pháp luật về chuyển nhượng cổ phần
Pháp luật về chuyển nhượng cổ phần là một trong những quy định pháp luật mới được hình thành gần đây theo các giai đoạn phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của các CTCP. Ở nước ta, do đặc dù phát triển kinh tế - chính trị, CTCP ra đời muộn hơn so với các nước. Trước khi Luật công ty được ban hành ngày 21/12/1990, các hình thức công ty hầu như không được pháp luật thừa nhận. Pháp luật về CTCP nói chung và pháp luật chuyển nhượng cổ phần nói riêng được quy định và hoàn thiện qua Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014. Càng ngày, quy định pháp luật chuyển nhượng cổ phần càng hoàn thiện để dần tiệm cận với chuẩn mực chung của thế giới. Như trong Luật Doanh nghiệp 2005 không có điều khoản riêng quy định về chuyển nhượng cổ phần. Chuyển nhượng cổ phần chỉ được thể hiện lồng ghép chung với nội dung chào bán cổ phần. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 tiến bộ hơn khi tách nội dung về chào bán cổ phần và chuyển nhượng cổ phần thành các điều khoản riêng.
Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm mới và thành công, nhưng vẫn còn bất cập và hạn chế, trong đó có các quy định về chuyển nhượng cổ phần trong CTCP. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về chuyển nhượng cổ phần là cần thiết trong thời gian đến với các hướng tiếp cận sau:
3.1.1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật chuyển nhượng cổ phần theo chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường
Đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật doanh nghiệp không thể tách rời với chính sách phát triển
kinh tế chung của Đảng và Nhà nước. Thực tế những điểm mới của pháp luật chuyển nhượng cổ phần được điều chỉnh do chính sách mở cửa hội nhập nên các quy định về thủ tục cũng được đơn giản hóa để thu hút nhiều chủ thể tham gia. Và tất nhiên, khi các doanh nghiệp hoạt động theo quy luật tự do thì để kiểm soát tất cả vừa vặn trong chuẩn mực cho phép thì vai trò của Nhà nước trong quy định về quản lý doanh nghiệp là cấp thiết. Nâng cao tính hiện đại của pháp luật như những nước phát triển trong khu vực và thế giới cũng phải có sự đánh giá và điều chỉnh bởi cơ quan tối cao. Xét cho cùng, Nhà nước là cơ quan duy nhất có đủ thẩm quyền để đánh giá toàn diện sự tác động của một văn bản pháp luật, khi thay đổi một nội dung pháp luật cần có sự tiên đoán về hệ quả pháp lý của nó lên tất cả lĩnh vực kinh tế - chính trị. Vì vậy việc hoàn thiện pháp luật phải tiếp tục gắn liền với sự quản lý của cơ quan Nhà nước vì điều đó giúp cho pháp luật được thực thi cũng như được kiểm soát toàn diện.
3.1.2. Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh về hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong CTCP
Chuyển nhượng cổ phần là hoạt động mới nên chưa có hệ thống pháp luật riêng điều chỉnh hoạt động này, chuyển nhượng cổ phần được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Dân sự, Luật Đầu tư.... Cho từng trường cụ thể sẽ viện dẫn đến luật chuyên ngành để giải quyết các vấn đề về chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hoạt động chuyển nhượng diễn ra phổ biến hằng ngày cho thấy tầm quan trọng của nó, chuyển nhượng cổ phần góp phần thúc đẩy phát triển CTCP. Do vậy, cần có sự đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về chuyển nhượng cổ phần trong CTCP. Pháp luật về chuyển nhượng cổ phần cần phải có vị trí trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hoạt động của CTCP chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau. Do đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển nhượng cổ phần không chỉ là hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp mà còn bao gồm cả pháp luật về dân sự, pháp luật hành chính, pháp luật thương mại, pháp luật chứng khoán… Bên cạnh đó cần
có sự hệ thống hóa bởi khi các quy phạm pháp luật điều chỉnh nằm rải rác ở những ngành luật khác nhau sẽ khiến cho người áp dụng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các căn cứ pháp lý cũng như tìm hiểu về quy định pháp luật về chuyển nhượng cổ phần.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ và các bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết và chuyển nhượng cổ phần là một trong số đó. Luật quy định về các trường hợp chuyển nhượng cổ phần nhưng thủ tục cụ thể cho từng trường hợp chuyển nhượng thì các văn bản hướng dẫn chi tiết chưa có. Vì vậy, như nội dung đăng ký kinh doanh được hệ thống với các văn bản rõ ràng và chi tiết thì nội dung chuyển nhượng cổ phần cũng cần quy định cụ thể như vậy để chủ thể chuyển nhượng cũng như cơ quan quản lý có cơ sở áp dụng và kiểm soát.
3.1.3. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kinh doanh
Từ trước đến nay, các thành phần kinh tế quốc doanh vẫn được hưởng những ưu đãi hơn so với thành phần kinh tế tư nhân đã tạo nên sự bất bình đẳng trong quan hệ kinh doanh. Bên cạnh đó, đối với chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài pháp luật cũng có những hạn chế nhất định đối với chủ thể này. Nếu đã là nền kinh tế thị trường vận động theo quy luật của nền kinh tế thì các chủ để cần có môi trường bình đẳng với nhau về các quyền và nghĩa vụ. Ví dụ như việc giới hạn các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia các ngành nghề với tỷ lệ sở hữu quy định của cam kết WTO sẽ gây thiệt cho những CTCP muốn kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm ở những ngành nghề không thuộc cam kết WTO. Đồng thời, đây cũng là hạn chế đối tượng tiếp cận của các cổ đông muốn chuyển nhượng cho các đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài nhằm mục đích kiếm lợi cao hơn.
Ngoài ra, chuyển nhượng cổ phần theo nguyên tắc tự do chuyển nhượng trừ ba trường hợp hạn chế. Đối với trường hợp hạn chế chuyển nhượng theo Điều lệ công ty là do sự thỏa thuận chung của tất cả các cổ đông xây dựng nên, đó là sự thống nhất ý chí của các cổ đông về quyền tự do của mình. Đứng ở góc độ đó, có thể thấy, nguyên tắc tự do này vẫn được đảm bảo. Đối với cổ phần ưu đãi biểu
quyết của cổ đông sáng lập và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bị hạn chế trong ba năm đầu, sau đó được tự do chuyển nhượng. Duy đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền lại không quy định về thời gian chuyển đổi thành cổ phần phổ thông là bao lâu, điều đó cho thấy tổ chức được Chính phủ ủy quyền được sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không thời hạn. Điều này có thể xem là không công bằng cho cổ đông của CTCP đó cũng như tổ chức được Chính phủ ủy quyền. Việc nắm cổ phần ưu đãi biểu quyết thời gian không giới hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền biểu quyết chung giữa các cổ đông với nhau đồng thời chính tổ chức được Chính phủ ủy quyền này cũng không thể chuyển nhượng cổ phần. Vì vậy, pháp luật chuyển nhượng cần xem xét điều chỉnh nội dung này.
Tóm lại, cần xây dựng một môi trường kinh doanh mà tại đó tất cả các chủ thể tham gia đều bình đằng về quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, lúc đó, các bên sẽ lấy quy phạm pháp luật làm cơ sở duy nhất để thỏa thuận và kinh doanh, đảm bảo tính thi hành của pháp luật.