Các nguyên tắc đề xuất biện pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường tiểu học quận thanh xuân, thành phố hà nội (Trang 77 - 78)

Nguyên tắc là những luận điểm cơ bản, những quy tắc chuẩn, có tính quy luật của lí luận. Để đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường Tiểu học quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, tác giả dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản sau:

3.2.1. Nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu

Mục tiêu giáo dục là đích cuối cùng mà hoạt động giáo dục và hoạt động quản lý giáo dục đều hướng tới. Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy- học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2010, định hướng đến năm 2025” đã xác định rõ mục tiêu chung của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo: “Tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý giáo dục và đào tạo ở trung ương và các địa phương; đổi mới nội dung, phương pháp dạy- học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.” [09, tr.02]

Như vậy, các biện pháp được đề xuất vừa dựa trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng quản lý hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học tại các trường Tiểu học quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội song cũng phải hướng tới mục tiêu chung về ứng dụng CNTT của ngành giáo dục.

3.2.2. Nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ và hệ thống

Mỗi biện pháp quản lý khó có thể cùng lúc tác động tới nhiều yếu tố trong hệ thống các hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học tại các trường Tiểu học. Các biện pháp quản lý đề xuất phải đảm bảo sự thống nhất, gắn với các khâu của quá trình dạy học, được tổ chức hợp lý sao cho có tác động đồng bộ đến các thành tố của quá trình dạy học. Đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, tác động đến các lực lượng tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT, tác động vào các khâu, các yếu tố của quá trình ứng dụng CNTT trong dạy học nhằm phát huy tốt nhất ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố đó.

3.2.3. Nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa

Kế thừa là sự tiếp nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Xây dựng các biện pháp quản lý cần đảm bảo có sự tiếp nối giữa những biện pháp đang thực hiện và những biện pháp đang được xây dựng, đề xuất. Khi xây dựng biện pháp mới cần có sự đánh giá để nắm chắc những ưu điểm, nhược điểm của biện pháp cũ, căn cứ với thực tiễn để đề xuất nội dung mới phù hợp, hiệu quả nhất.

3.2.4. Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn và khả thi

Nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp đưa ra cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, các nguồn lực của nhà trường, trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học, thực hiện đúng các hướng dẫn của ngành về dụng CNTT. Các biện pháp phải được kiểm chứng, có căn cứ khách quan, có khả năng thực hiện cao đảm bảo sự phát triển ổn định của nhà trường, trong quá trình thực hiện tiếp tục được điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Tóm lại các biện pháp được xây dựng phải phù hợp thực tiễn, hợp với quy luật và xu thế phát triển chung để đảm bảo tính khả thi và đem lại hiệu quả cao khi tiến hành triển khai thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường tiểu học quận thanh xuân, thành phố hà nội (Trang 77 - 78)