Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về biện pháp đưa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ thực tiễn tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh thanh hóa (Trang 73 - 79)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về biện pháp đưa

đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thứ nhất, sửa đổi tiêu chí “nơi cư trú ổn định” trong Nghị định số 221/2013/NĐ-CP. Theo đó, “nơi cư trú ổn định” cần được xác định theo tinh thần của Luật Cư trú năm 2020. Bởi vì, Luật Cư trú là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh về vấn đề cư trú của công dân nên mọi quy định liên quan đến cư trú trong các văn bản pháp luật khác cần phải được chuẩn hóa theo Luật Cư trú: “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú; Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này” [28; Điều 11]. Như vậy, nơi cư trú của công dân là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (nơi thường trú); là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú (nơi tạm trú) [28; Điều 3].

Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống” [25; Điều 40]. Như vậy, Bộ luật Dân sự cũng căn cứ vào tiêu chí là “nơi thường xuyên sinh sống” để xác định nơi cư trú của công dân. Do đó, tác giả đề nghị khoản 1 Điều 2 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP cần sửa đổi như sau:“Nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú, trường hợp chưa thực hiện đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống theo xác nhận của công an xã, phường, thị trấn, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh

sống”. Đồng thời, các văn bản Luật cũng cần có sự giải thích rõ ràng thế nào là “thường xuyên sinh sống” để việc xác định điều kiện “cư trú ổn định” thật sự khách quan và thống nhất.

Tác giả kiến nghị có thể quy định như sau: “Nơi người nghiện ma túy thường xuyên sinh sống là nơi người đó đã cư trú liên tục từ sáu tháng trở lên tính đến thời điểm bị phát hiện sử dụng chất ma túy”. Quy định “cư trú liên tục từ sáu tháng trở lên” là hợp lý và phù hợp với tinh thần của Luật Cư trú. Cụ thể, khoản 5 Điều 30 Luật Cư trú quy định: “Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xóa tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú”. Mặc dù Luật Cư trú không giải thích cụ thể thế nào là “thường xuyên sinh sống” nhưng thông qua quy định này có thể thấy Luật Cư trú đã gián tiếp thừa nhận tiêu chí để coi một người “thường xuyên sinh sống” tại một nơi nào đó là họ đã sinh sống tại nơi đó từ sáu tháng trở lên.

Thứ hai, cần loại bỏ mâu thuẫn trong thủ tục đưa người đã có quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp này không có nơi cư trú ổn định. Sửa đổi Điều 9 Nghị định số 211/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ loại giấy tờ mang tính bắt buộc trong hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là “giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng của Chủ tịch UBND cấp xã”. Theo đó, nên quy định lại là “giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng của Chủ tịch UBND cấp xã” chỉ áp dụng đối với người đã từng tham gia chương trình cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc tại cộng đồng nhưng vẫn còn nghiện. Đối với người không tham gia chương trình cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc tại cộng đồng thì không bắt buộc phải có loại giấy tờ này.

Sửa đổi Điều 10 Nghị định 221/NĐ-CP 2013 theo hướng rút bớt thẩm quyền xác định đối tượng nghiện. Vì hồ sơ từ khi được lập phải qua nhiều cơ

quan thẩm định như: Cơ quan Công an, Phòng Tư pháp, Phòng LĐ – TB & XH, dẫn đến Tòa án tin vào cơ quan lập hồ sơ nên nghiên cứu hồ sơ không kỹ và khi ra quyết định áp dụng biện pháp XLHC đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đối tượng có khiếu nại mới phát hiện cơ quan lập hồ sơ có nhiều sai sót. Khi đó Tòa án buộc phải yêu cầu cơ quan lập hồ sơ chỉnh sửa hồ sơ trong khi đối tượng đã bị đưa vào cơ sở quản lý nên khó có thể trả lại hồ sơ; yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung đầy đủ các tài liệu chứng minh về tình trạng nghiện hay nơi cư trú của đối tượng hoặc hồ sơ có thể hiện nhưng căn cứ chứng minh không vững dẫn đến đối tượng khiếu nại.

Thứ ba, về xác định đối tượng áp dụng của biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cần bổ sung thêm đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012 đó là người đã từng cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng nhưng vẫn còn nghiện, cụ thể như sau:“Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc đã cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”. Quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tệ nạn xã hội cũng như yêu cầu quản lý các đối tượng nghiện của các địa phương, bởi lẽ nếu không áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với những đối tượng này địa phương sẽ rất khó kiểm soát tình hình nghiện.

Cần mở rộng độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Luật XLVPHC năm 2012 nên có sự điều chỉnh về độ tuổi và đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cụ thể là bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên. Đối chiếu với các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì người từ đủ 14

tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, việc mở rộng đối tượng bị áp dụng biện pháp hành chính đối với người từ đủ 14 tuổi về mặt pháp lý là phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên, về mặt thực tiễn thì đảm bảo được yêu cầu phòng, chống tệ nạn xã hội. Mặc dù, trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn như về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng điều trị, tình trạng quá tải xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi là điều cần thiết và để phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý của người chưa thành niên, cần đầu tư xây dựng khu riêng biệt dành cho độ tuổi dưới 18 trong các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Đối với người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi, Luật Phòng, chống ma túy có quy định việc đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đây không phải là biện pháp XLHC. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những đối tượng này còn quá nhỏ, nhưng để họ sống ngoài cộng đồng mà không được sự quản lý chặt chẽ thì tình trạng nghiện sẽ càng nặng hơn. Do vậy, ngoài khu dành cho người nghiện từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi, thì trong các cơ sở cai nghiện bắt buộc cần xây dựng thêm khu vực dành cho người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi bị nghiện. Và phải quy định rõ trình tự, thủ tục đưa người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi đi cai nghiện.

Thứ tư, cần ban hành Nghị quyết quy định về đối tượng nghiện ma túy thuộc loại côn đồ, hung hãn. Như trên đã phân tích, trong Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật hành chính có liên quan đều không giải thích thế nào là “côn đồ hung hãn” nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thống nhất áp dụng pháp luật ở các TAND cấp huyện.

Thứ năm, cần hoàn thiện hệ thống biểu mẫu sử dụng trong áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặc dù đã có hướng dẫn về biểu mẫu trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND thì theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; tuy nhiên, các địa phương vẫn ban hành các biểu mẫu khác nhau để áp dụng. Cho nên cần xác định rõ việc sử dụng biểu mẫu để tránh tình trạng áp dụng khác nhau. Việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định của pháp luật về biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một việc làm hết sức cần thiết, để cho các quy định được áp dụng thống nhất, rõ ràng trên thực tế.

Thứ sáu, về quy định Kiểm sát viên tham gia phiên họp

Theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 thì “Kiểm sát viên tham gia phiên họp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLHC” [40, Điểm g khoản 2 Điều 20].

Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả để thống nhất và tương thích với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 cụ thể:

Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về phát biểu của Kiểm sát viên: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”.

Điều 190 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về phát biểu của Kiểm sát viên: “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố

tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”.

Do đó khi Kiểm sát viên tham gia phiên họp không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật mà còn phát biểu ý kiến về mặt nội dung giải quyết vụ việc. Việc phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về nội dung áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là điều cần thiết sẽ giúp Tòa án hiểu rõ vấn đề để tìm ra chân lý khi giải quyết vụ việc, quy định cho phép Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, việc quy định như trên sẽ thống nhất với nội dung trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm sát viên trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Luật tổ chức TAND năm 2014. Do đó, để đảm bảo nhanh chóng, khách quan, công khai minh bạch cần quy định thêm vào Pháp lệnh số 09 về trách nhiệm cho Kiểm sát viên đó là ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo quy định Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của UBTVQH khi tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: “Người tham gia phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh này phải có mặt tại phiên họp; trường hợp đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp” [40, khoản 1 Điều 19]. Pháp luật đã quy định cho cơ quan Viện kiểm sát và Kiểm sát viên chức năng kiểm sát. Do đó chủ thể này phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao theo đúng quy định pháp luật nếu không thực hiện đúng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều đó có nghĩa là không thể vì bất kỳ lý do gì mà sự vắng mặt của Kiểm sát viên có thể làm trì hoãn việc xem xét áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, việc

quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp là điều không cần thiết nhằm đảm bảo cho việc giải quyết việc xem xét áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, Viện Kiểm sát. Tác giả kiến nghị TAND tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn điểm g khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 theo hướng Kiểm sát viên tham gia phiên họp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật và nội dung trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp XLHC. Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh số 09 theo hướng khi Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên họp áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp mà không cần Kiểm sát viên tham gia phiên họp.

Ngoài ra, TAND tối cao cũng cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng cần trích xuất đối tượng nghiện ma túy về trụ sở Tòa án để mở phiên họp áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như vậy sẽ đảm bảo thẩm quyền của Tòa án và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ thực tiễn tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh thanh hóa (Trang 73 - 79)