tụng hình sự
1.3.1. Ý nghĩa pháp lý
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã và đang được tiến hành một cách toàn diện, sâu sắc. Những thành tựu to lớn do quá trình đổi mới mang lại đã tạo ra những tiền đề cần thiết đưa đất nước ta bước vào một thời kỳ mới. Nhiều tư tưởng, quan điểm về cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Đảng đã được đề ra, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ chính trị đề cập vấn đề “Về chiến lược
cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nghị quyết đặt ra nhiều vấn đề về PLTTHS
cần tiếp tục được thể chế hoá thành những quy định của pháp luật; đồng thời, những hạn chế bất cập của PLTTHS hiện hành cần được khắc phục nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp, bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền tự do dân chủ của công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, và công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Những quy định của BLTTHS về khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại đã góp phần củng cố các nhiệm vụ, mục tiêu trong chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, góp phần xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, người phạm tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong tình hình mới.
Khởi tố vụ án hình sự nói chung và khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại nói riêng là hoạt động xác nhận về mặt pháp lý một vụ án hình sự đã xảy ra và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhân danh Nhà nước có trách nhiệm giải quyết vụ án đó. Nhà nước dùng PLTTHS mang các đặc trưng mà các biện pháp điều chỉnh khác không có như tính quy phạm phổ biến, tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế để tăng cường hiệu quả trấn áp tội phạm. Thông qua công
cụ PLTTHS, nhà nước tác động vào chủ thể thực hiện tội phạm, buộc họ phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi đối với hành vi của mình nhằm răn đe mạnh mẽ đối với ý thức người phạm tội. Quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thể hiện một loại quyền đặc thù của bị hại trong TTHS. Quyền này được ghi nhận trong BLTTHS với các nội dung cụ thể như: chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố, phạm vi thực hiện yêu cầu khởi tố, hậu quả pháp lý của việc thực hiện quyền yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại… Từ đó thiết lập cơ chế điều chỉnh bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người bị hại trong TTHS.
Khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không phải phụ thuộc vào ý muốn cá nhân mà phải dựa trên các quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc khởi tố vụ án hình sự. PLTTHS hiện nay quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, mà nếu cơ quan có thẩm quyền không nhận được yêu cầu của bị hại nhưng vẫn tiến hành khởi tố vụ án là trái quy định pháp luật. Chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự đối với bị hại, thể hiện tính linh hoạt, mềm dẻo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.
1.3.2. Ý nghĩa chính trị - xã hội
Xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện thái độ tôn trọng, giữ bí mật về đời tư đối với người bị hại, PLTTHS cho phép một số tội danh được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đối với những vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn xã hội dẫn đến việc xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà tính chất, mức độ cũng như thiệt hại gây ra chỉ được giới hạn ở trường hợp ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.
Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một trong những quy định của PLTTHS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Trong thực tế, có những trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội có thể gây thêm những tổn thất khác cho bị hại so với việc không khởi tố vụ án hình sự như: Gây thêm những tổn thất về tinh thần, làm lộ bí mật đời tư của bị hại, phá vỡ sự tha thứ, hòa giải và thỏa thuận bồi thường giữa các bên... Chính vì vậy, PLTTHS quy định đối với một số trường hợp tội phạm xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, không phải là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không phải là rất lớn hoặc đặc biệt lớn, không có tình tiết định khung tăng nặng thì việc khởi tố vụ án chỉ có thể được thực hiện khi có yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Có thể nói, quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một quy định pháp luật tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo lợi ích của bị hại, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại càng thể hiện ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế các trường hợp khi đưa người phạm tội ra xử lý sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bị hại, hoặc không có lợi cho lợi ích chung của xã hội.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, PLTTHS nói riêng, trong đó có quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại là góp phần vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp. Việc nhận thức và quy định đầy đủ về khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại một cách đúng đắn là cơ sở bảo đảm cho bị hại thực hiện được những quyền công dân của mình, vừa đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
1.3.3. Ý nghĩa thực tiễn
Xuất phát từ nhu cầu tất yếu khách quan nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, vừa bảo đảm về công bằng xã hội thì việc PLTTHS quy định bảo đảm quyền yêu cầu khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một trong các quyền cơ bản được bảo đảm thực hiện và là nhu cầu tất yếu. Bởi nếu PLTTHS không có những quy định bảo đảm quyền yêu cầu khởi tố vụ án cho bị hại thì bị hại sẽ không có đầy đủ các điều kiện để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, việc quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại là một trong những quy định có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong TTHS, đồng thời phù hợp với yêu cầu bảo đảm quyền con người của bị hại trong quá trình Việt Nam gia nhập và thể chế hóa mạnh mẽ các Điều ước quốc tế về quyền con người.
Bơi lẽ thông thường những trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại là những trường hợp mà thiệt hại không lớn. Nếu đưa người phạm tội ra xử lý mà việc xử lý này không phù hợp với ý muốn của bị hại thì dễ gây bất ổn trong mối quan hệ xã hội, từ đó tạo ra nhiều hệ lụy không tốt cho xã hội. Trên cơ sở cân đối giữa các lợi ích, trong một số trường hợp, quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại mang đến lợi ích về nhiều mặt, không chỉ phù hợp với nguyện vọng của bị hại mà còn không gây tốn kém sức lực của cơ quan, người tiến hành tố tụng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới đặt ra những nhiệm vụ mới về kinh tế, chính trị, trong đó có nhiệm vụ về đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và trật tự Xã hội chủ nghĩa. Việc nhà làm luật xác lập một khả năng để bị hại có thể cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không là một quy định có tính chất đặc trưng, mà thông qua việc cho phép bị hại được lựa chọn cách xử lý này đối với người phạm tội đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong TTHS.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Với ý nghĩa quan trọng trong TTHS, “Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại”, có những đặc điểm thể hiện sự riêng biệt của chế định này, theo đó: khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp này phải dựa trên yêu cầu khởi tố của bị hại, nếu bị hại không yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án; chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại chỉ áp dụng đối với một số tội phạm nhất định; điều kiện để khởi tố vụ án hình sự, cũng như chấm dứt việc giải quyết vụ án hình sự phụ thuộc ý chí của bị hại.
Chế định khởi tố theo yêu cầu của bị hại thể hiện sự công bằng của nhà nước trong pháp luật tố tụng hình sự, xuất phát từ phương diện và hướng tới giá trị bảo vệ quyền, danh dự, nhân phẩm của con người nói chung, của bị hại nói riêng. Di đó, việc quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại là một trong những quy định có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong TTHS, đồng thời phù hợp với yêu cầu bảo đảm quyền con người của bị hại trong quá trình Việt Nam gia nhập và thể chế hóa mạnh mẽ các Điều ước quốc tế về quyền con người. Đồng thời, tác giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa giai đoạn khởi tố vụ án với các giai đoạn khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Từ đó cho thấy quy định định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là mắt xích rất cần thiết trong hệ thống tố tụng hình sự dân chủ và tiến bộ.
Những nội dung được trình bày ở chương 1 này là cơ sở để phân tích, đánh giá quy định pháp luật, nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại từ thực tiễn quận Hoàng Mai. Trên cơ sở đó, đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cũng như bảo đảm thực hiện có hiệu quả quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại trong pháp luật tố tụng hình sự.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH VỀ KHỞI TỐ VỤ ÁN THEO YÊU CẦU CỦA NGƯỜI BỊ HẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HOÀNG MAI,
THÀNH PHỐ HÀ NỘI