xét xử
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên toà, bên cạnh việc hoàn thiện nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa” cần hoàn thiện, bổ sung những qui định khác nhằm cụ thể hoá những quy định về tranh tụng tại phiên toà, tạo ra cơ chế thích hợp và hiệu quả cho quá trình tranh tụng trong xét xử, đó là:
- Việc sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi cần theo hướng Toà án là chủ thể điều hành phiên toà, điều hành việc xét hỏi, tranh luận của các bên và quyết định của HĐXX dựa trên kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên toà. Mặt khác, trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nên chỉ giữ vai trò là “trọng tài điều khiển” tranh tụng tại phiên tòa giữa đại diện Viện Kiểm sát với người bào chữa (luật sư) và bị cáo, các bên tranh tụng thực hiện trách nhiệm chứng minh và tiến hành xét hỏi là chủ yếu. Theo quy định pháp luật hiện hành về việc xét hỏi tại phiên toà cho thấy, việc xét hỏi được thực hiện
chủ yếu bởi HĐXX, việc làm rõ những tình tiết dùng làm chứng cứ để truy tố bị cáo phụ thuộc vào HĐXX, mặc dù đây chính là nhiệm vụ của VKS trong thủ tục xét hỏi. Vì vậy, trong các điều luật về xét hỏi, cụ thể là Khoản 2 Điều 307 BLTTHS 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng sau: “Khi xét hỏi từng người, KSV hỏi trước rồi đến người bào chữa, người bảo vệ quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Người tham gia tố tụng tại phiên toà có quyền đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ… Hội đồng xét xử chỉ hỏi khi thấy còn những điểm chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn”. Sửa đổi theo hướng này là phù hợp với vị trí, trách nhiệm của từng chủ thể tại phiên toà và phù hợp với nguyên tắc tranh tụng trong xét xử đã được Hiến pháp quy định.
- Cần loại bỏ những trách nhiệm, nghĩa vụ tố tụng không thuộc chức năng xét xử của tòa án để bảo đảm chất lượng tranh tụng trong xét xử:
Thứ nhất, nguyên tắc trách nhiệm khởi tố vụ án và xử lý vụ án hình sự (Điều 18 BLTTHS năm 2015). Nguyên tắc này quy định trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Tuy nhiên, nếu phải thực thi trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự liệu có ảnh hưởng đến chức năng xét xử của Tòa án và có lấn sân sang chức năng công tố không. Vì vậy, không nên quy định thẩm quyền khởi tố vụ án cho Tòa án, trong trường hợp phát hiện tội phạm mới khi xét xử tại phiên tòa, Tòa án có thể kiến nghị để Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố.
Thứ hai, nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Nguyên tắc này quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Tuy nhiên, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân rõ thì
nên bỏ trách nhiệm chứng minh tội phạm của Tòa án do trách nhiệm này thuộc chức năng của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Mặt khác, việc phải chứng minh tội phạm sẽ ảnh hưởng tới tính khách quan của Tòa án khi ra bản án và phán quyết của mình, đồng thời thêm chức “trọng tài anh minh”, “người cầm cân nảy mực” của Tòa án dễ bị hiểu sai lệch.
- Quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã có nhiều đổi mới trong Luật TTHS 2015 hiện hành nhằm đáp ứng được yêu cầu bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền bình đẳng của luật sư trước và trong phiên tòa để họ có thể tranh tụng dân chủ, bình đẳng với bên buộc tội. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa chú ý xây dựng các quy định tạo ra các cơ chế, điều kiện để thực hiện quyền bình đẳng ấy. Do đó, tác giả đề xuất cần quy định thêm các nội dung như: Quyền được thu thập, xuất trình chứng cứ; quyền hỏi nhân chứng, bác bỏ nhân chứng do phía buộc tội đưa ra; quyền tranh luận, đối đáp bình đẳng với bên buộc tội...
- Điều 88, BLTTHS 2015 quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”. Theo ý kiến tác giả nên mở rộng quyền thu thập chứng cứ cho người bào chữa, cụ thể theo hướng: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày, có quyền được ghi lời khai, ghi âm, ghi hình việc hỏi những người này… Những phương thức trên được dùng làm chứng cứ tham gia tranh tụng tại phiên toà”. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thu thập chứng cứ và tranh tụng tại phiên toà.
- Chức năng bào chữa là một chức năng quan trọng trong quá trình tố tụng, đây là trách nhiệm nghề nghiệp đồng thời cũng là nghĩa vụ của luật sư trước bị can, bị cáo. Tuy nhiên trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật hiện hành chưa xác định rõ tư cách tố tụng của luật sư bào chữa trong tranh tụng và nghĩa vụ pháp lý của luật sư trước bị can, bị cáo; các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực và sức khỏe đối với những người hành nghề luật sư cũng chưa được quy định chặt chẽ. Điều đó làm hạn chế đến khả năng thực hiện chức năng và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tranh tụng. Cần thiết phải quy định rõ luật sư, bị cáo là một bên tranh tụng bình đẳng trong suốt quá trình xét xử.
Trong Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của luật sư bào chữa trước bị can, bị cáo trong những trường hợp luật sư không làm tròn nghĩa vụ và chức năng nghề nghiệp của mình là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Trách nhiệm đó phải là trách nhiệm vật chất dân sự: như phải hoàn trả lại cho thân chủ tiền thù lao đã nhận và bị phạt một khoản tiền nào đó hoặc là trách nhiệm kỷ luật - hành chính trước tổ chức đoàn luật sư (phê bình, cảnh cáo, tạm đình chỉ hành nghề có thời hạn...) thậm chí cả trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng ví dụ như bị cáo bị xử phạt oan, bị can bị bắt giam trái pháp luật mà luật sư không can thiệp bảo vệ kịp thời dẫn đến bị can tự tử hoặc bị dùng nhục hình dẫn đến chết người..) với hình phạt bổ sung cấm hành nghề luật sư.
3.3.3. Nâng cao trình độ, kỹ năng của những người tiến hành tố tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên