xử sơ thẩm vụ án hình sự
Trong tất cả những nguyên nhân dẫn đến việc tranh tụng tại phiên toà không đúng với tinh thần tranh tụng nổi lên một nguyên nhân cơ bản đó là yếu tố con người. Hiện nay còn có những trường hợp mà năng lực, phẩm chất của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân không đạt yêu cầu. Trong đó vấn đề cơ bản nhất là ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp của một số người tiến hành tố tụng chưa cao, một số khác thì sa sút về phẩm chất đạo đức, không chịu rèn luyện bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp. Chất lượng Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào việc họ tự học tập nâng cao trình độ, nhưng còn có những người không chịu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy có những sai sót trong công tác. Đặc biệt về đội ngũ Kiểm sát viên hiện nay trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp là rất phổ biến, như vậy về trình độ chuyên môn là chưa đảm bảo.
Trong quá trình xét xử, chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò điều khiển của Thẩm phán Chủ toạ phiên toà, vai trò chủ động xét hỏi tranh luận của Kiểm sát viên. Do đó đòi hỏi họ phải vừa là người có cái tâm trong sáng đồng thời vừa là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế không chỉ có những người tiến hành tố tụng mà đội ngũ Luật sư thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, mà tình hình huyện Văn Lâm cho thấy như đã phân tích ở trên là một minh chứng. Mặt khác, Luật sư tham gia bào chữa còn nặng về khai thác các tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ nên các bài bào chữa của họ cũng ít quan tâm tới việc làm rõ các tình tiết của vụ án một cách đầy đủ, toàn diện; thậm chí có những Luật sư có việc làm không trong sáng, làm lộ bí mật điều tra hòng chạy tội cho bị can, bị cáo. Chính những biểu hiện, việc làm của Luật sư đã tự cản trở
việc thực hiện quy định người bào chữa tham gia tố tụng kể từ khi khởi tố vụ án và tiếng nói của Luật sư bào chữa trong một vài vụ án chưa được người dân đồng tình, coi trọng.
Bên cạnh đó, dù nguyên tắc bảo đảm tranh tụng đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp cũng như BLTTHS nhưng nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, những người trực tiếp tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng còn chưa thấy được ý nghĩa, vai trò cả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, chưa nắm vững tinh thần tranh tụng tại phiên tòa nên quá trình triển khai hoạt động tranh tụng tại phiên tòa chưa theo một quy trình chặt chẽ, chưa có sự nhận thức thống nhất về bản chất, cách thức và phạm vi của vấn đề tranh tụng, dẫn đến chất lượng tranh tụng phần nào bị hạn chế.
Hơn nữa, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tranh tụng còn chưa hoàn thiện, có nhiều vướng mắc chưa kịp thời được hướng dẫn. Chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động tranh tụng như: Quy định về quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa tại phiên toà; quy định về trách nhiệm của Hội đồng xét xử, của Thẩm phán trong việc đảm bảo cho hoạt động tranh tụng; trách nhiệm hoặc chế tài của luật sư bào chữa tại phiên tòa; quy định về văn hoá pháp lý. Các quy định pháp luật về nội dung có liên quan đến các vấn đề đưa ra tranh tụng như: Quy định của pháp luật hình sự và văn bản hướng dẫn làm cơ sở đánh giá về vụ án. Hiện nay còn rất nhiều quy định của Bộ luật hình sự còn có vướng mắc nhưng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, do vậy khi tranh tụng, giữa Kiểm sát viên với người bào chữa vẫn có những quan điểm khác nhau.
Ngoài những nguyên nhân về yếu tố con người nói trên còn một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như:
- Thực tiễn công tác xét xử gặp vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan tới hoạt động của hệ thống TAND chưa được hướng dẫn áp dụng pháp luật kịp thời, đầy đủ làm ảnh hưởng nhất định tới chất lượng, hiệu quả hoạt động trên thực tế.
- Tổ chức bộ máy của các cơ quan bổ trợ tư pháp không đủ lớn mạnh, không đúng tầm với nhiệm vụ, nên đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực đó còn thiếu, trình độ của nhiều người còn hạn chế không đảm bảo hoàn thành được một cách tốt nhất nhiệm vụ được giao.
- Chế độ chính sách đối với cán bộ tư pháp nói chung và cán bộ ngành Toà án nói riêng còn quá hạn chế. Nhìn chung các cán bộ Toà án và Thẩm phán ở các nước phát triển luôn có chế độ lương cao hơn so với các công chức khác trong cơ quan nhà nước.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Toà án phần lớn đã xuống cấp, lạc hậu, chưa có nguồn kinh phí thường xuyên cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc và bảo đảm phù hợp với tranh tụng và cho hoạt động thường xuyên của ngành Tòa án. Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức Tòa án chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động xét xử. Trong khi số lượng án hàng năm phải giải quyết rất lớn thì trụ sở làm việc của các Toà án lại quá chật hẹp, xuống cấp, thậm chí còn phải đi thuê. Toà án thường được coi là biểu tượng công lý, biểu tượng của pháp luật nhưng có Toà án phải thuê trụ sở làm việc, xét xử ở những khuôn viên không đảm bảo uy nghiêm.