Mọi sự thay đổi, cải cách bảo đảm tăng cường tính tranh tụng tại phiên tòa, vấn đề quyết định vẫn là con người. Nếu trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán, Công tố viên, Điều tra viên và Luật sư
như hiện nay thì mục tiêu cải cách sẽ không đạt được. Vì vậy, việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ này cần phải tiến hành đồng bộ với quá trình cải cách tư pháp theo một lộ trình hợp lý.
- Nâng cao kĩ năng điều khiển tranh tụng đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân: Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần có nhận thức thống nhất về khái niệm, nội dung và ý nghĩa của thuật ngữ “tranh tụng” là nguyên tắc của TTHS theo tinh thần cải cách tư pháp. Thẩm phán và Hội thẩm cần phải ý thức được rằng mình chính là người trọng tài vô tư, khách quan điều khiển quá trình tranh tụng giữa các bên tại phiên tòa. HĐXX cần luôn nhận thức được rằng “bản án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa”, tất cả tài liệu trong hồ sơ và các vấn đề đều phải thẩm tra tại phiên tòa, trong khi xét hỏi phải “thoát ra khỏi hồ sơ” để đưa ra những bản án, quyết định có sức thuyết phục. Hiện nay công tác tập huấn trực tuyến cho các Thẩm phán ở tất cả hệ thống tòa án 02 cấp ở địa phương vẫn thường xuyên được thực hiện, tuy nhiên chưa có những nội dung tập huấn tập trung về bảo đảm tranh tụng, do vậy các Thẩm phán, Thư ký Tòa án còn chưa thực sự nắm rõ và có kinh nghiệm về hoạt động tố tụng đảm bảo yếu tố tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự. Do đó Tòa án nhân dân tối cao cần có những thay đổi về nội dung tập huấn liên quan đến vấn đề này để đảm bảo tăng cường kiến thức, kỹ năng về tranh tụng cho đội ngũ cán bộ Tòa án. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ Hội thẩm nhân dân; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điểu khiển tranh tụng, phổ biến các văn bản pháp luật mới cho Hội thẩm nhân dân.
- Tăng cường biên chế Thẩm phán, Thư ký Tòa án để đáp ứng nhu cầu giải quyết án. Trình độ, năng lực của Thẩm phán dù có giỏi đến đâu nhưng số lượng không đủ, công việc quá tải, áp lực công việc đè nặng thì hiệu quả chắc
chắn không cao. Do vậy cần thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ cho Thẩm phán trước và sau khi bổ nhiệm, công việc này cần tiến hành thường xuyên.
- Đối với kiểm sát viên, ngoài kiến thức về kiểm sát điều tra thì phải có kiến thức điều tra và chỉ huy điều tra; năng lực, trình độ, kinh nghiệm xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa.
- Đối với Điều tra viên (là người trực tiếp thực hiện việc điều tra tội phạm) thì ngoài kiến thức pháp luật cần phải giỏi về nghiệp vụ điều tra, khám phá tội phạm, hiểu và sử dụng thành thạo các quy định của BLTTHS về hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ.
- Đối với Luật sư, cần tăng về số lượng nhất là những địa bàn cách xa thành phố như huyện Văn Lâm, cả huyện chỉ có duy nhất 01 văn phòng luật sư và chỉ có 02 luật sư có chứng chỉ hành nghề thì không thể đáp ứng được yêu cầu tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm được quyền của bị can, bị cáo. Đồng thời với việc tăng cường số lượng cần quan tâm đến chất lượng, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, thi tuyển phải bảo đảm các tiêu chuẩn về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Cần có quy định bảo vệ Luật sư khi hành nghề, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với Luật sư vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.