Học viên: Cái Ngọc Thiên Hương
Chống phổ biến vũ khí hạt nhân là một vấn đề đang ngày càng trở nên “nóng” hơn trong khu vực khi chính sách này được định hình rõ nét và đầy mạnh triển khai dưới thời Tổng thống Obama với chiến lược “Tái cân bằng tại châu Á Thái Bình Dương” với trọng tâm là khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, Việt Nam hiện nay đang theo đuổi chương trình điện hạt nhân nên việc nghiên cứu chính sách này của Mỹ, cường quốc dẫn đầu các nỗ lực chống phổ biến VKHN trên thế giới, sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn về mặt chính sách, hạn chế những nghi ngờ phát triển VKHN như trường hợp của Iran.
Chính sách chống phổ biến VKHN của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á phải đến thời Tổng thống Obama mới được định hình rõ nét. Dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia của Mỹ, thực trạng phổ biến VKHN cũng như sự quan tâm của khu vực Đông Nam Á đến lĩnh vực chống phổ biến VKHN, Mỹ đã đưa ra chính sách với hai trọng tâm là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế chống phổ biến VKHN và hợp tác với các nước trong khu vực về năng lượng hạt nhân dân sự. Sau một thời gian triển khai, chính sách này của Mỹ đã có những tác động tích cực đến khu vực và từng quốc gia, trong đó rõ nét nhất là trường hợp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, chính sách này vẫn đang trong giai đoạn đầu triển khai nên vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Trong tương lai, chính sách này sẽ được Mỹ quan tâm nhiều hơn, sẽ đi vào thực chất nhiều hơn, sẽ có hiệu quả hơn so với hiện nay.
Nắm được Mỹ đã quan tâm hơn đến chính sách này từ thời Tổng thống Obama, Việt Nam đã đưa ra chính sách phù hợp: tăng cường hợp tác song phương với Mỹ thông qua việc ký kết các hiệp định, các biên bản ghi nhớ… cũng như thông qua các chương trình hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến do Mỹ đề xuất như Megaports nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho chương trình điện hạt nhân của mình đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia cũng như tăng cường quan hệ Việt - Mỹ./.