VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
3.1.Thực tiễn nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam tại Việt Nam
3.1.1. Quá trình phát triển nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh
thực phẩm tại Việt Nam
Lịch sử của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam bắt nguồn từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu (gas station) của Mỹ như Mobil, Exxon (Esso), Shell. Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 khi các công ty nước ngoài đã cho phép công ty trong nước tiêu thụ các sản phẩm của họ kèm với sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn và thương hiệu. Có thể kể đến như các thương hiệu: rượu Bordeaux của Pháp, sau đó, vào những năm 1996, bắt đầu với sự tham gia của các tên tuổi quốc tế, trong ngành chế biến thức ăn nhanh và nước giải khát như Five Star Chicken, Texas Chicken, Carvel, Baskin Robbins (Mỹ), Jollibee (Philippines), Burger Khan (Hàn Quốc). Như vậy, có thể thấy hoạt động nhượng quyền thương mại đã xuất hiện ở Việt Nam từ sớm. Tuy nhiên, hình thức nhượng quyền lúc này chưa tạo sự chú ý, trước năm 1976 đều là nhượng quyền phân phối sản phẩm và chỉ bó hẹp trong một số lĩnh vực như thực phẩm.
Cùng với xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đã gia nhập APEC và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đi cùng hội nhập là nhiều vấn đề kinh tế nảy sinh, đòi hỏi phải nghiên cứu giải quyết, trong đó nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam. Kể từ năm 2006, nhượng quyền thương mại chính thức được luật hoá và công nhận. Luật Thương mại 2005 đã dành nguyên Mục 8 Chương VI để quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, đến ngày 25/5/2006 thì Bộ Thương mại (nay
là Bộ Công thương) ban hành Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Nghị định số 35/2006/NĐ-CP cũng được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 120/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Nghị định 08/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Đây chính là những căn cứ pháp lý cơ bản nhất, tương đối đầy đủ để điều chỉnh và tạo điều kiện cho nhượng quyền thương mại phát triển tại Việt Nam.
Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có hàng nghìn hệ thống kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại, trong khi tại Việt Nam có chưa đến 300 hệ thống đang hoạt động. Là một đất nước có nền kinh tế tăng trưởng cao suốt 5 năm năm qua, GDP bình quân 7,5%/năm, không có xung đột về tôn giáo, chính trị; một thị trường tiềm năng với dân số 84 triệu người, trong đó 70% số dân độ tuổi dưới 30, đa số thích mua sắm, tiêu dùng.
Theo khảo sát của Tổng cục thống kê gần đây trong lĩnh vực tiêu dùng cho thấy, có 90% người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông qua thương hiệu và theo số liệu của Hội đồng nhượng quyền thương mại thế giới – WFC, năm 2006 VN được xếp là thị trường bán lẻ đứng thứ ba thế giới với sức mua khoảng 21 tỷ USD, có trên 70 hệ thống nhượng quyền đang họat động với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 15 – 20%. Đây là xu hướng và cũng là cơ hội cho những DNVVN muốn thử sức bằng các hình thức nhượng quyền. Những năm gần đây, hình thức nhượng quyền thương mại không còn xa lạ và trở thành vấn đề gây chú ý đối với các DNVVN. Nhìn một cách tổng quan, hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam đã khởi sắc, hứa hẹn một thị trường đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các thương hiệu nhượng quyền trong nước nổi tiếng như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô, Vissan đã xuất hiện các thương hiệu mới như chuỗi cửa hàng G7, Nước mía siêu sạch…
3.1.2. Sự xâm nhập của các nhà nhượng quyền nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm vào thị trường Việt Nam
Ngoài những thương hiệu trong nước, các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài cũng tham gia thị trường nhượng quyền tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee đã chuyển nhượng thành công tại TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt sau hội nhập, nhượng quyền thương mại đang nóng lên từng ngày, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Mc Donald’s, cà phê Starbucks, cửa hàng tiện lợi Seven - Eleven, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ – WalMart… xâm nhập thị trường.
Hoạt động nhượng quyền kinh doanh bắt đầu ở Việt Nam vào giữa những năm 1990 và tăng trưởng rất mạnh trong một vài năm gần đây. Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2007 đến năm 2019, Việt Nam đã cấp phép cho 235 doanh nghiệp nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn như: Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Pizza Hut, Burger King (Singapore), McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Các lĩnh vực nhận nhượng quyền thương mại từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là kinh doanh thực phẩm chiếm 41,31%; cửa hàng bán lẻ hàng hóa tiêu dùng chiếm 15,49%; giáo dục - đào tạo chiếm 11,47%; thời trang chiếm 14,08% [41].
Khởi nguồn của hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam được đánh dấu trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm với các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới như KFC, Lotteria, Jollibee. Cho đến ngày nay, sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động này tại Việt Nam cũng được thể hiện rõ nét nhất trong ngành này. Có thể dễ dàng nhận thấy đa phần các hệ thống nhượng quyền trên thị trường Việt Nam hiện nay đều thuộc lĩnh vực thực phẩm. Do hoạt động nhượng quyền thương mại vẫn còn khá mới Việt Nam nên chưa có số liệu thống kê cụ thể trong từng hoạt động, lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đề tài này, tác giả đã tiến hành thu thập, chọn lọc và tổng hợp các nguồn thông tin khác nhau để có được số liệu về một số hệ thống nhượng quyền tiêu biểu trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam hiện nay (Bảng 2.1).
Bảng 3.1: Các hệ thống nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam tại thời điểm 01/01/2020
Thương hiệu Xuất xứ Sản phẩm
Năm bắt đầu nhượng quyền
tại Việt Nam
Số cửa hàng tại Việt Nam
KFC Mỹ Đồ ăn nhanh 1997 140
Lotteria Hàn Quốc Đồ ăn nhanh 1998 210
Jollibee Philipines Đồ ăn nhanh 2005 100
Highlands Coffee Việt Nam Cà phê 2002 300
Pizza Hut Mỹ Đồ ăn nhanh 2007 40
Burger King Singapore Đồ ăn nhanh 2011 20
Mc Donald’s Mỹ Đồ ăn nhanh 2013 23
*Nguồn: Tác giả tự thống kê
Các tập đoàn nước ngoài, đa số thuộc lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, đã và đang ồ ạt vào nước ta đầu tư, mở rộng kinh doanh qua nhượng quyền thương mại. Sự kiện Burger King, tập đoàn thức ăn nhanh (fastfood) của Mỹ, khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Phạm Hồng Thái, Quận 1, TPHCM và mở thêm một số cửa hàng tại thành phố đã làm nóng cuộc cạnh tranh trên thị trường thực phẩm, phân khúc thức ăn nhanh.
Các tập đoàn thức ăn nhanh nổi tiếng nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Có thể điểm qua là thương hiệu Lotteria thuộc Tập đoàn Lotteria của Hàn Quốc, KFC, Pizza Hut thuộc tập đoàn Yum! của Mỹ. Tiếp đó là các tập đoàn như người khổng lồ McDonald’s của Mỹ, tập đoàn Psta Fresca Da Salvatore kinh doanh thực phẩm truyền thống Ý. Thêm vào đó, các nhà kinh doanh thực phẩm của Singapore như Cavana, Koufu đang bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam....
Subway, thương hiệu thức ăn nhanh lớn thứ 2 thế giới sau McDonald’s (Mỹ), đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam (từ tháng 02/2011) theo chân các thương hiệu lớn như KFC, Lotteria, Jollibee. Thương hiệu này chuyên cung cấp các sản phẩm bánh mì kẹp thịt, còn hợp tác với PepsiCo về thức uống. Định hướng phát triển của Subway là mở chuỗi 50 nhà hàng tại Việt Nam đến năm 2015, có thể dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Thêm đó, nhãn hiệu kem lớn nhất thế giới
Baskin – Robbins đánh dấu sự gia nhập thị trường Việt Nam với ba cửa hàng đầu tiên khai trương tại TPHCM, thông qua đối tác độc quyền là Blue Star Food. KFC (Mỹ) cũng tăng khoảng 100 nhà hàng trong năm 2011 từ 90 nhà hàng hiện có, với mục tiêu nhân đôi con số năm 2015. Chuỗi cửa hàng này đang chiếm 60% thị phần thức ăn nhanh tại Việt Nam và có vị trí đẹp ở các đường phố lớn trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Dù phần lớn nhà hàng hiện có của KFC và Lotteria là tự đầu tư, nhưng với kế hoạch mở rộng, các thương hiệu này cho biết sẽ bắt đầu thực hiện nhượng quyền. Thương hiệu Pizza Hut của Yum Brands cũng có mặt tại Việt Nam năm 2007, bao gồm cả dịch vụ Pizza Hut Delivery chuyên giao bánh tận nơi.
3.1.3. Nhượng quyền thương mại trong nội bộ lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam
ra thế giới
Trung Nguyên có thể coi là nhà tiên phong tại Việt Nam áp dụng hình thức nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sau khi mở 3 quán cà phê nhượng quyền tại Singapore. Cho đến nay, doanh nghiệp này không những đã mở rộng chuỗi cửa hàng của mình trên khắp cả nước mà còn mở rộng sang một số nước như: Nhật, Thái Lan, Trung Quốc.
Sau Trung Nguyên, Phở 24 cũng là doanh nghiệp biết tận dụng tối đa hình thức nhượng quyền thương mại và được coi là 1 trong những doanh nghiệp nhượng quyền thành công nhất tại Việt Nam. Phở 24 mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2003, chưa đầy 03 năm, Phở 24 đã có trên 20 cửa hàng phở nhượng quyền trong khắp cả nước. Đặc biệt, trong năm 2006, Phở 24 đã tiến hành nhượng quyền sang Phillipine và Indonesia. Đến tháng 06/2010, Phở 24 đã mở được 57 cửa hàng trong nước: tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương, và 16 cửa hàng ngoài nước như Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Seoul (Hàn Quốc), Phnom Penh (Campuchia), Úc, Hồng Kông. Thời gian tới, Phở 24 dự định mở thêm cửa hàng ở một số thành phố chính của Việt Nam cũng như nước ngoài, nơi có đông dân cư người châu Á và đặt mục tiêu đạt tổng số 200 cửa hàng vào năm 2012. Phở 24 tuy không phải là người đi tiên phong trong hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại nước ta nhưng Phở 24 lại là mô hình nhượng quyền được coi thành công nhất trong số các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực này.
Cũng trong lĩnh vực thực phẩm, Wrap & Roll, chuỗi nhà hàng cuốn Việt Nam với xấp xỉ 10 nhà hàng (không theo hình thức nhượng quyền), đang tìm kiếm đối tác tại Úc để tiến hành nhượng quyền thương hiệu ở quốc gia này. Bên cạnh các thương hiệu nói trên, có thể kể đến Kinh Đô bakery... Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển mới mẻ của hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam.
Đối với nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm gần đây là thương hiệu cà phê Cộng của công ty TNHH Cộng cà phê nhượng quyền chính thức mở cửa hàng tại Seoul, Hàn Quốc. Cộng cà phê được thành lập vào năm 2007, xuất phát là một quán cà phê nhỏ trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Quan được thiết kế theo phong cách cổ xưa lấy cảm hứng từ Việt Nam thời bao cấp. Sau hơn 10 năm phát triển, hiện Cộng cà phê đã có hơn 50 cửa hàng trên khắp toàn quốc. Bước đánh dấu sự thành công mạnh mẽ của hệ thống cà phê Cộng là vào tháng 7 năm 2018 Cà phê Cộng chính thức được nhượng quyền ra nước ngoài, mở cửa hàng đầu tiên tại Seoul, Hàn Quốc.
Có thể thấy, thị trường nhượng quyền đối với các tương hiệu nội địa cũng là một thị trường vô cùng tiềm năng, có những thương hiệu đã thành công nhưng cũng có không ít các thương hiệu những tưởng sẽ thành công lớn nhưng lại thất bại. Hoạt động nhượng quyền thương mại đối với dịch vụ ăn uống tại Việt Nam mới bước đầu phát triển. Đối với các doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền như Trung Nguyên gặp những khó khăn đáng kể khi là đầu tàu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền, hệ thống pháp luật khi đó lại chưa đề cập nhiều, chưa được hướng dẫn chi tiết để thực hiện hợp đồng cho hoạt động nhượng quyền, lại không có những mẫu gương các doanh nghiệp đi trước, đòi hỏi các doanh nghiệp vừa làm vừa tìm tòi học hỏi. Cho đến nay, có khá nhiều các doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực nhượng quyền thương mại, kinh nghiệm và những tấm gương đi trước cũng nhiều hơn, hệ thống pháp luật cũng đầy đủ, chi tiết hơn trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
3.1.4. Một số đánh giá về thực tiễn hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam
3.1.4.1. Thành tựu của nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam
Sau gần 15 năm hoạt động nhượng quyền phát triển ở Việt Nam cũng đã có những thành tựu nhất định, dù chưa thật sự nổi bật và Việt Nam là một đất nước tiềm năng cho hoạt động nhượng quyền phát triển. Trong đó hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đóng vai trò khá lớn so với các ngành nghề khác. Một số thành tựu mà hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đạt được như:
Thứ nhất, đã xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống nhượng quyền, đặc biệt là các hệ thống này hầu hết đều ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ do điều kiện phát triển kinh tế và môi trường xã hội của những thành phố này. Chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, hoạt động nhượng quyền ngày càng trở thành một khái niệm quen thuộc với doanh nghiệp như: Phở 24 (Nam An Group), KFC, Pizza Hut, Lotteria, cà phê Trung Nguyên, Kinh Đô Bakery, Gloria Jeans Coffees…Đáng lưu ý là các hệ thống nhượng quyền thương mại phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây có sự góp mặt rất ấn tượng của các hệ thống nhượng quyền như Phở 24, Kinh Đô Bakery, ngoài ra còn có những thương hiệu bên cạnh nước ngoài đã, đang xây dựng và bắt đầu nhượng quyền như Nước mía siêu sạch, cà phê Passio (Take away). Điều đó rõ ràng thể hiện sự quan tâm của các thương nhân trong nước đến mô hình kinh doanh này. Một số các hệ thống của Việt Nam đã “lấn sân” sang thị trường nước ngoài khá thành công như Phở 24 đã mở ở Malaysia, Philippine, Úc, Hàn Quốc còn Trung Nguyên cũng đã mở ở Mỹ, Nhật Bản, Úc. Các hệ thống nhượng quyền trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm của thương hiệu nước ngoài thông qua công ty liên doanh hay công ty trong nước cũng gia tăng, ngoài ra là sự tìm hiểu, chuẩn bị cho hoạt động xâm nhập vào thị trường cho thấy Việt Nam có rất nhiều ưu điểm và thu hút nhiều mối quan tâm của các hệ thống nhượng quyền nước ngoài.
Thứ hai, các hệ thống nhượng quyền ở Việt Nam đều hoạt động khá thành công với tỷ lệ cao và đều tiếp tục ký hợp đồng nhượng quyền sau khi kết thúc hợp đồng. Chẳng hạn hơn 90% các quán cà phê Trung Nguyên đều tiếp tục kinh doanh nhượng quyền sau khi hết hạn hợp đồng. Doanh thu của hoạt động nhượng quyền từ đó mà tăng lên rất nhiều so với những năm 1999 - 2000 thời điểm nhượng quyền