Các biện pháp quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường tiểu học quận thanh xuân, thành phố hà nội (Trang 78 - 87)

dạy học tại các trường Tiểu học quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

3.3.1. Biện pháp 1: Nâng cao năng lực khai thác nguồn tài nguyên giáo dục, học

liệu điện tử, thư viện điện tử qua website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho đội ngũ giáo viên

a. Mục đích của biện pháp

Nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có năng lực về CNTT, chủ động, tích cực khai thác nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử từ các website của ngành giáo dục và đào tạo, phục vụ cho công tác chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy trên lớp một cách có hiệu quả.

b. Nội dung của biện pháp

Hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên nắm được địa chỉ một số trang website của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Hà Nộivới những nội dung được kiểm duyệt, hữu ích đối với Tiểu học.

Hiệu trưởng tổ chức hướng dẫn giáo viên cách khai thác nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử, thư viện điện tử qua địa chỉ website của Bộ GD&ĐT:

http://edu.net; của ngành GD&ĐT Hà Nội tại địa chỉ: http://e-learning.hanoi.edu.vn

Hiệu trưởng khuyến khích giáo viên thường xuyên chủ động khai thác, lựa chọn thông tin từ các trang website của ngành GD&ĐT phục vụ cho việc thiết kế giáo án, làm giàu kho học liệu, sử dụng trong quá trình giảng dạy trên lớp hoặc tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

c. Cách thức tiến hành, điều kiện thực hiện

Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kĩ năng CNTT cho đội ngũ giáo viên, xác định một trong những nội dung quan trọng là nâng cao năng lực khai thác nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử, thư viện điện tử qua website của ngành. Hiệu trưởng tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc lựa chọn các thông tin trên mạng Internet, giới thiệu các địa chỉ trang website của ngành GD&ĐT, các trang website được kiểm duyệt về nội dung để khai thác, tìm kiếm thông tin phục vụ cho công tác soạn, giảng, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiệu trưởng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cách tìm kiếm, khai thác thông tin trên các website của ngành GD&ĐT để giáo viên tìm nhanh, đúng các tư liệu mong muốn. Hướng dẫn giáo viên cách tìm kiếm tư liệu theo từng nhóm: bài viết, tranh ảnh, clip, bài giảng trình chiếu, bài giảng E-learning, phần mềm phục vụ soạn giảng, biên tập tư liệu, phần mềm phục vụ dạy học các môn hay các văn bản chỉ đạo về các hoạt động dạy học và giáo dục, văn bản liên quan đến nhà giáo…

Hiệu trưởng tổ chức đa dạng hóa các hình thức tập huấn như: Mời giảng viên tập huấn theo nhóm, thông qua sinh hoạt chuyên môn theo khối, liên khối, hội thảo, chuyên đề để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm khai thác thông tin từ các website.

Hiệu trưởng tổ chức sử dụng website của nhà trường để chia sẻ đường link tới những thông tin mới, hay, bổ ích từ các website của ngành để tạo thói quen tra cứu thông tin từ các website này cho giáo viên từ đó từng bước chủ động và nâng cao năng lực khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống phục vụ công tác chuyên môn.

Để tiến hành thực hiện những nội dung biện pháp nêu trên Hiệu trưởng nhà trường cần đảm bảo một số điều kiện sau:

Cán bộ quản lý cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, xu thế của việc ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý, coi đây là một trong những mục tiêu cốt lõi của chiến lược phát triển nhà trường. Xác định rõ nhiệm vụ bồi dưỡng kĩ năng CNTT cho giáo viên theo từng giai đoạn cụ thể trong đó có việc nâng cao năng lực khai thác tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử, thư viện điện tử cho giáo viên.

Xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt về CNTT ở các tổ khối để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm kịp thời cho đồng nghiệp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT. Thành lập tổ CNTT do một Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách, các thành viên gồm: Giáo viên Tin học và một số giáo viên nòng cốt về CNTT; định kì tổ chức các hoạt động tự bồi dưỡng về CNTT trong nhà trường; quản lý tin bài đăng trên website; chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong dạy học qua các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Đảm bảo đường truyền kết nối mạng internet tới 100% các lớp học, thư viện, phòng ban. Trang bị đủ máy tính cho giáo viên phục vụ công tác giảng dạy, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy tính, máy chiếu, các thiết bị phục vụ việc ứng dụng CNTT trong dạy học.

3.3.2. Biện pháp 2: Tổ chức cho giáo viên sử dụng trang “Trường học kết nối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo phục vụ trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học

a. Mục đích của biện pháp

Đa dạng hóa các hình thức học tập, phát triển năng lực ứng dụng CNTT trong việc tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên thông qua việc sử dụng mạng thông tin trực tuyến - trang “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT.

b. Nội dung của biện pháp

Hiệu trưởng tổ chức giới thiệu thông tin về trang “Trường học kết nối” tại địa chỉ website: http://truonghocketnoi.edu.vn với các phân hệ: Thông tin; kho học liệu; tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn; tổ chức và quản lý các cuộc thi; tập huấn…

Hiệu trưởng cung cấp tài khoản cho giáo viên, hướng dẫn các chức năng của tài khoản, các bước đăng nhập vào hệ thống; cách tham gia sinh hoạt chuyên môn do Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT chủ trì; cách lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên môn theo vấn đề giáo viên quan tâm, chú trọng tới nội dung trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh.

Hiệu trưởng tổ chức, hướng dẫn giáo viên theo dõi thông tin, tương tác với khóa học theo các nhóm chức năng: Nhận thông tin về khóa học; Tham gia học tập; Hoàn thành các bài tập trắc nghiệm, bài luận cuối khóa; Tham gia thảo luận, góp ý trên diễn đàn về nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên Tiểu học.

c. Cách thức tiến hành, điều kiện thực hiện.

Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức sử dụng trang “Trường học kết nối” chi tiết chung cho toàn trường, căn cứ vào kế hoạch này, các tổ chuyên môn lập kế hoạch riêng phù hợp với đặc điểm thực tế của tổ. Kế hoạch cụ thể về thời gian, hình thức, nội dung khai thác, các hoạt động của tổ, cá nhân giáo viên.

Hiệu trưởng tổ chức tập huấn cách sử dụng trang “Trường học kết nối”, tuyên truyền về lợi ích khi tham gia trang website cho giáo viên

Hiệu trưởng lập nhóm giáo viên cốt cán về công nghệ thông tin hỗ trợ giáo viên kịp thời trong quá trình sử dụng trang “Trường học kết nối.” Liên hệ thường xuyên với bộ phận phụ trách CNTT của Phòng GD&ĐT để có hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời. Phân công một Phó Hiệu trưởng phụ trách, giám sát, đánh giá việc thực hiện, khích lệ giáo viên tích cực khai thác, sử dụng, chia sẻ kiến thức thu được từ website này.

Hiệu trưởng tổ chức đưa một số nội dung được tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT ở trang “Trường học kết nối” vào chủ đề sinh hoạt chuyên môn, hội thảo để giáo viên cập nhật những vấn đề mới nhất vào thực tế.

3.3.3. Biện pháp 3: Chỉ đạo giáo viên sử dụng các phần mềm dạy học theo môn

học a. Mục đích của biện pháp

Tăng cường ứng dụng CNTT, khai thác sử dụng các phần mềm dạy học theo môn học phục vụ quá trình soạn giáo án và tổ chức dạy học trên lớp theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp hình thức tổ chức dạy học, phát huy năng lực học sinh.

b. Nội dung của biện pháp

Hiệu trưởng tổ chức giới thiệu một số phần mềm dạy học theo môn học tới giáo viên, lựa chọn những phần mềm phù hợp để khai thác, sử dụng trong quá trình thiết kế, chuẩn bị giáo án và tổ chức giảng dạy trên lớp.

Đưa việc khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mềm dạy học theo môn là một trong các tiêu chí ứng dụng CNTT trong dạy học để đánh giá giáo viên.

Định hướng cho giáo viên sử dụng, khai thác phần mềm theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực học sinh, sử dụng có hiệu quả phần mềm như một đồ dùng dạy học có tính ứng dụng CNTT.

c. Cách thức tiến hành, điều kiện thực hiện

Hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên sử dụng thử một số phần mềm dạy học theo môn, căn cứ vào ý kiến phản hồi từ các tổ chuyên môn để lựa chọn trang bị cho trường những phần mềm hiệu quả, phù hợp thực tế nhất.

Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng các chuyên đề sử dụng có hiệu quả phần mềm dạy học theo môn học với hướng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phát huy năng lực học sinh ở phạm vi tổ, liên tổ, trường. Ban giám hiệu dự giờ, cùng giáo viên rút kinh nghiệm từ đó định hướng cho giáo viên cách khai thác phần mềm hiệu quả nhất, chú ý lựa chọn nội dung, thời điểm, thời lượng sử dụng nhằm phát huy năng lực học sinh, đảm bảo mục tiêu, tiến trình bài dạy, tạo hứng thú cho người học. Tổ chức triển khai dạy đại trà trong tổ chuyên môn sau khi thực hiện.

Hiệu trưởng tổ chức đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Lựa chọn bài học có sử dụng, khai thác phần mềm dạy học theo môn để tổ cùng trao đổi, xây dựng nhằm phát huy hiệu quả khi sử dụng phần mềm, điều chỉnh những nội dung sử dụng chưa phù hợp thực tế.

Hiệu trưởng khuyến khích giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm với nội dung khai thác, sử dụng có hiệu quả phần mềm dạy học theo môn học. Tổ chức phổ biến sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng về nội dung này trong tổ chuyên môn hoặc hội đồng sư phạm để nhân rộng điển hình, tạo điều kiện để giáo viên có dịp chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng CNTT qua việc khai thác, sử dụng các phần mềm.

Ban giám hiệu, tổ giáo vụ có kế hoạch dự giờ định kì, đột xuất để đánh giá việc khai thác, sử dụng phần mềm dạy học theo môn đã trang bị cho các tổ khối đồng thời góp ý, rút kinh nghiệm để định hướng việc sử dụng phần mềm của giáo viên được hiệu quả nhất. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ khối tích cực sử dụng và sử dụng có hiệu quả phần mềm dạy học theo môn.

Hiệu trưởng tổ chức khuyến khích giáo viên thường xuyên chia sẻ những phần mềm dạy học theo môn học có chất lượng với bạn bè đồng nghiệp, tạo thói quen sử dụng phần mềm như một công cụ dạy học hiện đại.

Để thực hiện tốt biện pháp nêu trên cần có những điều kiện sau:

Đảm bảo kinh phí cho việc trang bị phần mềm dạy học theo môn cho giáo viên, tổ khối chuyên môn, các phần mềm dạy học được lựa chọn cần có sự thẩm định của tổ giáo vụ và ý kiến từ phía giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Hiệu trưởng tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề trong đó có các chuyên đề về khai thác sử dụng phần mềm dạy học theo môn.

Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn cần sát sao trong việc kiểm tra, đôn đốc việc thực khai thác, sử dụng phần mềm dạy học của giáo viên, kịp thời hỗ trợ, định hướng để việc triển khai có hiệu quả, đúng tinh thần đổi mới, tránh hình thức.

Hiệu trưởng tổ chức thực hiện tốt công tác tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng các phần mềm mới, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên nòng cốt về CNTT

ở các tổ để kịp thời hỗ trợ giáo viên khác trong quá trình thực hiện.

Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy tính, máy chiếu, tivi … để việc sử dụng phần mềm được thuận lợi nhất.

3.3.4. Biện pháp 4: Nâng cao kĩ năng sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng

E-learning cho giáo viên

a. Mục đích của biện pháp

Bồi dưỡng kĩ năng CNTT, năng lực chuyên môn cho giáo viên thông qua việc sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng E-learning, góp phần làm giàu kho học liệu của trường và của ngành GD&ĐT, tạo môi trường học tập trực tuyến cho học sinh.

Giới thiệu tới giáo viên một số phần mềm thông dụng để thiết kế bài giảng E- learning như Adope Presenter; Ispring…Tổ chức, hướng dẫn giáo viên cách sử dụng các phần mềm đó để thiết kế bài giảng E-learning.

Tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả các tính năng của phần mềm Adope presenter; Ispring; Lecture Macker…để thiết kế bài E-learning. Khuyến khích giáo viên sử dụng phối hợp thêm các phần mềm hỗ trợ khác để tạo giao diện hấp dẫn, phù hợp với tâm lí học sinh; đảm bảo nội dung bài giảng E-learning được thiết kế theo hướng đổi mới phương pháp, phát huy năng lực học sinh.

c. Cách thức tiến hành, điều kiện thực hiện

Hiệu trưởng tổ chức các lớp tập huấn thiết kế bài giảng E-learning theo các mức độ: Cơ bản, nâng cao. Thông báo nội dung bồi dưỡng ở từng lớp tới các tổ chuyên môn. Cho giáo viên đăng kí nguyện vọng tham gia lớp bồi dưỡng theo mức độ phù hợp với kĩ năng CNTT của bản thân.

- Lớp cơ bản: Giới thiệu về bài giảng E-learning; cách cài đặt các phần mềm

để phục vụ việc thiết kế bài giảng; cách khai báo thông tin, việt hóa, tạo câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ đơn giản, lồng tiếng, chèn ảnh…

- Lớp nâng cao: Giới thiệu một số kĩ thuật làm phong phú thêm cho bài giảng,

cách sử dụng phối hợp với các phần mềm khác để tạo giao diện sinh động, hấp dẫn, cách lồng clip, âm thành, tạo file đính kèm, liên kết chứa tài liệu tham khảo…

Hiệu trưởng tổ chức đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng kĩ năng sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng E-learning cho giáo viên như: Mời chuyên gia, phát huy giáo viên nòng cốt về CNTT để tự tập huấn cho đồng nghiệp, mua khóa học online về thiết kế bài giảng E-learning cho giáo viên cùng học tập trung theo tổ trong giờ sinh hoạt chuyên môn hoặc tự học trên máy tính ở thư viện. Khuyến khích giáo viên tự tham gia các khóa học trực tuyến, khai thác thông tin từ mạng internet để bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng thiết kế. Phân công giáo viên nòng cốt về CNTT phụ trách từng nhóm giáo viên để thuận tiện cho việc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm. Hiệu trưởng tổ chức giới thiệu tới giáo viên kho học liệu của ngành, các địa chỉ website có đăng tải những bài giảng E-learning có chất lượng để giáo viên học tập. Hiệu

trưởng tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cấp trường, lựa chọn bài có chất lượng dự thi cấp quận, thành phố, quốc gia. Với những bài giảng có chất lượng, đạt giải cao các cấp, Hiệu trưởng tổ chức phổ biến trong hội đồng sư phạm, các buổi sinh hoạt chuyên môn. Tác giả trình bày mục đích, ý tưởng thiết kế, thông qua đó giáo viên sẽ đặt câu hỏi để tìm hiểu, chia sẻ về kĩ thuật thiết kế, sử dụng, khai thác, phối hợp phần mềm khi thiết kế bài giảng.

Hiệu trưởng tổ chức đăng tải các bài giảng đạt giải cấp trường, quận, thành phố, quốc gia trên website để phổ biến tới đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên. Khuyến khích học sinh và phụ huynh tham gia sử dụng và đóng góp ý kiến cho tác giả. Các bài giảng này sẽ được bổ sung vào kho học liệu của nhà trường và nộp Phòng GD&ĐT để lựa chọn bổ sung vào kho học liệu của ngành GD&ĐT.

Điều kiện để thực hiện biện pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường tiểu học quận thanh xuân, thành phố hà nội (Trang 78 - 87)