người Hội An càng cởi mở và thân thiện hơn. Các lễ hội tại Hội An đã góp phần rất lớn trong việc tôn vinh văn hóa Hội An, văn hóa xứ Quảng; làm cho cả nước và thế giới biết đến Hội An ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, sự kết hợp một cách khá nhuần nhuyễn các yếu tố cổ truyền với những sự kiện của cuộc sống đương đại đã tạo nên những lễ hội hoành tráng và ấn tượng.

Theo kế hoạch những năm qua, bình quân hàng năm trên địa bàn thành phố diễn ra trên 20 lễ hội, sự kiện (LH-SK) chính (Năm 2010: 22 LH-SK; năm 2011: 15 LH-SK; năm 2012: 12 LH-SK; năm 2013: 17 LH-SK; năm 2014: 22 LH-SK; năm 2015: 22 LH-SK; năm 2016: 27 LH-SK). Các hoạt động lễ hội, sự kiện đã diễn ra sôi nổi trên địa bàn thành phố, góp phần hấp dẫn thu hút du khách.

Các lễ hội dân gian truyền thống được đưa vào kế hoạch chỉ đạo tổ chức thường xuyên hàng năm như Lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng – Cẩm Kim, nghề gốm Thanh Hà, Lễ cúng Cầu Bông Trà Quế - Cẩm Hà, Lễ Cầu Ngư – Cửa Đại, Lễ Cầu Ngư – Cù Lao Chàm, Lễ giỗ tổ nghề Yến, Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu. Phần lễ theo đúng nghi lễ truyền thống, tạo không khí trang nghiêm của lễ hội, phần hội được tổ chức các hoạt động phong phú, bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, trong đó có các hoạt động văn hóa dân gian, các hoạt động thể thao truyền thống, gắn kết với quảng bá du lịch, giới thiệu đặc trưng văn hóa của cộng đồng, địa phương. Chương trình các lễ hội mang tính sự kiện văn hóa – du lịch với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, bảo tồn, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, thương mại…

Các sự kiện như kỷ niệm Ngày Quốc Khánh 2/9, Ngày thành lập Đảng, Ngày Giải phóng quê hương Hội An, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Ngày truyền thống của các ngành, hội, đoàn thể được chọn lựa tổ chức theo tần suất vào các năm tròn 5, chẵn 10, được sáng tạo bổ sung mới các hoạt động và nâng cao chất lượng các chương trình.

Các lễ hội mang tính sự kiện lịch sử, văn hóa – du lịch, môi trường được tổ chức định kỳ thường xuyên hàng năm như Đón mừng năm mới Dương lịch; Kỷ niệm ngày Hội An được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa Thế giới, Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Giao lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản, Đêm phố cổ, giờ Trái đất, Ngày không túi ni lông, Ngày Doanh nhân Việt Nam, Ngày Đô thị Việt Nam.

Ngoài các hoạt động thường xuyên, chương trình sự kiện, lễ hội chính của thành phố qua các năm đều có điều chỉnh cắt giảm và bổ sung hoạt động mới. Năm 2011, bổ sung Cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần thứ I; năm 2014, bổ sung mới Hội Bắp nếp Cẩm Nam; năm 2016, bổ sung Lễ hội ẩm thực quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) QUẢN lý NHÀ nước về lễ hội từ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ hội AN, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 41 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)