Thực trạng thực hiện chế độ, chính sách của viên chức ngành y tế ở huyện Hóc Môn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa vị pháp lý của viên chức ngành y tế từ thực tiễn huyện hóc môn, thành phố hồ chí minh (Trang 44 - 49)

huyện Hóc Môn

- Chế độ đánh giá, xếp loại, thi đua và khen thưởng:

Đánh giá viên chức là một khâu quan trọng vì đây là kết quả để căn cứ thực hiện các chế độ chính sách cho viên chức như khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch và ưu tiên đi học nâng cao. Đánh giá viên chức là sự so sánh giữa năng lực và hiệu quả công việc của viên chức với các tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm nhằm xác định mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ để đưa ra các chính sách nhân sự phù hợp.

Đánh giá chất lượng viên chức được thực hiện hàng quý theo Quyết định 3728/QĐ-UBND ngày 3/9/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đánh giá là căn cứ để Thành phố chi thu nhập tăng thêm đối với viên chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đánh giá chất lượng cán bộ hằng quý là tiêu chí căn cứ để đánh giá xếp loại viên chức, người lao động cuối năm. Năm 2018 và 2019, đánh giá viên chức căn cứ Nghị định 56/2015/NĐ- CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/07/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2020, đánh giá viên chức thì căn cứ Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Các tiêu chí đánh giá còn chung chung chưa chi tiết, chưa cụ thể rõ ràng, còn chủ quan, cảm tính, không định lượng được các tiêu chí đánh giá, dẫn đến việc xếp loại còn mang tính hình thức, chưa phản ánh thực tế chất lượng viên chức.

Bảng 2.6. Kết quả đánh giá viên chức, người lao động từ 2018-2019

Xếp loại

Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020

Số lượng (người) Tỷ lệ (%) Số lượng (người) Tỷ lệ (%) Số lượng (người) Tỷ lệ (%) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 8 1.3 20 3.5 49 9.4 Hoàn thành tốt nhiệm vụ 582 87.8 537 93.9 468 90.2 Hoàn thành nhiệm vụ 5 0.84 15 2.6 2 0.38 Không hoàn thành nhiệm vụ 0 0 0 0 0 0 Tổng cộng: 595 100 572 100 519 100

Nguồn: số liệu Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn

Kết quả đánh giá viên chức cho thấy công tác đánh giá phân loại chưa cân đối. Tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ là 0% cho thấy việc đánh giá, xếp loại còn mang tính hình thức, nể nang, chưa tương xứng, chưa thực sự chất lượng; dẫn đến việc đào thải viên chức hay tinh giản không thực hiện. Tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngày càng tăng đây cũng là cơ chế khuyến khích, động viên tinh thần của viên chức làm việc. Kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện công tác thi đua khen thưởng, nâng lương, thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, cán bộ nhằm tạo động lực làm việc cho viên chức, tạo sự cạnh tranh, phấn đấu về chuyên môn nghiệp vụ mang lại hiệu quả công việc.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn và Trung tâm y tế huyện Hóc Môn đã xây dựng và ban hành Quy chế đánh giá phân loại viên chức, người lao động và Quy chế Thi đua khen thưởng. Việc xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được bám sát các tiêu chuẩn đã được quy định, trên cơ sở đề nghị của cấp khoa, phòng, Hội đồng thi đua khen thưởng họp bình xét, trình cấp trên khen thưởng đối với các hình thức cao hơn. Công tác thi đua được phát động với nhiều nội dung và đa dạng về hình thức: Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của viên chức y tế, xây dựng cơ sở y tế “Xanh – Sạch – Đẹp” hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Ngoài khen thưởng định kỳ cuối năm, còn có khen thưởng định kỳ hàng quý đối với tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tiến độ đề ra trong quý, hay khen thưởng đột xuất cho các trường hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ kịp thời cứu sống bệnh nhân trong báo động đỏ, thái độ ứng xử phục vụ bệnh nhân tốt được thư khen, ….Các cơ sở y tế quản lý viên chức sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá viên chức hàng năm để thực hiện công tác thi đua khen thưởng, nâng lương, thưởng, đào tào, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nhằm tạo động lực làm việc cho viên chức, tạo sự cạnh tranh, phấn đấu về chuyên môn nghiệp vụ mang lại hiệu quả cao trong công việc.

Công tác thi hành kỷ luật đối với viên chức người lao động được triển khai với nhiều hình thức khác nhau; tuy nhiên thực tế, trong thời gian qua huyện Hóc Môn chưa có trường viên chức y tế nào bị kỷ luật với các hình thức. Qua kết quả điều tra, khảo sát về công tác đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng, kỷ luật có 66.1% (207 người) có ý kiến cho rằng việc đánh giá là nghiêm túc, có 33.9% (106 người) có ý kiến đánh giá là hình thức.

Bảng2.7. Kết quả khảo sát về đánh giá xếp loại, thi đua, khen thưởng Đánh gá Số lượng Tỷ lệ (%)

Nghiêm túc 207 66.1

Hình thức 106 33.9

Nguồn tổng hợp từ phiếu khảo sát.

- Chế độ tiền lương: Việc chi trả tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế trên địa bàn huyện Hóc Môn được thực thiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Thực hiện chế độ nâng lương định kỳ và nâng lương trước niên hạn theo quy định. Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho viên chức được thực hiện theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, dựa kết quả đánh giá hàng quý.

Qua điều tra, khảo sát chết độ tiền lương, thưởng và thu nhập tăng thêm cho thấy kết quả có 55,3% có ý kiến cho rằng công bằng, có 2,2% ý kiến cho rằng rất công bằng và 42,5% cho rằng chưa công bằng.

Bảng2.8. Kết quả khảo sát về đánh chế độ tiền lương, thưởng và thu nhập tăng thêm.

Đánh giá Số lượng Tỷ lệ (%)

Chưa công bằng 133 42.5

Công bằng 173 55.3

Rất công bằng 7 2.2

Nguồn tổng họp từ phiếu khảo sát

Thu nhập tăng thêm hiện tại của viên chức y tế tại huyện Hóc Môn thực hiện chi trả dựa trên kết quả công việc nhưng chưa thực sự chặt chẽ, cụ thể rõ ràng và mức hưởng cũng chưa thực sự tương xứng với sức lực, tài năng và trí tuệ mà viên chức y tế bỏ ra. Nhìn chung, các chế độ thu hút, đãi ngộ, điều kiện và môi trường làm việc của viên chức y tế chưa thực sự đa dạng. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn với cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, máy móc thiết bị chưa được trang bị hiện đại, thường bị ngập sâu sau những cơn mưa lớn hay triều cường. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc của viên chức y tế và chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

- Trang phục y tế: được thực hiện theo đúng quy định theo Thông tư số 45/2015/TT-BYT ngày 30/11/2015 quy định về trang phục y tế. Thông tư này quy định về trang phục y tế của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học viên, học sinh, sinh viên, người thực hành; người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh (trực tiếp chăm sóc người bệnh), khách đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh và một số đối tượng khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc quản lý, sử dụng trang phục y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Viên chức y tế tại huyện Hóc Môn được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp lần đầu, đồng bộ trang phục, gồm: 04 bộ theo điều kiện thời tiết; Mũ: cấp theo quần áo, váy; 01 đôi giầy hoặc 01 dép có quai hậu; 01 biển tên; 01 dải băng đối với nhân viên tiếp đón; Từ năm thứ hai, mỗi năm được cấp tối thiểu 02 bộ và 01 đôi dép hoặc 01 đôi giầy có quai hậu.

- Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, trợ cấp độc hại đối với viên chức y tế trên địa bàn huyện Hóc Môn được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật. Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV- BTC hướng dẫn Nghị định 56/2011/NĐ-CP Quy định về phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn phụ cấp 60% đối với viên chức làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu; 50% đối với viên chức làm việc tại khoa Nhi, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc; 40% áp dụng đối với viên chức làm việc tại các khoa/phòng: khoa Khám bệnh, khoa Xét nghiệm, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng, khoa y học cổ truyền, khoa Phụ sản và phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế. Các viên chức của các khoa phòng còn lại thì được hưởng phụ cấp 20%. Đối với Trung tâm y tế huyện Hóc Môn thì mức phụ cấp 40% áp dụng cho viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế; Khoa Xét nghiệm; Khoa truyền thông; Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản và các viên chức các khoa phòng còn lại được phụ cấp 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng. Đối với những viên chức y tế có thâm niên công tác, hệ số lương càng cao thì phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp càng cao.

Chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với viên chức ngành y tế được thực hiện đầy đủ theo thông tư số 07/2005/TT-BVN và công văn số 6608/BYT-TCCB quy định phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành y tế. Và thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn thực hiện việc chi cấp chế độ phụ cấp độc hại này được thực hiện qua hiện vật là sữa. Việc này được thực hiện thường niên hàng năm, sau khi các khoa phòng lập danh sách các viên chức đảm bảo tiêu chuẩn được nhận theo quy định gửi phòng Hành chính quản trị tổng hợp số lượng sẽ thông qua đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp sữa và phân loại cho các khoa phòng theo số lượng đã gửi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa vị pháp lý của viên chức ngành y tế từ thực tiễn huyện hóc môn, thành phố hồ chí minh (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)