Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm theo pháp luật việt nam hiện nay (Trang 41 - 45)

Hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng giống như các loại hợp đồng thông thường khác, là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền thương mại làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền và cũng chính là căn cứ, cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải có chung ý chí thống nhất và phải đạt được sự đồng thuận của các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng.

Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (the US Federal Trade Commission -

FTC) đưa ra khái niệm hợp đồng nhượng quyền thương mại là “hợp đồng theo đó

Bên nhượng quyền:

- Hỗ trợ đáng kể cho Bên nhận quyền trong việc điều hành doanh nghiệp hoặc kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của Bên nhận quyền;

- Li-xăng nhãn hiệu cho Bên nhận để phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của Bên nhượng quyền và

- Yêu cầu Bên nhận quyền thanh toán cho bên nhượng quyền một khoản phí tối thiểu.”

Có thể nói rằng hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng chứa đựng các đặc điểm tổng hợp của nhiều loại hợp đồng khác nhau.

Thứ nhất, hợp đồng nhượng quyền thương mại chứa đựng những yếu tố của hợp đồng li-xăng, cũng hướng đến việc chuyển giao những đối tượng của sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh…

Thứ hai, hợp đồng nhượng quyền thương mại có những điểm tương đồng với hợp đồng chuyển giao công nghệ khi mà trong nội dung hợp đồng luôn xác định rõ bên nhượng quyền phải chuyển giao, cung cấp, hướng dẫn cho bên nhận quyền sử dụng, khai thác các công nghệ đi kèm cũng như các tài liệu hướng dẫn vận hành công nghệ đó.

Thứ ba, hợp đồng nhượng quyền thương mại còn mang dáng dấp của hợp đồng cung ứng dịch vụ, hàng hóa; hợp đồng đại lý phân phối.

Nhìn chung hợp đồng nhượng quyền thương mại là một tập hợp các thỏa thuận của các chủ thể, trong đó các bên phải đề cập ít nhất một số vấn đề chủ yếu như: Sự chuyển giao của các yếu tố của quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ từ bên nhượng quyền sang bên nhận quyền nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh, kiếm lợi nhuận. Bên nhượng quyền có nghĩa vụ hỗ trợ bên nhận quyền trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Các nghĩa vụ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền (liên quan đến vấn đề tài chính, hạn chế cạnh tranh)

Đối với Việt Nam, pháp luật không đưa ra một định nghĩa nào về hợp đồng nhượng quyền thương mại. Căn cứ Điều 285 Luật Thương mại 2005 với tiêu đề

hợp đồng nhượng quyền thương mại” chỉ quy định về hình thức của loại hợp đồng

này. Như vậy, có thể hiểu, trên phương diện pháp luật, hợp đồng nhượng quyền thương mại là loại hợp đồng được các thương nhân ký kết trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại, cụ thể là thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại. Vì vậy, hợp đồng này phải có những đặc điểm chung của hợp đồng được quy định ở Bộ luật Dân sự. Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật dân sự đặt ra đối với một giao dịch dân sự. Về cơ bản, hợp đồng nhượng quyền thương mại thể hiện bản chất của giao dịch nhượng quyền thương mại như được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005.

Mặc dù không đưa ra định nghĩa cụ thể về hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung, nhưng tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP lại đưa ra định nghĩa về các dạng đặc biệt của hợp đồng nhượng quyền thương mại như “Hợp đồng phát triển quyền thương mại” (Khoản 8 Điều 3) hoặc “hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” (Khoản 10 Điều 3). Đây là các dạng biến thể của hợp đồng nhượng quyền

thương mại, thể hiện sự đa dạng về hình thức và phương thức nhượng quyền thương mại. Vì vậy, việc đưa ra định nghĩa cụ thể về những loại hợp đồng này trong các văn bản luật là cần thiết. Tuy nhiên, khi giải thích về nghĩa của cả hai loại hợp đồng nói trên, các nhà làm luật vẫn sử dụng thuật ngữ “hợp đồng nhượng quyền thương mại” để làm cầu nối.

Như vậy, việc pháp luật thương mại không đưa ra định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà lại dùng chính thuật ngữ này để giải thích cho các thuật ngữ khác có liên quan là chưa đảm bảo tính hệ thống và tính chính xác cần phải có đối với các quy định pháp luật trong bối cảnh hiện nay.

Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, tồn tại hai chủ thể, đó là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Về cơ bản, hợp đồng nhượng quyền thương mại chính là những thoả thuận của hai chủ thể này về nội dung của hoạt động nhượng quyền. Do nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại đặc thù, vì vậy, hầu hết các nước đều quy định chủ thể của quan hệ nhượng quyền phải là thương nhân, tồn tại hợp pháp, có thẩm quyền kinh doanh và có quyền hoạt động thương mại phù hợp với đối tượng được nhượng quyền. Những đặc trưng về chủ thể này của hợp đồng nhượng quyền thương mại làm cho hợp đồng nhượng quyền thương mại có những đặc điểm khác biệt so với các loại hợp đồng khác. Quan hệ nhượng quyền không chỉ dừng lại giữa một bên nhượng quyền và một bên nhận quyền mà còn xuất hiện thêm nhiều bên nhận quyền khác nữa tạo thành một hệ thống nhượng quyền thương mại, xuất phát từ sự khác biệt của quan hệ nhượng quyền này làm cho chủ thể của loại hợp đồng này cũng khác với các hợp đồng khác. Bên nhận quyền thứ hai là bên nhận lại quyền kinh doanh thương mại của bên nhượng quyền từ bên nhận quyền thứ nhất. Trong trường hợp này, các bên lại phải có những thoả thuận, phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, nhất là bên nhượng quyền. Như vậy, dưới góc độ pháp luật, bên nhượng quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả bên nhượng quyền thứ nhất và bên nhượng lại quyền. Bên nhận quyền là thương nhân nhận quyền thương mại để khai thác, kinh doanh, bao gồm cả bên nhận quyền thứ nhất (bên nhận quyền sơ cấp) và bên nhận quyền thứ hai (bên nhận quyền thứ cấp).

Đối với Việt Nam, pháp luật thương mại cũng đã ghi nhận các đối tượng có thể trở thành chủ thể của một quan hệ nhượng quyền thương mại, bao gồm: bên nhượng quyền, bên nhận quyền, bên nhượng quyền thứ cấp, bên nhận quyền sơ cấp và bên nhận quyền thứ cấp (Khoản 1,2,3,4,5 Điều 3 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP). Theo đó, hoạt động nhượng quyền thương mại có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ở hình thức cơ bản nhất, tồn tại các bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, ở hình thức phức tạp hơn, các bên nhận quyền sơ cấp được thực hiện việc nhượng lại quyền thương mại cho các bên nhận quyền thứ cấp và trở thành bên nhượng quyền thứ cấp. Quy định này đáp ứng được tính đa dạng với nhiều biến thể mà hoạt động nhượng quyền thương mại chứa đựng.

Pháp luật thương mại Việt Nam không quy định điều kiện bắt buộc về hình thức tồn tại cho bên nhận quyền. Điều này có phần phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bởi trên thực tế, hầu hết các “quyền thương mại” được nhượng quyền tại nước ta chủ yếu chỉ được thiết lập dưới các dạng nhà hàng, quán ăn nhanh với quy mô tương đối nhỏ hẹp, nằm trong khả năng có thể điều khiển được của hộ kinh doanh cá thể.

Việt Nam quan tâm đến hầu hết các mặt liên quan của quan hệ nhượng quyền

thương mại. Điều 285 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam quy định: “Hợp đồng

nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác

có giá trị pháp lý tương đương”. Trong đó, các hình thức có giá trị tương đương

văn bảnbao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo

quyđịnh của pháp luật. Sự phức tạp của hoạt động này đã đặt pháp luật trước một

nghĩa vụ là bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của các thương nhân. Đối với mỗi quốc gia khác nhau, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các chủ thể của quan hệ nhượng quyền thương mại có thể cùng nhau thoả thuận và quyết định hợp đồng nhượng quyền được thể hiện dưới hình thức văn bản, lời nói hoặc bằng một thoả thuận ngầm định giữa các bên nào đó mà không nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài. Quy định về hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại của Luật Thương mại hiện hành cũng góp phần thể hiện tính đa dạng đó. Mặc dù do sự tác động của tính chất mới mẻ cũng như sự biến thể khá phức tạp của hoạt động nhượng quyền thương mại ảnh hưởng rất nhiều đến sự cẩn trọng của Nhà nước thể hiện trong các

quy định pháp luật liên quan nhưng những quy định có tính chất mở, ví dụ như cởi mở hơn về mặt hình thức của hợp đồng, cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của một hoạt động thương mại mới mẻ ở Việt Nam như hoạt động nhượng quyền thương mại.

Về nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại, không thể không nói tới đối tượng của hợp đồng loại này. Đây là lợi ích mà các bên trong quan hệ nhượng quyền đều hướng tới, đó chính là “quyền thương mại” (bao gồm: tên thương mại, công nghệ, bí quyết kinh doanh, quy trình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hoá, tài liệu hướng dẫn...) mà các bên thoả thuận trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Ở các nước khác nhau, với cái nhìn không đồng nhất về hoạt động nhượng quyền thương mại, “quyền thương mại” mà một thương nhân có thể đem nhượng cho một thương nhân khác có nội dung rộng, hẹp khác nhau. Xu hướng phát triển của thương mại quốc tế chỉ ra rằng, đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ ngày càng được mở rộng trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày một sôi động. Lúc đó “quyền thương mại” không chỉ là một phép cộng đơn giản của các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ mà cao hơn, đó là sự kết hợp toàn diện tất cả các yếu tố ấy trong một thể thống nhất không phân tách. Có thể thấy rằng, cách hiểu như trên về đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại mới nói lên được bản chất của quan hệ thương mại đặc biệt này. Bởi xem xét cho đến cùng, hoạt động nhượng quyền thương mại mang đặc trưng chính là sự chia sẻ quyền khai thác trên cùng một tên thương mại, tạo nên một hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ đồng bộ giữa các thương nhân với những tư cách pháp lý độc lập và hoàn toàn khác biệt. Xuất phát từ bản chất đó, khi giao kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên cần thiết phải cân nhắc những yếu tố sẽ được nhắc đến và kết hợp trong “quyền thương mại”. Bên cạnh đó, dưới góc độ pháp lý, pháp luật sẽ hỗ trợ các bên trong việc làm sáng tỏ hơn về tính kết hợp của các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm theo pháp luật việt nam hiện nay (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)