chặn trong các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Các biện pháp ngăn chặn được hiểu là các biện pháp mang tính chất cưỡng chế về mặt tố tụng, được áp dụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ trong xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội,
trốn tránh pháp luật, được cơ quan, người có thẩm quyền THTT trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng, nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ quy định tại Điều 109 BLTTHS 2015. Trong giai đoạn điều tra VAHS nói chung và các vụ án lạm dụng tín nhiệm CĐTS nói riêng, CQĐT và VKS trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng hoặc thay thế một trong những biện pháp ngăn chặn, như: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, .... và VKS phải thực hiện chức năng kiểm sát đối với việc áp dụng hoặc thay đổi các biện pháp ngăn chặn một cách chặt chẽ, cụ thể:
1.4.3.1. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp tạm giữ, bắt bị can để tạm giam
Tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người thực hiện hành vi
phạm tội, nhằm ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện cho việc thu thập chứng cứ, để đi
đến quyết định khởi tố hay không khởi tố bị can đối với họ. Tội phạm lạm dụng tín nhiệm CĐTS sau khi thực hiện thường tìm cách trốn tránh người bị hại, trốn tránh việc truy cứu TNHS của cơ quan THTT, vì vậy thường CQĐT sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt bị can để tạm giam. Theo quy định tại Điều 113 BLTTHS 2015 thì bắt bị can, bị cáo để tạm giam và biện pháp tạm giam có mối quan hệ với nhau.
Khi CQĐT đề nghị phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giữ, lệnh bắt, tạm giam bị can trong vụ án lạm dụng tín nhiệm CĐTS, thì KSV phải nghiên cứu thẩm định, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, thận trọng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án trước khi báo cáo lãnh đạo phê chuẩn. Nếu thấy các tài liệu, chứng cứ chưa đảm bảo, thì yêu cầu ĐTV thu thập tài liệu bổ sung chứng cứ hoặc KSV trực tiếp tiến hành việc thu thập chứng cứ.
1.4.3.2. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, truy nã
Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, tội phạm lạm dụng tín nhiệm CĐTS khi bị phát hiện thường có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản hoặc tiêu hủy chứng cứ, tài liệu
quan trọng liên quan đến việc phạm tội. Do đó, hoạt động KSĐT của VKS phải được tiến hành một cách kịp thời, đảm bảo theo quy định tại Điều 110 Bộ luật TTHS 2015 và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho VKS cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn. Hồ sơ đề nghị VKS phê chuẩn bao gồm các tài liệu, thủ tục liên quan đến việc giữ, bắt người bị giữ, ... ; Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
KSV phải yêu cầu CQĐT, sau khi thực hiện việc tạm giữ người, phải tiến hành lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Đối với trường hợp bắt người bị truy nã, thì CQĐT phải tiến hành lấy lời khai, dẫn giải về cơ sở giam, giữ gần nhất để ra quyết định tạm giữ và thông báo đến cơ quan đã ra lệnh truy nã.
1.4.3.3. Kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác
Bảo lĩnh (Điều 121 BLTTHS năm 2015), Đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 BLTTHS năm 2015) và Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123 BLTTHS năm 2015) cũng là những biện pháp ngăn chặn độc lập nhưng có tính chất cưỡng chế ít nghiêm khắc hơn.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, như: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của VKS theo quy định tại BLTTHS đối với tội phạm hình sự nói chung, tội phạm lạm dụng tín nhiệm CĐTS nói riêng chỉ dừng ở hoạt động kiểm sát việc CQĐT ra các quyết định, nội dung quyết định và thẩm quyền ra các quyết định trên có căn cứ, đúng trình tự TTHS hay không mà chưa thực hiện kiểm sát được việc thi hành quyết định của CQĐT như thế nào.
1.4.3.4. Kiểm sát việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn
Khi áp dụng một biện pháp ngăn chặn nghĩa là xem xét, cho thi hành biện pháp đó theo quy định của pháp luật trong một thời gian nhất định. Khi biện pháp ngăn chặn đã hết hiệu lực, thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành gia hạn hoặc
trả tự do, hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác đối với đối tượng bị áp dụng. Do đó, VKS các cấp cần nắm bắt kịp thời và theo sát quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra của CQĐT và tính hợp pháp của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của CQĐT. Khi phát hiện vi phạm, VKS chủ động yêu cầu CQĐT khắc phục ngay để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm hại.