Quy định về sản phẩm diệt khuẩn - The Biocidal Products Regulation (BPR) (EU 528/2012) là quy chuẩn kỹ thuật của EU quy định việc đưa vào và sử dụng sản phẩm diệt khuẩn được sử dụng để bảo vệ con người, động vật, vật liệu hoặc vật phẩm chống lại các sinh vật gây hại như sâu bệnh hoặc vi khuẩn bằng các chất hoạt tính có trong sản phẩm diệt khuẩn. Quy định này nhằm cải thiện hoạt động của thị trường sản phẩm diệt khuẩn ở EU, đồng thời đảm bảo mức độ bảo vệ cao cho con người và môi trường.
Quy định về sản phẩm diệt khuẩn được thông qua vào ngày 22 tháng 5 năm 2012 và áp dụng từ ngày 1 tháng 9 năm 2013 thay thế cho Chỉ thị về Sản phẩm diệt khuẩn số 98/8/EC.
Về quy trình cấp phép sản phẩm diệt khuẩn, Các công ty trước hết cần nộp đơn xin phê duyệt một chất hoạt tính (chất diệt khuẩn trong sản phẩm) bằng cách nộp hồ sơ cho ECHA. Các chất hoạt tính được đánh giá lần đầu bởi cơ quan có thẩm quyền cấp nhà nước và kết quả của các đánh giá này được chuyển tới Ủy ban Sản phẩm diệt sinh vật của ECHA. Việc phê duyệt một chất hoạt tính được cấp trong một số năm nhất định, không quá 10 năm và có thể tái cấp phép. Sau khi ECHA phê duyệt một chất hoạt tính, các công ty muốn cung cấp các sản phẩm diệt khuẩn có chứa chất hoạt tính đó trên thị trường phải nộp đơn xin cấp phép sản phẩm ở cấp quốc gia hoặc cấp Liên minh. Cùng với đó các công ty có thể yêu cầu ECHA thiết lập sự tương đương kỹ thuật hoặc sự giống nhau về hóa chất của chất hoạt tính (hoạt tính tương tự). Điều này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cấp phép sản phẩm diệt khuẩn cho các công ty.
Nếu ECHA quyết định không phê duyệt đối với các chất hoạt động diệt khuẩn được trình trong hồ sơ của công ty, sau 180 ngày từ quyết định không phê duyệt, sản phẩm có chứa hoạt tính diệt sinh vật sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường.
Một sản phẩm có các đặc tính diệt khuẩn (có chứa các hoạt tính diệt khuẩn), chúng cần được gắn nhãn theo BPR. Thông tin ghi trên nhãn cần dễ hiểu, dễ quan sát đối với người tiêu dùng và phải chứa các thông tin sau:
- Một bản thuyết minh về sản phẩm đã được xử lý liên quan chặt chẽ tới sản phẩm diệt khuẩn;
- Nơi xác minh, đặc tính diệt khuẩn gắn cho sản phẩm đã xử lý; - Tên của các chất hoạt tính chứa trong sản phẩm diệt khuẩn;
- Tên của các vật liệu nano chứa trong sản phẩm diệt khuẩn, được viết sau chữ “nano” trong dấu ngoặc;
- Các hướng dẫn sử dụng liên quan, bao gồm các biện pháp phòng ngừa được thực hiện đối với sản phẩm đã được xử lý diệt khuẩn.
Hiện nay, theo thống kê của ECHA, có 22 nhóm hoạt chất sẽ được đánh giá và cấp phép sản phẩm diệt khuẩn bởi ECHA. Tuy nhiên trong số 22 nhóm hoạt chất đó, các doanh nghiệp da giầy sẽ phải đặc biệt lưu ý và xin cấp phép 2 nhóm hoạt
chất: sản phẩm diệt khuẩn vệ sinh cho con người và chất bảo quản cho thực phẩm cũng như nguyên liệu. Đây là hai nhóm hoạt chất được sử dụng trong hầu hết các sản phẩm da giầy hiện nay để xử lý nguyên vật liệu sản xuất sản phẩm da giầy. Vì vậy, các công ty xuất khẩu cần lưu tâm đến hai nhóm này khi xuất khẩu sang thị trường EU.