kinh doanh thương mại tại Tòa án
Khẳng định mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động KDTM càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Sự phát triển của kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập không chỉ đem lại cơ hội mà còn cả thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại. Việc vi phạm dẫn đến tranh chấp trong hợp đồng KDTM ngày càng phổ biến. Việc áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động KDTM còn chưa được đảm bảo, việc tranh chấp kéo dài dẫn đến lãng phí, thiệt hại cho các bên và cho Nhà nước. Xuất phát từ những vấn đề trên, đối với công tác giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM, trong đó có giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM tại Tòa án cần tập trung vào một số điểm sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng KDTM nhằm hỗ trợ các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động KDTM trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng KDTM.
Hợp đồng KDTM là một chế định pháp luật quan trọng thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc thỏa thuận, thực hiện và chấm dứt thực hiện hoạt động KDTM. Hoàn thiện pháp luật về KDTM, bên cạnh việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước trong quản lý kinh tế, còn phải căn cứ vào những văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã ký với tổ chức quốc tế, cụ thể là việc điều chỉnh hành lang pháp lý cho phù hợp để thúc đẩy hoạt động hợp tác và đầu tư quốc tế ở Việt Nam. Cần phải đảm bảo và phát huy nguyên tắc công bằng, bình đẳng đối với tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động KDTM. Tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, đặc biệt trong hoạt động tố tụng cần phải tiến hành một cách khách quan, công bằng, thiện chí đối với các bên.
Thứ hai, nghiên cứu, đánh giá một cách thường xuyên, bài bản các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Về bản chất, hợp đồng KDTM là một giao dịch dân sự, nên giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM chính là giải quyết tranh chấp giao dịch trong dân sự. Tuy nhiên, đặc thù của hợp đồng KDTM là yếu tố thương mại, do đó, tranh chấp KDTM cũng có những đặc trưng riêng cần có biện pháp giải quyết phù hợp. Theo tác giả, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu pháp lý và xem xét để áp dụng linh hoạt nhiều phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM, thường xuyên bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động KDTM trong tương lai.
Cần nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh trường hợp có những điều khoản còn có khe hở tạo điều kiện cho một bên lợi dụng làm thiệt hại cho bên khác. Tăng thêm thẩm quyền cho Viện kiểm sát trong hoạt động xét xử, tránh trường hợp xét xử theo cảm tính hoặc theo quan điểm cá nhân của thẩm phán gây ra những trường hợp sai sót làm bức xúc cho các bên tham gia tranh chấp. Việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng KDTM cũng góp phần vào việc củng cố và phát triển hệ thống cơ quan xét xử, nâng cao năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán và các cán bộ khác. Góp phần hoàn thiện Ngành Tư pháp Việt Nam hướng đến mục tiêu cải cách Tư pháp trong giai đoạn tiếp theo.