Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tổ chức không chỉ có ý nghĩa với đất nước, với tổ chức mà còn có ý nghĩa đặc biệt với bản thân người lao động. Quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quá trình biến đổi nhằm biến đổi, phát huy, khơi dậy tiềm năng của con người, là phát triển toàn bộ nhân cách và từng bộ phận trong cấu trúc nhân cách, phát triển cả về năng lực thể chất lẫn năng lực tinh thần của con người, tạo dựng và ngày càng nâng cao, hoàn thiện cả về đạo đức, năng lực chuyên môn và tay nghề từ trình độ chất lượng này lên trình độ chất lượng khác cao hơn, toàn diện hơn.
Sau khi tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, người lao động sẽ có thể thực hiện công việc được giao một cách chuyên nghiệp hơn. Trong quá trình thực hiện công việc sai sót sẽ giảm, tránh được thất bại nên nhân viên cảm thấy tự tin hơn, tăng sự thỏa mãn công việc, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng phát triển cá nhân.
Người lao động cũng có cách nhìn mới, cách tư duy sáng tạo và tự tin với khả năng thích ứng trong công việc hiện tại và tương lai. Người lao động có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao có khả năng đảm nhiệm các chức năng nắm bắt và tiếp thu các thông tin kiến thức khoa học mới, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, năng động sáng tạo thích ứng với cơ chế thị trường.
Kết quả làm việc tốt hơn đồng nghĩa với việc nhân viên có cơ hội tăng thêm về thu nhập tức tăng mức sống cho bản thân, cho gia đình mình.
Hơn nữa, các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn tạo ra sự gắn kết giữa người lao động với nhau và giữa người lao động với tổ chức.