7. Kết cấu của luận văn
2.4.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, hệ thống pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Hiện nay hệ thống pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực nhìn chung có nhiều hạn chế, chưa thống nhất và đồng bộ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động người dân cũng như hoạt động kiểm soát TTHC. Số lượng TTHC nhiều, không ổn định và thường xuyên thay đổi. Nhiều TTHC vẫn còn rườm rà, phức tạp, chưa hợp lý, văn bản quy định về TTHC thường xuyên thay đổi, dẫn đến việc cập nhật, công bố TTHC gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra hiện nay hệ thống pháp luật quy định liên quan đến kiểm soát TTHC cũng có những hạn chế nhất định. Chính phủ ban hành các văn bản quy định về kiểm soát TTHC, tuy nhiên các quy định hiện nay cũng chưa cụ thể. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chưa có quy định về cơ chế phối hợp trong việc công khai, niêm yết, báo cáo tình hình kết quả công tác kiểm soát TTHC; quy chế hoạt động của hệ thống cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC và cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC trong thực hiện kiểm soát TTHC, chưa có chính sách khen thưởng hợp lý cho các cá nhân khi tham gia kiểm soát TTHC. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ tạo động lực cho cán bộ công chức có liên quan đến việc thực hiện kiểm soát TTHC nhưng những chính sách đó chưa tạo ra sức hút tạo sự chuyển biến trong cán bộ công chức, chưa phù hợp và xứng đáng với công việc mà cán bộ, công chức phải đảm nhiệm.
Chế tài xử lý các trường hợp vi phạm trong thực hiện kiểm soát TTHC tại cơ quan, đơn vị chưa thật sự nghiêm minh, thiếu tính răng đe. Xử lý đối với những trường hợp phạm lỗi của CBCC sẽ là bài học để những CBCC sau không mắc phải những sai phạm trước, nhưng hiện nay những trường hợp xảy ra vi phạm thì phần lớn chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, hạ bậc lương, cắt giảm tiền khen thưởng nên chưa góp phần khắc phục các trường hợp vi phạm trong việc thực hiện kiểm soát TTHC đặc biệt là những trường hợp hồ sơ trễ hạn nhiều và những trường hợp có nhiều PAKN về giải quyết TTHC, thái độ của CBCC khi thực hiện TTHC. Sự thay đổi liên tục của các VBQPPL quy định về TTHC. Mẫu, biểu báo cáo về kiểm soát TTHC quá nhiều, nội dung các biểu mẫu có nhiều thông tin phức tạp. Về phía Trung ương thì hệ thống văn bản pháp luật có quy định nội dung liên quan TTHC thay đổi thường xuyên; việc cập nhật, ban hành sửa đổi TTHC của Bộ, ngành Trung ương rất chậm và sơ sài, dẫn đến
rất khó khăn cho địa phương căn cứ thực hiện rà soát, cập nhật sửa đổi, bổ sung công bố lại Bộ TTHC theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp và Quy chế phối hợp công bố của UBND tỉnh.
Thứ hai, nhận thức của lãnh đạo và CBCC về vai trò của kiểm soát TTHC chưacao. Lãnh đạo của một số phòng ban của các đơn vị chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thực sự dành sự quan tâm thỏa đáng, quyết tâm chính trị chưa cao và kiên quyết trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự dành tâm quyết trong việc triển khai thực hiện. Về tầm quan trọng, ý nghĩa của cải cách TTHC, kiểm soát TTHC chưa được hiểu rõ đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo đối với CBCC đầu mối trong thực hiện hoạt động này. Lãnh đạo nhiều phòng ban, đơn vị xem nhiệm vụ cải cách TTHC, kiểm soát TTHC là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và CBCC đầu mối, làm cho tình trạng CBCC đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC mang tính hình thức, đối phó dẫn đến chất lượng thực hiện kiểm soát TTHC chưa cao.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBCC đầu mối phụ trách kiểm soát TTHC, nhất là CBCC ở cấp cơ sở, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kiểm soát TTHC. Thực tế hầu hết các CBCC đều đã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát TTHC tuy nhiên chất lượng chưa cao. Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của công chức còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới, tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao. Kiểm soát TTHC là công việc mới, khó khăn và nhiều thách thức.
Về cơ bản, đại bộ phận nhân dân trong xã hội thấy được sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC nói riêng, cải cách hành chính nói chung đối với sự phát triển bền vững về chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước; nhưng bên cạnh đó, vẫn không ít người e ngại, hồ nghi về mức độ hoàn thành của hoạt động kiểm soát TTHC. Mặc dù UBND tỉnh đã tạo công cụ và khuyến khích Nhân dân và các cơ quan, tổ chức cùng tham gia “chung tay cải cách TTHC” thông qua việc giám sát, cung cấp PAKN về quy định hành chính, TTHC; tham gia góp ý kiến về TTHC; hiến kế cải cách TTHC để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý nhưng đến nay kết quả hiến kế cải cách không nhiều. Hầu hết mọi cá nhân, tổ chức đều cho rằng mình chỉ có nghĩa vụ thực hiện theo quy định của Nhà nước mà không biết rằng mọi
cá nhân, tổ chức đều có quyền PAKN về quy định hành chính, TTHC trong đó có cả việc PAKN về các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết TTHC của công chức ngoài ra còn có quyền giám sát việc giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước do vậy khi các cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC có thực hiện niêm yết công khai TTHC đầy đủ, đúng yêu cầu hay không đều không có bất cứ phản ứng nào của các đối tượng thực hiện TTHC.
Thứ ba, các nguồn lực phục vụ cho công tác kiểm soát TTHC còn hạn chế Nguồn tài chính, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác kiểm soát TTHC chưa đáp ứng được yêu cầu của để thực hiện kiểm soát TTHC. Hiện nay, đã có những chính sách hỗ trợ cho đội ngũ CBCC, tuy nhiên chế độ, chính sách hỗ trợ hiện nay còn chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu của đội ngũ CBCC. Ngân sách dành cho hoạt động kiểm soát TTHC của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế, không có sự cân đối trong các khoản chi cho hoạt động của UBND tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin của các đơn vị tuy đã được đầu tư nhưng chưa đúng mức. Hệ thống thiết bị cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, hệ thống mạng internet tại cơ quan kết nối chưa cao vẫn xảy ra sự cố ảnh hưởng đến trao đổi liên lạc giữa các cơ quan với nhau. Cơ sở vật chất còn hạn chế thì khó cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội khi mà xã hội ngày càng phát triển các thiết bị điện tử ứng dụng công nghệ thông tin càng phải cao. Do khó khăn về kinh phí nên việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm soát TTHC của tỉnh Đắk Lắk còn chậm so với kế hoạch, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện công việc của đội ngũ cán bộ.
Thứ tư, Hoạt động kiểm tra, xử lý sau kiểm tra về kiểm soát TTHC hiện nay vẫn chưa được xem trọng, thực tế vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa đồng đều, thậm chí là chưa được thực hiện nghiêm túc còn nể nang và mang tính hình thức vẫn đang diễn ra hiện nay. Đồng thời, việc xử lý kết quả kiểm tra cũng như việc theo dõi, giám sát quá trình xử lý kết quả kiểm tra khi phát hiện có vi phạm pháp luật của CBCC trong thực hiện, giải quyết TTHC chưa được bảo đảm thực hiện. Thực tế cho thấy, tại nhiều đơn vị được kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, đề nghị khắc phục các hạn chế, yếu kém, tuy nhiên, khi đơn vị được phúc tra lại thì những hạn chế, yếu kém trước đây chỉ được khắc phục một phần hoặc khắc phục mang tính đối phó với Đoàn đến phúc
tra. Việc xử lý không nghiêm minh các trường hợp vi phạm đã làm cho những hạn chế trong thực hiện kiểm soát TTHC vẫn tồn tại.
Thứ năm, phần mềm quản lý đánh giá về kiểm soát TTHC còn bất cập trong quátrình thực hiện. Đăng nhập vào hệ thống còn bị lỗi. Mặc dù phần mềm có nhiều ưu điểm nhưng do phần mềm còn mới, chưa được hoàn chỉnh nên còn nhiều bất cập dẫn đến mất nhiều thời gian cho cán bộ, công chức.
Tiểu kết chương 2
Trong phạm vi chương 2, luận văn đã trình bày khái quát các quy định pháp luật về kiểm soát TTHC, cũng như đánh giá thực tiễn thực hiện các mặt công tác kiểm soát TTHC của UBND tỉnh Đắk Lắk trong thời gian vừa qua. Trong quá trình đánh giá, bên cạnh yếu tố lí luận, luận văn đã chú trọng sử dụng các số liệu minh họa từ thực tiễn từ các Báo cáo kết quả cải cách hành chính hàng năm của UBND tỉnh Đắk Lắk, và các ví dụ thực tế từ cơ sở.
Trên cơ sở đó, luận văn đã chỉ ra những thành tựu đạt được, và những hạn chế còn tồn tại, cũng như xác định nguyên nhân của những hạn chế đó, để có phương hướng đưa ra những sửa đổi, kiến nghị trong Chương 3.
CHƯƠNG 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK