Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) NGHỆ THUẬT tự sự TRONG tác PHẨM mắt bão, NGỰA THÉP, LUẬT CHƠI của PHAN hồn NHIÊN (Trang 69 - 74)

7. Cấu trúc củaluận văn

3.3.Điểm nhìn trần thuật

3.3.1. Điểm nhìn bên trong

Theo Từ điển thuật ngữ văn học điểm nhìn nghệ thuật là vị trí từ đó người trần thật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn. Bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống, bắt đầu từ đổi thay điểm nhìn [12; 113].

Điểm nhìn bên trong các sáng tác của Phan Hồn Nhiên chủ yếu là điểm nhìn bên trong nhân vật. Đó là điểm nhìn của người kể chuyện (câu chuyện chỉ được nhận thức, đánh giá qua ý thức chủ quan của một người kể). Các nhà lí luận còn gọi đó là điểm nhìn biết trước. Cái nhìn về cuộc sống dễ bị áp đặt theo nhận thức chủ quan của người kể chuyện. Từ điểm nhìn bên trong nhân vật, người kể chuyện nhìn thấy tất cả. Thấy tỉ mỉ mọi sự kiện, hiện tượng, cảnh vật, nội tâm, hành động diễn ra xung quanh nhân vật. Và như thế, người kể chuyện cũng có cơ hội thuận lợi để chủ động điều khiển mạch chuyện, chi phối số phận nhân vật.

Có thể dễ dàng nhận biết điểm nhìn bên trong từ người kể chuyện trong tác phẩm của Phan Hồn Nhiên do người kể chuyện không chỉ kể, mà còn thường xuyên bộc lộ cảm xúc, phát biểu suy nghĩ, trực tiếp bình luận trong quá trình kể. Từ đó nhân vật được thể hiện tư tưởng và quan niệm của nhà văn. Phan Hồn Nhiên để cho người kể chuyện trong Mắt bão thực hiện được nhiệm

vụ cái nhìn của người kể chuyện, tác giả thể hiện nhận thức được những gì đang diễn ra trong xã hội và sẽ diễn ra với các bạn trẻ. Để các nhân vật tự bộc lộ mình nhà văn đứng ở điểm nhìn ấy để đưa ra những cảm nhận chủ quan, từ đó người đọc mới thấy nhà văn không đứng ra bảo vệ hay lên án mà người đọc tự nhận ra và đánh giá. Trong một đoạn viết về Hữu, Phan Hồn Nhiên đã đưa ra những đoạn tự sự về Hữu và nhiệm vụ còn lại là của người đọc khi đọc về nhân vật này và tự đánh giá: “Vì thế, nếu cả tin, sớm hay muộn, người ta sẽ phải ân hận và trả giá rốt cục hết thảy những cử chỉ tử tế, những lời nói ngọt ngào đều khiến Hữu khó chịu, thậm chí căm ghét. Anh có nhiều mối quan hệ làm ăn, nhưng không có bạn. Anh biết nhiều thứ, nhưng không đặt lòng tin vào ai. Hữu tự biện giải kẻ mạnh nhất luôn phải cô độc nhất ...” [Tr. 19]. Từ điểm nhìn của

người kể chuyện, tác giả còn thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật. Kể về nhân vật theo điểm nhìn của người kể chuyện, cho nên trong sáng tác của Phan Hồn Nhiên, nội tâm nhân vật được diễn tả thông qua cảm nhận của người kể chuyện. Nó mang yếu tố chủ quan của người kể chuyện. Tâm lí tiếp nhận của

người đọc do đó không tránh khỏi bị tác động ít nhiều bởi người kể chuyện. Mặc dù tác giả Phan Hồn Nhiên đã tạo ra hình thức khá đặc biệt có vẻ như đặt điểm nhìn vào nhân vật nhưng vẫn không thể giấu được đó là điểm nhìn cuả người kể chuyện (tác giả) là kiểu nhân vật hành động, lấy sự việc trong những tình huống có sự kiện cụ thể để bộc lộ quan điểm, cách nhận thức hay tính cách. 3.3.2. Điểm nhìn bên ngoài

Trong tác phẩm, việc tổ chức điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng mang tính sáng tạo cao độ. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, giá trị của tác phẩm bắt đầu từ việc nhà văn cung cấp cho người đọc một cái nhìn mới về cuộc đời. Mặt khác, thông qua điểm nhìn trần thuật, người đọc có dịp đi sâu tìm hiểu cấu trúc tác phẩm và nhận ra đặc điểm phong cách của nhà văn. Quan sát tiểu thuyết Việt Nam đương đại, có thể thấy rõ bên cạnh những tác phẩm được viết theo điểm nhìn quen thuộc là những hình thức tổ chức điểm nhìn mới, sự luân chuyển điểm nhìn trần thuật từ đó tạo sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật.

Điểm nhìn bên ngoài trong các tác phẩm của Phan Hồn Nhiên không hoàn toàn đơn tuyến. Trong các sáng tác của Phan Hồn Nhiên, không chỉ có điểm nhìn bên ngoài từ người kể chuyện. Vẫn có những lúc Phan Hồn Nhiên chuyển điểm nhìn cho nhân vật trong tác phẩm. Ở Mắt bão, cuộc sống với đầy bất công, phi lí không chỉ được tái hiện qua lời kể, lời bình của người kể chuyện mà nó càng trở nên nhức nhối hơn, làm nhói lòng người đọc khi được cảm nhận từ phía nhân vật trong tác phẩm. Có những lúc người kể chuyện như hoá thân vào nhân vật, tự sự theo phương thức truyền thống có cách tân, (kể chuyện bằng ngôi thứ 3 nhưng từ điểm nhìn của nhân vật): “Bao nhiêu thời gian trong căn

phòng ẩm mốc, Hữu không rõ. Bóng tối vừa êm dịu, vừa nghiệt ngã vì xóa mờ hết tất cả. Anh chỉ nhận ra một điều là Thái Vinh đã ngủ rất sâu. Cô bé say rượu thật sự. Chút tỉnh táo ban nãy chỉ là chỉ là khoảng khắc ngắn ngũi mà thôi. Có vài cuộc điện thoại vang lên trong túi Thái Vinh, số Vĩnh và ở nhà. Hữu bấm núi tắt, sau đó nằm kiểm tra lại chuỗi ý nghĩ và cảm xúc hiện tại bên trong chính mình” (Tr.157). Tác giả lấy các điểm nhìn từ bên trong để thể hiện,

miêu tả các nhân vật theo ý chủ quan của mình nhưng lại tạo ra hiệu ứng khách quan cho những tư duy đánh giá của người đọc. Bên cạnh đó tác giả cũng thay đổi điểm nhìn từ điểm nhìn bên trong sang điểm nhìn bên ngoài để người đọc thấy được người kể chuyện đã đứng ở một vị trí khuất đi để kể lại cái mình đã nhìn thấy. Điều đó làm tác phẩm không nhàm chán mà nó luôn tạo ra những giá trị riêng và bộc lộ được ý đồ của tác phẩm khách quan hơn. Cụ thể ở Ngựa thép các phần được Phan Hồn Nhiên lồng ghép điểm nhìn nghệ thuật bởi kết cấu truyện giống như là sự lắp ghép các phần của tác phẩm với nhau và người viết phải thay đổi điểm nhìn để phù hợp với nội dung của từng câu chuyện. Nếu ở phần Cơ thể tác giả viết bằng điểm nhìn bên trong thì đến phần Pelikan tác giả đã đổi sang điểm nhìn bên ngoài. Mặc dù thế, vẫn có những trường hợp, Phan Hồn Nhiên chuyển điểm nhìn bên trong từ người kể chuyện sang nhân vật. Từ điểm nhìn của nhân vật, Phan Hồn Nhiên cho thấy con người cá nhân đã có ý thức sống cho tình cảm của chính mình nhưng luôn bị giằng xé, trăn trở bởi đạo lí làm người, bởi bổn phận gia đình. Con người cá nhân không thể sống cho cái “tôi”. Đó là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả qua nhân vật.

3.3.3. Sự luân phiên, kết hợp điểm nhìn trần thuật

Phan Hồn Nhiên còn linh hoạt dịch chuyển điểm nhìn qua nhiều nhân vật để tạo sự đối thoại, tranh biện, nhằm khơi gợi ở người đọc những băn khoăn, thắc mắc, suy nghĩ về quan niệm sống, về đạo lí ở đời được tác giả đặt ra. Sự kết hợp nhiều điểm nhìn như đã trình bày cho thấy hình thức tự sự trong tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên có nét đặc biệt. Tác giả không theo một hình thức tự sự duy nhất. Lịch sử của văn học Việt Nam cho thấy mỗi thời kì phổ biến một hình thức tự sự. Ví dụ: thời trung đại phổ biến hình thức tự sự với điểm nhìn đơn tuyến từ người kể chuyện, điểm nhìn bên trên nhân vật; thời hiện đại nhiều tác phẩm có hình thức tự sự với điểm nhìn đa tuyến, điểm nhìn từ bên trong nhân vật. Khảo sát điểm nhìn trần thuật có thể cho thấy ý thức nghệ thuật và bút pháp trần thuật của Phan Hồn Nhiên. Ở giai đoạn giao thời đầu thế kỉ XXI, nếu Phan Hồn Nhiên giữ nguyên hình thức cũ thì tác phẩm của chị sẽ không đến được với

đông đảo độc giả đã có thị hiếu mới. Bên cạnh đó, nếu như khước từ truyền thống cũng chưa hẳn là một cách thức được chấp nhận, chưa nói đến trong nhiều trường hợp, sự kế thừa truyền thống sẽ mang lại giá trị nghệ thuật. Chính biểu hiện của tính giao thời trong hình thức tự sự ở tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên đã góp phần làm nên thành công cho tác phẩm của chị. Cái độc đáo là nhà văn biết kết hợp các hình thức tự sự trong tác phẩm của mình một cách khéo léo. Cụ thể là nói đến điểm nhìn bên ngoài tức là nói đến sự biểu thị cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống con người mà nhà văn đã sắp đặt theo dụng ý của mình. Hay nói cách khác, là nơi gửi ống kính quan sát của nhà văn. Nhưng ống kính ấy sẽ hướng vào đâu, tức đích của cái nhìn là đâu? Đó cũng là một vấn đề cần được xác định. Bởi nó giúp người đọc nhận ra đâu là nội dung trọng điểm của văn bản tự sự. Đích ở tác phẩm của Phan Hồn Nhiên chính là sự kiện, sự việc trong câu chuyện và hành động của nhân vật. Vì thế không ngạc nhiên khi thấy tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên rất nhiều sự việc thậm chí sự việc này gối lên sự việc khác. Cốt truyện được tạo nên nhờ sự xâu chuỗi khéo léo các sự kiện, sự việc. Tính cách của nhân vật cũng được gợi lên từ hành động nhiều hơn là thông qua đời sống nội tâm.

Ngoài ra, tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên thường hướng đích đến bằng cái nhìn vào các sự kiện diễn ra. Câu chuyện được kể ở thì hiện tại hoặc quá khứ gần. Những câu chuyện được kể trong tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên là những câu chuyện đời thường hiện hữu xung quanh chúng ta. Thế giới nhân vật làm nên câu chuyện đều là những con người đương thời. Những sự kiện, sự việc được kể đều xoay quanh đời sống, sinh hoạt của những con người đương thời nói trên.

Với hình thức tự sự theo ngôi thứ ba nhưng từ nhiều điểm nhìn, sáng tác của Phan Hồn Nhiên đã tái hiện khách quan, sinh động hiện thực đời sống thông qua hệ thống nhân vật. Hơn thế, tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên còn tạo được sức cảm hoá cao, khuyến khích con người đi vào lối sống hướng thiện, tránh xa cái ác. Sức cảm hoá ấy là rất hữu ích cho tuổi trẻ bây giờ. Có thể khẳng

định: tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên có sức hút trong lòng công chúng đặc biệt là giới trẻ, bởi Phan Hồn Nhiên đã tạo được hình thức kể chuyện thú vị, tinh tế và hiện đại đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ và thưởng thức của đông đảo độc giả, nhất là giới trẻ ngày nay. Chính hình thức tự sự đã góp phần làm nên đặc điểm của văn bản tự sự ở tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên. Tiểu thuyết Phan Hồn Nhiên là những câu chuyện của đương thời, của cuộc sống đời thường, được tái hiện chân thật, khách quan, tỉ mỉ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) NGHỆ THUẬT tự sự TRONG tác PHẨM mắt bão, NGỰA THÉP, LUẬT CHƠI của PHAN hồn NHIÊN (Trang 69 - 74)