Yếu tố ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật trách nhiệm sản phẩm và những vấn đề đặt ra trong việc thực thi tại quảng ninh (Trang 36 - 38)

Ý thức pháp luật là tổng thể những quan điểm, quan niệm về pháp luật, là tình cảm và tâm trạng của con người đối với pháp luật.

Về mặt cấu trúc, ý thức pháp luật bao gồm tâm lý pháp luật, hệ tư tưởng pháp luật. Tâm lý pháp luật là tổng thể những cảm xúc, tâm trạng, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác, tâm lý pháp luật được

hình thành ở từng cá nhân, từng nhóm người, từng giai cấp từ sự ảnh hưởng của pháp luật, của quá trình điều chỉnh xã hội bằng pháp luật, của quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật. Hệ tư tưởng pháp luật là tổng thể các tư tưởng, học thuyết, trường phái lý luận, quan điểm khoa học về pháp luật, nói cách khác, đó là nhận thức, là sự hiểu biết của con người về pháp luật.

Đối với việc thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật trách nhiệm sản phẩm nói riêng, sự tác động của ý thức pháp luật của doanh nghiệp có thể được xem xét thông qua sự tác động của từng bộ phận cấu thành ý thức pháp luật là hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật.

Hệ tư tưởng pháp luật ở cấp độ cá nhân và nhóm được hiểu là những suy nghĩ, nhận thức, quan điểm… về pháp luật. Sự nhận thức này có thể ở nhiều cấp độ khác nhau, tương ứng với đó, ý thức thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật trách nhiệm sản phẩm nói riêng cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ, cùng với quy định về việc bảo đảm quyền cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, nếu doanh nghiệp không nắm rõ các quy định của pháp luật thì có thể thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình; ở mức độ cao hơn, doanh nghiệp nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình và người tiêu dùng có thể thực hiện đúng, đủ các quy định này nhưng vẫn có thể chây ỳ hoặc trốn tránh nghĩa vụ để được hưởng lợi từ đó; nếu có nhận thức đầy đủ và toàn diện về quy định này, doanh nghiệp sẽ nhận thức được việc trốn tránh nghĩa vụ bảo đảm cung cấp thông tin tới người tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, dẫn đến tâm lý chán nản, không tích cực ủng hộ sản phẩm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn nhận thức được hành vi đó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp và trong trường hợp pháp luật có quy định, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích nhiều mặt của doanh nghiệp do bị đánh thấp chỉ số tin cậy.

Tâm lý pháp luật bao hàm các trạng thái tâm lý đối với pháp luật như tôn trọng, niềm tin, mong muốn… của chủ thể. Tâm lý pháp luật chi phối trực tiếp quá

trình thi hành pháp luật của chủ thể, là yếu tố thúc đẩy các chủ thể lựa chọn và thực hiện hành vi pháp luật trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.

Niềm tin vào pháp luật, vào lẽ công bằng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện pháp luật. Nếu doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp hợp pháp thì doanh nghiệp sẽ sử dụng các cơ chế đó thay vì thực hiện các hành vi trái pháp luật để bảo vệ các lợi ích của mình như sử dụng xã hội đen, dịch vụ đòi nợ xấu bất hợp pháp… Nếu doanh nghiệp tin tưởng rằng các hành vi vi phạm pháp luật thuế đều bị xử lý nghiêm minh thì doanh nghiệp sẽ tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật về thuế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật trách nhiệm sản phẩm và những vấn đề đặt ra trong việc thực thi tại quảng ninh (Trang 36 - 38)