Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS, những công việc mà cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải làm sau khi giữ người bao gồm:
Trường hợp người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì những người này phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 110 BLTTHS 2015 phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Trường hợp người có thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS 2015 thì sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những người này phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 110 BLTTHS 2015 phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay, bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay để có căn cứ ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật TTHS 2015.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 của Luận văn đã làm rõ được một số vấn đề lý luận của biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp như khái niệm giữ người trong trường hợp khẩn cấp dưới góc độ pháp lý; cơ sở của việc quy định biện pháp ngăn chặn này cũng như ý nghĩa của việc quy định và thực hiện biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp trên ba phương diện: chính trị - xã hội; pháp lý và thực tiễn.
Chương 1 của Luận văn cũng đã nêu và phân tích các quy định của Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành (BLTTHS) về biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo các tiêu chí cơ bản sau: các trường hợp được giữ người khẩn cấp; thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp; thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp; những việc phải làm sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp.. trên cơ sở đó đã xác định:
Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là một trong những BPNC được thực hiện, luôn gắn liền với sự tác động và hạn chế quyền tự do cá nhân của đối tượng áp dụng, được áp dụng trong TTHS nhằm mục đích là ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người phạm tội trốn tránh pháp luật hoặc có hành vi gây cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc tiếp tục phạm tội. Giữ người trong trường hợp khẩn cấp có nhiều điểm khác biệt so với các trường hợp giữ người còn lại về đối tượng áp dụng, thủ tục áp dụng, văn bản tố tụng… sở dĩ có những khác biệt này là do pháp luật đã phân định giữ người ra thành các trường hợp giữ người khác nhau dựa trên những cơ sở lí luận và thực tiễn cũng như pháp lí nhất định.
Quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp ngày nay luôn có tính kế thừa và phát triển dựa trên những quy định đã có trước đây và thực tiễn áp dụng. Tất cả các vấn đề lí luận cũng như quy định của luật tố tụng hình sự nêu trên đều được vận dụng để tác giả xem xét, đánh giá thực tiễn áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp ở thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở đưa ra các kiến nghị cần thiết tại Chương 2 của luận văn.
CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH GIỮ NGƯỜI TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH