trạng và triển vọng.
Học viên Trần Thị Kim Thu
Trong xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá ngày càng gia tăng, tiến trình Hợp tác Đông Á đã đi được chặng đường gần hai mươi năm với sự tham gia của các quốc gia trong khu vực. Sau Chiến tranh Lạnh, vai trò, vị thế của Ấn Độ ngày càng được nâng cao trong quan hệ quốc tế và đã đến lúc Ấn Độ tham gia vào quá trình xây dựng cấu trúc an ninh, kinh tế khu vực châu Á. Việc Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tháng 12 năm 2005 đã đánh dấu một bước tiến mới trong chính sách hướng Đông của đất nước có diện tích và dân số lớn nhất Nam Á này. Vậy Đông Á có vị trí quan trọng như thế nào về an ninh, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa đối với chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ? Vì sao Ấn Độ tham gia Hợp tác Đông Á? Ấn Độ đã tham gia vào tiến trình Hợp tác Đông Á như thế nào? Ấn Độ có vai trò như thế nào trong tiến trình Hợp tác Đông Á? Triển vọng hợp tác giữa Ấn Độ với các nước Đông Á và Việt Nam về các lĩnh vực trên như thế nào, cơ chế hợp tác và các giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hợp tác trong thời gian tới như thế nào? Đó là những vấn đề đặt ra cần được giải quyết.
Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972 và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007. Đến nay, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam đã có nhiều bước phát triển góp phần vào thành công chung của hai nước. Do đó tìm hiểu vai trò của Ấn Độ đối với khu vực là thực sự cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần vào việc nghiên cứu và hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động.
Vì những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài “Ấn Độ với tiến trình hợp tác Đông Á (từ năm 1997 đến nay): Thực trạng và triển vọng” làm đề tài nghiên cứu luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ quốc tế.
Luận văn đã đi sâu nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chủ yếu sau:
(i) Phân tích thực trạng quá trình hợp tác Đông Á, những thành tựu và hạn chế (ii) Phân tích làm rõ những nhân tố tác động đến việc Ấn Độ tham gia Hợp tác Đông Á; sự thay đổi vai trò của Ấn Độ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Á nói riêng; sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI (chính sách hướng Đông); quá trình tham gia và vai trò của Ấn Độ trong tiến trình Hợp tác Đông Á.
(iii) Dự báo triển vọng hợp tác giữa Ấn Độ và Đông Á, đặc biệt là hợp tác Ấn Độ với Việt Nam trong thời gian tới.