Nguyên tắc giao kết hợp đồng chuyển nhượng nhà ở

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng chuyển nhượng nhà ở theo pháp luật việt nam hiện nay, từ thực tiễn quận 1, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 28)

- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội

Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 ưu tiên đề cao tự do ý chí trên cơ sở các nguyên tắc chung điều chỉnh cho tất cả các giao dịch dân sự, bên cạnh đó có các quy định của pháp luật chuyên ngành [9, Tr.11-15]. Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng: "Cá nhân,

pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng". Bộ luật Dân sự xác định nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giao kết hợp đồng trên cơ sở các chủ thể thoả mãn nhu cầu thực tế vật chất cũng như tinh thần. Dựa trên nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện về chủ thể đều có quyền tự do thỏa thuận và ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay với sự đan xen phức tạp giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, tự do ý chí dường như không giải quyết ổn thỏa một số giao dịch mà đời sống thực tiễn đặt ra. Vì lẽ đó, tự do ý chí bị hạn chế bởi công cụ pháp luật hay nói cách khác trong tự do ý chí có giới hạn của tự do ý chí. Tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng không có nghĩa là tự do tuyệt đối mà được giải thích phù hợp với hoàn cảnh. Lợi ích của cộng đồng, của toàn xã hội hay nói đúng hơn chế độ điều hành của nhà nước là yếu tố ràng buộc sự tự do ý chí của các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng , các yếu tố này được quy định bởi pháp luật và đạo đức xã hội.

Hợp đồng chuyển nhượng nhà ở là một dạng của hợp đồng dân sự, do đó nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo

đức xã hội. Nguyên tắc này sẽ chi phối mục đích, đối tượng và nội dung của hợp đồng mà các bên thỏa thuận.

-Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng

Khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc: "Cá nhân,

pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực". Nguyên tắc này được đặt ra để nhằm bảo đảm tính trung thực trong việc giao kết hợp đồng, các bên liên quan không ai bị cưỡng ép , không thực hiện đúng với ý chí của mình; đồng thời nêu bật thực chất của quan hệ pháp luật dân sự. Chính vì vậy, tùy theo trình độ phát triển xã hội và sự điều hành của nhà nước mà pháp luật không thừa nhận những hợp đồng chuyển nhượng được giao kết thiếu sự bình đẳng và ý chí tự nguyện của một hoặc bất kỳ chủ thể nào liên quan trong hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đánh giá một hợp đồng bảo đảm ý chí tự nguyện của các bên liên quan là một công việc khá phức tạp bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Nhà ở luôn là tài sản quan trọng với mỗi cá nhân và gia đình, có giá trị lớn nên trong thực tiễn không ít trường hợp các bên không trung thực trong cung cấp thông tin, thậm chí có ý định lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch chuyển nhượng nhà ở. Việc này đã khiến cho các bên dễ gặp rủi ro nếu một bên không thiện chí giải quyết các vấn đề phát sinh. Chính vì lẽ đó, nguyên tắc này có tầm quan trọng đặc biệt để bảo đảm quyền lợi của các bên, góp phần tạo sự ổn định, trật tự của các giao dịch chuyển nhượng nhà ở trong thực tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng chuyển nhượng nhà ở theo pháp luật việt nam hiện nay, từ thực tiễn quận 1, thành phố hồ chí minh (Trang 27 - 28)