Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất được dịch từ cụm từ tiếng Anh “Registration, Evaluation, Authorisation & restriction of Chemicals”, viết tắt là REACH, là Quy chuẩn (EC) 1907/2006 (Regulation 1907/2006) ban hành ngày 18/12/2006 và hoàn toàn có hiệu lực vào ngày 01 tháng 06 năm 2007. Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất là một quy định của Liên minh châu Âu, được thông qua để cải thiện việc bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường khỏi các nguy cơ có thể gây ra bởi hóa chất, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp hóa chất của EU. Nó cũng khuyến khích các phương pháp thay thế cho đánh giá nguy hiểm của các chất để giảm số lượng các xét nghiệm trên động vật. Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất quy định việc sử dụng và sản xuất hóa chất tại EU thông qua một quá trình đánh giá nghiêm ngặt đối với tất cả các loại hóa chất.
Về nguyên tắc, Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất áp dụng cho tất cả các hóa chất; Không chỉ những sản phẩm được sử dụng trong các quy trình công nghiệp mà còn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, ví dụ như trong các sản phẩm làm sạch, sơn và các sản phẩm như quần áo, đồ gỗ và đồ điện gia dụng. Để tuân thủ quy định của REACH, các công ty phải tuân thủ quy trình như sau. Trước hết, các công ty phải xác định và quản lý các rủi ro liên quan đến các chất họ sản xuất và phân phối tại EU. Họ phải chứng minh cho Cơ quan hóa chất Châu Âu (European Chemicals Agency – ECHA) cách sử dụng chất này một cách an toàn và họ phải đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro cho người dùng. Mỗi năm, các công ty phải có trách nhiệm thu thập thông tin về các chất họ sử dụng trong sản
xuất hoặc nhập khẩu với lượng trên 1 tấn mỗi năm. Từ đó, họ đánh giá rủi ro tiền ẩn đối với các chất này. ECHA và các quốc gia thành viên EU đánh giá thông tin do các công ty đệ trình để kiểm tra chất lượng của hồ sơ đăng ký và các đề xuất thử nghiệm. Từ đó ECHA và các quốc gia thành viên đánh giá chất được đệ trình có gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người hay môi trường hay không. Nếu một chất bị đánh giá là đáng lo ngại, chất này sẽ được yêu cầu thay thế bằng các giải pháp thay thế phù hợp. Những chất bị đánh giá là đáng lo ngại được gọi là Các chất có mức độ quan tâm cao (Substances of Very High Concern - SVHCs). Những chất này được ECHA cập nhật hàng năm tại website của ECHA. Hiện nay, số chất trong danh sách SVHCs đã lên tới 155 chất. Nếu rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người từ hóa chất các công ty trình lên bị ECHA đánh giá là không thể chấp nhận được, ECHA sẽ áp dụng các biện phát hạn chế. Hạn chế có thể sẽ là hạn chế ở một mức độ nhất định chất đó trong sản phẩm hoặc cấm toàn bộ chất đó có thể được sử dụng và đưa ra thị trường (các chất hạn chế được nêu ở phụ lục XVII của REACH).
Danh sách chất bị hạn chế sử dụng (Restricted Substances Lists) còn gọi là danh sách RSLs chứa tên của chất, luật áp dụng, lý do đưa vào danh sách, phương pháp kiểm tra, giới hạn, vật liệu áp dụng và danh sách phòng thí nghiệm được chấp nhận. RSLs được cung cấp cho các nhà cung cấp, phòng thí nghiệm và sẽ được rà soát, cập nhật hàng năm.
Có một lưu ý về RSLs. Đó là đối với các doanh nghiệp lớn, họ thường sử dụng RSLs như một phương thức xây dựng thương hiệu trên thị trường và sử dụng RSLs như một cách phản ánh thông tin về sản phẩm phù hợp với các giá trị của công ty. Đó là lý do vì sao có rất nhiều trường hợp danh sách chất bị hạn chế của các thương hiệu lớn thường nghiêm ngặt hơn so với yêu cầu về pháp lý của Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất.
Một lưu ý nữa về Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất đó là
“Báo cáo đánh giá an toàn hóa chất”. Hệ thống báo cáo đánh giá an toàn hóa chất
là một phần trong quá trình đăng ký REACH. Khi nộp hồ sơ đăng ký Quy chuẩn REACH, ECHA yêu cầu phải nộp “Báo cáo an toàn hóa chất” đi kèm. Hệ thống này yêu cầu phải đánh giá các đặc thù và tính năng có thể phơi nhiễm của hóa chất,
là tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký REACH. Đánh giá an toàn hóa học được thực hiện để chứng minh rằng các rủi ro từ việc tiếp xúc với một chất trong quá trình sản xuất và sử dụng được kiểm soát khi áp dụng các điều kiện hoạt động cụ thể và các biện pháp quản lý rủi ro. Các điều kiện sử dụng chất này tạo thành kịch bản phơi nhiễm, đây là một thành phần thiết yếu của báo cáo an toàn hoá chất. Ví dụ như các tính năng liên quan đến nước thải, cần đưa ra các biện pháp để giảm thải ra môi trường khi hàm lượng có thể gây ô nhiễm môi trường vượt trên mức vô hại.
EU không có quy định pháp lý cụ thể nào về da và da thuộc. Tuy nhiên, sản phẩm thuộc da có thể được điều chỉnh bởi các quy định chung về bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bao gồm các quy định về việc kinh doanh và sử dụng các chất/hóa chất nguy hại và quy định về sản phẩm làm từ động vật khi nhập khẩu vào EU. Trong đó quan trọng nhất là Quy chuẩn Đăng ký, đánh giá và cấp phép hóa chất. Mặc dù REACH chủ yếu nhắm đến ngành công nghiệp hóa chất tuy nhiên cũng có những tác động đáng kể đối với các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất hàng hóa (bao gồm sản phẩm da giầy).
Về các chất hạn chế bắt buộc và đề nghị (RSLs), sản phẩm da giầy cần lưu ý đến các chất hạn chế bắt buộc và đề nghị như sau:
- Dệt may tự nhiên: Chất bị hạn chế bắt buộc gồm: thuốc nhuộm Azo, PCP. Chất hạn chế đề nghị gồm Formaldehyde và kim loại nặng
- Dệt may tổng hợp: Chất hạn chế bắt buộc gồm thuốc nhuộm Azo, Organotins. Chất hạn chế đề nghị gồm Formaldehyde, kim loại nặng và thuốc nhuộm phân tán.
- Da: Chất hạn chế bắt buộc gồm: thuốc nhuộm Azo, PCP, Organotins, Hexavalent Chromium. Chất hạn chế đề nghị gồm Formaldehyde và kim loại nặng.
Tuy nhiên để kiểm tra tất cả các chất trong tất cả chất liệu là rất khó khăn trong thương mại. Vì vậy thông thường quá trình kiểm tra sẽ được phân loại gồm một loạt các sản phẩm tương tự và các nhà cung cấp sản phẩm tương tự nhau.
Những sản phẩm phổ biến nhất sẽ được kiểm tra đầu tiên. Từ đó người kiểm tra sẽ xác định chất liệu đó được dùng trong những sản phẩm khác nhau và tham chiếu chéo.
Hệ thống Báo cáo đánh giá an toàn hóa chất theo yêu cầu của ECHA, đã được đề cập ở trên, đặc biệt tác động đến ngành thuộc da. Đối với một số chất phụ gia dùng trong chế biến da thuộc, Báo cáo đánh giá an toàn hóa chất yêu cầu mô tả đặc thù các chất có nguy cơ gây ô nhiễm, bao gồm tác động nguy hại đến sức khỏe con người tại nơi làm việc (còn gọi là “các yếu tố an toàn nghề nghiệp”) và một số chất hỗn hợp được cho là sẽ tồn dư trong hoặc trên sản phẩm da hoàn thiện có nguy cơ gây hại khi sản phẩm đó được người tiêu dùng sử dụng. Do đó, việc mô tả đặc thù và nguy cơ gây hại của các thành phần liên quan bắt buộc phải là một phần của báo cáo đánh giá an toàn hóa chất, cùng với các nội dung khác mô tả tác động có hại đến sức khỏe con người (còn gọi là “các yếu tố bảo vệ người tiêu dùng”).
Quy định REACH còn áp dụng cho da và sản phẩm da liên quan đến các chất: nickel trong phụ kiện kim loại của giầy và đồ trang trí; chất nhuộm azo trong sản phẩm da; cadmium (còn gọi là carcinogen), trong một số đồ da và đồ phụ kiện bằng da.