Thứ nhất, Tòa án đưa ra phán quyết có tính chính xác và tính khả thi cao.
Đặc điểm nổi bật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng tư pháp là tính quyền lực nhà nước. Tòa án là cơ quan tư pháp có quyền nhân danh ý chí quyền lực của Nhà nước khi xét xử các vụ tranh chấp. Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng và chấp hành. Trong trường hợp bản án không được tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế bởi quyền lực nhà nước.
Thứ hai, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân, đảm
bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh
chấp hợp đồng KDTM là trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, sự tôn trọng pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn rất hạn chế. Khi giải quyết tranh chấp KDTM, Toà án có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ đóng vai trò là bên thứ ba, là cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp đã được yêu cầu. Trong quá trình giải quyết tranh chấp trên cơ sở áp dụng pháp luật hiện hành, Toà án sẽ nhân danh quyền lực nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để đưa ra bản án hoặc quyết định có giá trị bắt buộc các bên tranh chấp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Bản án, quyết định của toà án được cơ quan thi hành án của Nhà nước bảo đảm thi hành. Điều này nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan trong từng vụ án cụ thể.