việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
1.2.1. Kiểm sát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối; bên cạnh đó quy định ngoài Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các cơ quan tổ chức khác như: Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an, Tòa án các cấp, Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác (được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017) cũng có trách nhiệm tiếp nhận và quy định rõ.
Bên cạnh đó, Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố đã quy định tiến trình tiếp theo sau khi tiếp nhận nguồn tin, từ đó Cơ quan điều tra phải phân loại nguồn tin, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật; các cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận nguồn tin phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có
thẩm quyền quyền giải quyết, đồng thời có quy định một số thẩm quyền lấy lời khai ban đầu cho Công an xã, thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ cho Công an phường, thị trấn, Đồn công an. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 đã quy định về phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Do đó, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn này phải phân công Kiểm sát viên tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến; sau khi tiếp nhận, Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý, ghi đầy đủ, chính xác tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện và làm thủ tục chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan có thẩm quyền điều tra giải quyết.
Đồng thời, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại của cơ quan có thẩm quyền điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp phát hiện việc tiếp nhận, phân loại của cơ quan có thẩm quyền điều tra chưa chính xác, Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để trao đổi với cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục.
Trong quá trình phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố xảy ra tranh chấp về thẩm quyền, Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cho Viện kiểm sát từng cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền phát sinh giữa các Cơ quan điều tra.
Vì vậy, Viện kiểm sát phải quan tâm, thường xuyên nắm chắc thông tin về tình hình tội phạm trên phạm vi, địa bàn đảm nhiệm nhằm đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận, phân loại giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Song song đó, phải nắm chắc các quy định của pháp luật, trình độ,
kỹ năng nghiệp vụ tinh thông, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm để nhắc nhở, chấn chỉnh, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục.
1.2.2. Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Theo quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm gồm: trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Ngoài ra, tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền…
Để kiểm sát quá trình Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra; Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản cho Cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ. Tùy theo tính chất của việc giải quyết nguồn tin, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện có thể phân công một hoặc nhiều Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cùng giải quyết. Trường hợp có nhiều Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cùng
tham gia giải quyết thì trong Quyết định phân công phải ghi rõ phân công Kiểm sát viên thụ lý chính. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tố tụng thì Viện trưởng Viện kiểm sát có văn bản thông báo gửi cho cơ quan có thẩm quyền điều tra.
Trong giai đoạn này, Kiểm sát viên được phân công trong Quyết định (trường hợp cấp bách, Viện trưởng Viện kiểm sát chưa kịp ban hành Quyết định phân công Kiểm sát viên thì giao nhiệm vụ cho một Kiểm sát viên, thường là Kiểm sát viên trực nghiệp vụ, tham gia kiểm sát các hoạt động của Cơ quan điều tra, báo cáo kết quả với lãnh đạo Viện kiểm sát) phải tham gia kiểm sát Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm dấu vết phương tiện, khám xét…; kiểm sát việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, trình tự thu thập chứng cứ, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, lấy lời khai những người có liên quan, trưng cầu giám định, định giá… Quá trình kiểm sát việc kiểm tra, xác minh của Cơ quan điều tra để đảm bảo chặt chẽ, thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, làm rõ từng nội dung liên quan và lập hồ sơ đầy đủ; Kiểm sát viên phải trao đổi, bàn bạc với Điều tra viên những nội dung cần kiểm tra, xác minh và chủ động yêu cầu xác minh bằng văn bản. Đồng thời kiểm sát chặt chẽ Điều tra viên thu thập tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, tiến độ, kết quả giải quyết các nội dung đã bàn bạc, trao đổi và nội dung yêu cầu xác minh.
Bên cạnh đó, Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đặc biệt quan tâm chú ý đến thời hạn giải quyết được quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho phép trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra phải ra một trong các Quyết định: khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án hình sự, tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc
phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn 02 tháng thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh. Đây là quy định mới, tạo điều kiện về thời gian cho Cơ quan điều tra giải quyết, hạn chế tình trạng tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bị tồn đọng nhiều. Chính vì vậy, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ Điều tra viên về thời hạn giải quyết, chủ động đôn đốc, trao đổi, đề nghị, kiến nghị Cơ quan điều tra về tiến độ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Sau khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết phải ra một trong các Quyết định: khởi tố vụ án hình sự nếu đủ căn cứ xác định sự việc có dấu hiệu tội phạm; hoặc không khởi tố vụ án hình sự nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như: đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Bên cạnh đó, khi Cơ quan điều tra có thẩm quyền đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhận được kết quả yêu cầu trưng cầu giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp;
khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án thì phải ra Quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra Quyết định phục hồi. [20]
Vì vậy, trong giai đoạn này Viện kiểm sát mà trực tiếp là Kiểm sát viên được phân công thụ lý có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ Quyết định của Cơ quan điều tra đã ban hành khi hết thời hạn giải quyết và Quyết định phục hồi giải quyết (nếu có); cụ thể kiểm sát chặt về thời gian ban hành Quyết định, thời gian Viện kiểm sát nhận Quyết định kèm theo tài liệu liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra ra Quyết định, đối với Quyết định phục hồi việc giải quyết thì thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra Quyết định; kiểm sát chặt chẽ tính hợp pháp, hợp lý của các căn cứ để ban hành Quyết định theo quy định của pháp luật Hình sự, Tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tối đa thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể đến 04 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp cần thời gian nhiều hơn mới có kết quả giải quyết triệt để. Nhưng không thể quy định được thời gian cụ thể cho từng trường hợp và cũng không thể quy định thời gian giải quyết dài hơn nữa, điều đó sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hoặc có thể bị lạm dụng trên thực tế. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định những trường hợp cụ thể được tạm đình chỉ việc giải quyết và khi lý do tạm đình chỉ không còn thì phải phục hồi giải quyết trong thời hạn quy định. Điều đó đã giải quyết được những khó khăn trên thực tiễn về thời hạn giải quyết và hạn chế tồn đọng quá nhiều tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong thực tiễn hiện nay.
1.2.3. Trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những hoạt động của Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong giai đoạn kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với Cơ quan điều tra cùng cấp trên địa bàn thuộc thẩm quyền kiểm sát của Viện kiểm sát. Hoạt động đó được thực hiện định kỳ hoặc bất thường tiến hành kiểm sát trực tiếp, cụ thể tại Cơ quan điều tra trong việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ, thời hạn và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm bảo đảm mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều phải được tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời, đúng thời hạn, việc lập hồ sơ thụ lý, giải quyết phải đầy đủ, chính xác; bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết của Cơ quan điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật và bảo đảm những vi phạm pháp luật trong công tác này phải được phát hiện, khắc phục và xử lý nghiêm minh.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; nhiệm vụ, quyền hạn đó đã được Luật hóa tại khoản 3 Điều 13 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và khoản 2 Điều 160 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 [16], [19], [20].
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát về hoạt động trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với Cơ quan điều tra cùng cấp thuộc thẩm quyền kiểm sát của mình; trước khi tiến hành, Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo, hợp đồng với Cơ quan điều tra về thời gian dự kiến trực tiếp kiểm sát; sau khi thống nhất về thời gian dự kiến trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát ban hành các
văn bản như: Quyết định, Kế hoạch trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gửi cho Cơ quan điều tra trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát một khoảng thời gian đủ để Cơ quan điều tra chuẩn bị đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Viện kiểm sát (thường gửi văn bản cho Cơ quan điều tra tiếp nhận trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát ít nhất 10 ngày).
Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại Cơ quan điều tra; Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát của Viện kiểm sát (là Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng) công bố Quyết định, thông báo ý định trực tiếp kiểm sát như: mục đích, yêu cầu, tổ chức, phương pháp và phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong