Nội dung pháp lý của điều kiện kinhdoanh dịch vụ vận tải đa phương thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức theo pháp luật việt nam hiện nay (Trang 26 - 35)

thức

Việc quy định điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải đa phương thức không phải là điều mới mẻ. Trên thế giới, cũng có nhiều quốc gia quy định điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này.

 Hoa Kỳ [57, tr.1]:

Đối với ngành vận tải và logistics, pháp luật liên bang quy định chủ thể kinh doanh cần có giấy phép hoặc sự chấp thuận trong trường hợp doanh nghiệp vận hành phương tiện quá khổ hoặc quá tải trọng. Sự chấp thuận đối với các phương tiện trên thuộc thẩm quyền của chính quyền tiểu bang. Tuy nhiên, vận tải được nhắc đến trong quy định của chính quyền liên bang chỉ đề cập đến vận tải bằng đường bộ. Cụ thể, trên trang web của Bộ Giao thông Hoa Kỳ, từ ngữ được sử dụng là “vehicle”, có nghĩa là xe cộ và đưa ra giới hạn về tải trọng dựa trên tổng trọng lượng xe hoặc tải trọng lên trục. Như vậy, chính quyền liên bang Mỹ không quy định điều kiện kinh doanh cụ thể đối với dịch vụ vận tải đa phương thức.

Ở phạm vi bang, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có sự khác nhau ở mỗi bang, thậm chí mỗi thành phố, hạt thuộc bang. Nhìn chung, việc quy định điều kiện kinh doanh chỉ dừng lại ở mức độ phân loại theo ngành (“industry”), không theo từng nghề nghiệp (“business”) cụ thể. Chẳng hạn, một số bang như Alaska, Arkansas quy định điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực vận tải nói chung và không có quy định riêng điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, vận tải đa phương thức vẫn là một trong những hình thức của dịch vụ vận tải, vì vậy, để chủ thể kinh doanh có thể tiến hành hoạt động kinh doanh, cần thiết phải có giấy phép hoặc sự chấp thuận của bang, thành phố, hạt thuộc bang đối với từng loại hình vận tải.

 Châu Á – Thái Bình Dương

Ở một số quốc gia, chủ thể kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức phải đăng ký hoặc xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thái Lan [52, tr. 12]:

Theo Điều 40 Luật Vận tải đa phương thức 2005 của Thái Lan, cá nhân không được kinh doanh vận tải đa phương thức, trừ khi cá nhân đó đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức theo các thủ tục sau:

- Người kinh doanh vận tải đa phương thức đăng ký theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 41;

- Người kinh doanh vận tải đa phương thức đăng ký ở nước ngoài được Thái Lan công nhận dựa vào điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế và người đó phải đăng ký với Giám đốc Sở Hàng hải hoặc cơ quan có thẩm quyền tương đương được Giám đốc Sở Hàng hải chỉ định, theo thủ tục quy định tại Điều 45;

- Người kinh doanh vận tải hoặc người kinh doanh vận tải đa phương thức ở nước ngoài có chỉ định đại diện theo thủ tục quy định tại Điều 49.

Ngoài ra, Điều 40 Luật Vận tải đa phương thức Thái Lan cũng quy định, người kinh doanh vận tải đa phương thức theo các thủ tục quy định tại Điều 39 phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng theo pháp luật Thái Lan, có trụ sở chính ở Thái Lan;

- Vốn điều lệ không thấp hơn 80000 SDR (Special Drawing Right).

Như vậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức theo pháp luật Thái Lan bao gồm điều kiện về loại hình doanh nghiệp và vốn điều lệ. Ở Thái Lan, có 3 loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp hợp danh thông thường, doanh nghiệp hợp danh hữu hạn và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo Điều 1096 Luật Dân sự và Thương mại Thái Lan [53, tr. 46], công ty trách nhiệm hữu hạn là công ty có vốn tư bản được chia thành các phần, trách nhiệm của thành viên chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn mà họ đã góp. Điều 1097 Luật Dân sự và Thương mại Thái Lan cho thấy, công ty trách nhiệm hữu hạn có ít nhất ba thành viên trở lên. Đây cũng là loại hình chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật. Vì vậy, việc quy định người kinh doanh dịch vụ vận tải

đa phương thức chỉ có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn giúp nhà nước dễ dàng quản lý. Đồng thời, quy định mức tối thiểu của vốn điều lệ đảm bảo tiềm lực tài chính của người kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.

Ấn Độ [50, tr4]:

Ở Ấn Độ, quy định về vận tải đa phương thức được quy định khá chi tiết trong Luật Vận tải hàng hóa đa phương thức 1993. Theo mục 3, Chương II, điều kiện đầu tiên để kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức là đăng kí kinh doanh theo quy định của Luật. Nếu người kinh doanh dịch vụ này đã tiến hành hoạt động kinh doanh trên thực tế trước khi Luật này có hiệu lực, thì phải đăng ký kinh doanh trong vòng ba tháng kể từ ngày có hiệu lực. Ngoài nghĩa vụ đăng ký ở mục 3, mục 4 Luật Vận tải hàng hóa đa phương thức 1993 còn quy định khá phức tạp về thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ này. Cụ thể, đơn đăng ký kinh doanh phải tuân theo mẫu đã ban hành và người đăng ký phải nộp một khoản phí tương đương mười nghìn rupees. Khi nhận đơn đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra các điều kiện:

Thứ nhất, vốn hoặc doanh thu. Người đăng ký kinh doanh là công ty4 hoặc doanh nghiệp tư nhân có kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng tàu thủy hoặc dịch vụ giao nhận vận tải trong nước hoặc quốc tế5 có doanh thu thấp nhất là 50 lakh rupees6 trong năm tài chính liền kề trước đó hoặc doanh thu trung bình là 50 lakh rupees trong ba năm tài chính liền kề trước đó, được chứng thực bởi Kế toán viên giám định được định nghĩa bởi Luật Kế toán viên giám định 1949. Đối với công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân không thuộc trường hợp trên, vốn điều lệ của công ty hoặc tài

4 Theo Mục 4 Luật Vận tải hàng hóa đa phương thức, nhà làm luật dùng cả hai từ “firm”“company”, tuy nhiên, theo pháp luật Ấn Độ, hai loại hình “firm”“company” đều là sự hợp tác giữa các cá nhân, chỉ khác nhau ở chế độ trách nhiệm, bên cạnh đó, khi dịch sang tiếng Việt, hai từ ngữ này đều mang nghĩa “công ty”. Do đó, trong phần này, tác giả sử dụng chung thuật ngữ “công ty” cho cả hai loại hình này.

5 Ở đây, nhà làm luật đề cập đến việc kinh doanh dịch vụ bên trong phạm vi lãnh thổ Ấn Độ hay phạm vi quốc tế, bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ.

6 Lakh là đơn vị trong hệ thống số của Ấn Độ, tương đương với một trăm nghìn (100,000). Như vậy, 50 lakh rupees = 5,000,000 rupees.

sản hợp nhất trong tài khoản của thành viên công ty hoặc vốn của chủ doanh nghiệp tư nhân không được thấp hơn 50 lakh rupees.

Thứ hai, người đăng ký kinh doanh phải có trụ sở hoặc đại lý hoặc văn phòng đại diện không ít hơn hai quốc gia khác ngoài Ấn Độ.

Tóm lại, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức ở Ấn Độ khá phức tạp. Ngoài quy định về nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, pháp luật Ấn Độ còn ấn định một số điều kiện khác về vốn hoặc doanh thu cùng với điều kiện về trụ sở.

Trung Quốc [51, tr.3]:

Trung Quốc không sử dụng thuật ngữ người kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức (“Multimodal Transport Operators – MTOs”) như pháp luật Ấn Độ, Thái Lan, mà sử dụng thuật ngữ “người vận chuyển hàng hóa quốc tế” (“International Shipping Operator”). Trung Quốc có một đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế. Điều 16 Chương 3 Luật về Vận chuyển hàng hóa quốc tế quy định, người vận chuyển hàng hóa quốc tế kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ hoặc đến các cảng của Trung Quốc phải có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo các quy định của Luật này.

Ngoài quy định chung trên, chủ thể kinh doanh còn phải đáp ứng các điều kiện liên quan đến vốn điều lệ tối thiểu. Pháp luật Trung Quốc quy định số vốn khác nhau đối với các chủ thể kinh doanh các dịch vụ khác nhau. Ví dụ, vốn điều lệ tối thiểu của chủ thể kinh doanh dịch vụ vận tải quốc tế bằng đường biển là năm triệu Nhân dân tệ; bằng đường hàng không là ba triệu Nhân dân tệ; bằng đường bộ hoặc chuyển phát nhanh quốc tế là hai triệu Nhân dân tệ. Đối với các chủ thể kinh doanh từ hai dịch vụ kể trên, vốn điều lệ tối thiểu bằng số vốn điều lệ của dịch vụ có vốn điều lệ cao nhất. Khi doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh vận chuyển hàng hóa quốc tế, doanh nghiệp phải nộp thêm năm trăm nghìn Nhân dân tệ.

Như vậy, quy định về điều kiện kinh doanh của dịch vụ vận tải quốc tế ở Trung Quốc đơn giản, chỉ gồm hai điều kiện về nghĩa vụ đăng ký kinh doanh và vốn điều lệ tối thiểu.

Từ những phân tích về pháp luật của Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức, mặc dù mỗi quốc gia có những quy định khác nhau, nhưng đều có những điểm chung:

- Thứ nhất, nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Đây được xem là điều kiện cần để kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức. Khi chủ thể kinh doanh thực hiện việc đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu doanh nghiệp không thực hiện theo đúng trình tự luật định thì cơ quan nhà nước có quyền từ chối cấp giấy phép hoặc từ chối chấp thuận cho chủ thể kinh doanh tiến hành hoạt động kinh doanh. Kinh doanh vận tải đa phương thức là một ngành phức tạp, chính vì vậy, nghĩa vụ đăng ký kinh doanh có thể giúp Nhà nước nhận biết các công ty kinh doanh dịch vụ này từ những ngày đầu tiên, tiến hành kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện kịp thời, nhanh chóng.

- Thứ hai, chỉ một số loại hình doanh nghiệp nhất định mới được phép kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức. Các quốc gia khác nhau sẽ quy định các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Nếu bất kỳ loại hình nào cũng đều có thể kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức sẽ dẫn đến việc khó khăn trong quản lý nhà nước. Các điều kiện khác để kinh doanh dịch vụ này cũng cần phải khác biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, ví dụ trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh, vốn… Quốc gia nào càng có nhiều loại hình doanh nghiệp thì việc quy định điều kiện kinh doanh càng phức tạp, từ đó, việc quản lý trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn. Không những thế, chế độ trách nhiệm của mỗi loại hình doanh nghiệp có thể không giống nhau. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản, thủ tục thu hồi nợ cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, chỉ nên quy định một, một số loại hình doanh nghiệp nhất định được kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.

- Thứ ba, quy định về vốn điều lệ tối thiểu đối với người kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức. Quy định này giúp hạn chế việc các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp vận tải đa phương thức tràn lan, khó kiểm soát trên thực tế. Việc quy định mức vốn điều lệ tối thiểu đối với người kinh doanh đã phần nào chứng minh tiềm lực kinh tế của chính doanh nghiệp đó, tránh xảy ra rủi ro trong việc khó thu hồi nợ nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản.

Như vậy, qua nghiên cứu tính chất, mục đích, yêu cầu của điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và nội dung điều chỉnh pháp luật về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức ở một số quốc gia nêu trên và pháp luật hiện hành của Việt Nam, có thể rút ra những nhóm quy phạm cần có về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức như sau:

- Các quy định chung về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.

Điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề có thể được quy định tại các luật, văn bản dưới luật và được quy định trong điều ước quốc tế. Điều kiện đầu tư kinh doanh thường được quy định phù hợp với mục tiêu quy định và đáp ứng các yêu cầu về công khai, minh bạch, khách quan; tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được công bố công khai, nhà đầu tư và nhà kinh doanh dễ dàng tiếp cận.

- Các quy định về công bố và kiểm soát điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức.

- Các quy định về thẩm quyền của cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và các loại giấy xác nhận khác.

- Các quy định về nghĩa vụ đăng ký kinh doanh gắn với điều kiện kinh doanh nói chung và điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng.

- Các quy định về loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức đòi hỏi tuân thủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức;

- Các quy định về điều kiện để được kinh doanh ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức như:

+ Điều kiện về giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức;

+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức (chẳng hạn: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vận chuyển và an toàn giao thông, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…);

+ Điều kiện về chứng chỉ hành nghề dịch vụ vận tải đa phương thức;

+ Điều kiện về vốn pháp định dịch vụ vận tải đa phương thức: có nước quy định tài sản tối thiểu (chẳng hạn tương đương 80.000 SDR).

+ Điều kiện khác: chẳng hạn, văn bản xác nhận kinh nghiệm; Phải lập dự án và được phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập công ty để bắt đầu kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức. Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định.

TIỂU KẾT CHƯƠNG

Việt Nam là quốc gia ven biển, với đường bờ biển dài, có nhiều cảng biển, phía Nam có nhiều vị trí lợi thế về địa dư như Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu… lại nằm trên trục hàng hải quốc tế nên chúng ta có đủ điều kiện để trở thành một quốc gia có nền giao nhận hàng hóa phát triển. Vận tải đa phương thức là phương thức vận tải ưu việt, được sử dụng rộng rãi trong giao nhận hàng hóa quốc tế. Phương thức này được thế giới sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng ở Việt Nam, phương thức này mới được tiếp cận từ năm 90 của thể kỷ XX và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Kinh doanh vận tải đa phương thức là việc người dùng cung ứng dịch vụ vận tải đa phương thức thực hiện một, một số hoặc tổng thể các phương pháp, hình thức và phương tiện cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích lợi nhuận.

Tuy nhiên, kinh doanh vận tải đa phương thức là một ngành phức tạp, vì vậy, cần phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua các quy định về điều kiện kinh doanh. Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức được hiểu là những yêu cầu, đòi hỏi được pháp luật đặt ra, mà các chủ thể kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần đáp ứng hoặc phải thực hiện khi tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức theo pháp luật việt nam hiện nay (Trang 26 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)